Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư bến bãi đỗ xe Hà Nội - mở hành lang chính sách, đón nguồn vốn tư nhân

Bài 2: Nguồn lực bế tắc, dự án lay lắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dự án giao thông tĩnh của Hà Nội đã được xác định chủ trương tận dụng tối đa nguồn vốn xã hội hóa, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự quan tâm với lĩnh vực này.

Nhưng trong thực tế, việc khơi thông nguồn lực lại gần như bế tắc, các dự án bến, bãi, điểm trông giữ xe lay lắt mãi trên giấy tờ.

Bài 1: “Mỏ vàng” chờ đánh thức

Cơ chế, chính sách bất ổn

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hầu hết các dự án bến xe đều thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, hai dự án (Đông Anh và Cổ Bi) đã phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết nhưng chưa triển khai. Một dự án (Bến xe khách Yên Sở) vướng về thủ tục đất đai; 3 dự án (Bến phía Bắc; phía Nam; phía Tây) do Sở GTVT thực hiện các thủ tục dấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vướng thì quy hoạch và đến thời điểm hiện nay mới được tháo gỡ.

Điểm trông giữ xe ô tô trên phố Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Thanh Hải
Điểm trông giữ xe ô tô trên phố Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Thanh Hải

Tương tự, 4 dự án bến xe tải thực hiện theo hình thức xã hội hóa thì có đến 3 (bến phía Bắc; phía Nam; phía Tây Nam) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng còn vướng quy hoạch, đến nay mới được tháo gỡ.

Trong 107 dự án bãi đỗ xe thuộc khu vực đô thị trung tâm được đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì có tới 50 dự án vẫn đang triển khai; hầu hết đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nhiều DN cho rằng, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh tại Hà Nội khá bấp bênh, bất ổn. Chủ trương, định hướng thì rõ nhưng cơ chế, chính sách áp dụng vào chi tiết lại chưa hấp dẫn DN hoặc còn có sự điều chỉnh gây bất ổn cho dự án. Đơn cử như các dự án bến xe khách và xe tải liên tỉnh chậm triển khai do điều chỉnh quy hoạch.

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập chia sẻ: “Mọi DN khi tham gia đầu tư đều muốn các thủ tục về quy hoạch, giải phóng mặt bằng… hoàn thành đầy đủ, DN chỉ việc bắt tay vào làm. Đang triển khai các bước nghiên cứu đầu tư một dự án, thậm chí chuẩn bị đấu thầu mà lại dừng để điều chỉnh quy hoạch, mất hàng năm trời nữa sẽ khiến DN e dè”.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án giao thông tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vị trí, địa điểm một số dự án kêu gọi đầu tư chưa thực sự thu hút nhà đầu tư.

Mặt khác, quy hoạch các dự án bến xe, bãi đỗ xe mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư vào triển khai phải lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết trước khi tổ chức triển khai thực hiện dự án, việc này mất rất nhiều thời gian.

Quan trọng hơn nữa là bài toán kinh tế khiến các DN lo ngại. Kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án giao thông tĩnh là khá lớn, đặc biệt các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng… có thể lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Nhưng khung giá quy định thu phí gửi xe trong nội thành Hà Nội chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/xe.

Muốn thu hồi được vốn đầu tư cho dự án phải mất vài chục năm dự án càng lớn, thời gian thu hồi vốn càng kéo dài và khó khả thi. Nhiều nhà đầu tư mong muốn có thể tăng thêm diện tích sử dụng thương mại dịch vụ để bù đắp chi phí. Vấn đề này cũng đã được HĐND TP Hà Nội thông qua, nâng tỷ lệ đất thương mại cho các dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng nhưng vẫn chưa tiệm cận mong muốn của DN.

Nhà đầu tư thiếu quyết tâm

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến triển khai quy hoạch giao thông tĩnh kém hiệu quả là năng lực tài chính một số nhà đầu tư còn hạn chế. Nhiều DN đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất định hướng giữ đất không thực sự đầu tư.

Một nguyên nhân khách quan khác là trong những năm gần đây, do tác động ảnh của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác, kinh doanh và đầu tư của các DN, khiến nguồn lực xã hội hóa hướng đến giao thông tĩnh càng thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều DN thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư còn chưa đầy đủ; chưa thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của nhà đầu tư theo quy định; chưa chủ động giải quyết những vi phạm trong quá trình thực hiện.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, công tác đôn đốc theo dõi tổng hợp hệ thống báo cáo giám sát đánh giá đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên, kịp thời. Việc tổ chức giám sát, hậu kiểm của cơ quan chủ trì trong lĩnh vực đầu tư cũng chưa thực sự hiệu quả. Công tác dự báo, đánh giá tình hình còn chưa theo kịp với thực tế phát triển.

“Nhiều DN vẫn còn có tâm lý dựa vào quan hệ, “chạy” hành lang để xin dự án, chưa tự lượng sức mình. Chính vì vậy mới có nghịch lý, đầu tư lớn, thu hồi vốn khó, kéo dài nhưng vẫn có DN lao vào làm. Để rồi khi đuối sức lại dây dưa, gây ảnh hưởng lớn đến cả TP” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.

Một khó khăn khác cũng khiến các nhà đầu tư “nản lòng” với các dự án giao thông tĩnh là thực tế khai thác khác xa hình dung ban đầu. Đơn cử như bãi trông giữ xe ngầm tại khu đô thị Mễ Trì Hạ chưa khi nào khai thác được hết công suất, do xung quanh có nhiều điểm trông giữ xe “lậu” cạnh tranh khốc liệt về giá phí.

Thực tế đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Vừa phải bỏ tiền núi, thu tiền lẻ, vừa bấp bênh không dám chắc về hiệu quả kinh tế khiến nhiều nhà đầu tư dần quay lưng với các dự án bến, bãi, điểm trông giữ xe tại Hà Nội.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích: “Hà Nội đang rơi vào một tình thế bế tắc và đầy mâu thuẫn. Nhà đầu tư lo ngại cơ chế chính sách còn vướng mắc, quá trình kinh doanh khai thác bị cạnh tranh không lành mạnh, lỗ vốn. TP lại lo ngại DN không thực sự nghiêm túc, thiếu năng lực đầu tư thực tế. Các dự án lay lắt đợi chờ, người dân cũng mỏi mắt trông ngóng hạ tầng giao thông tĩnh, trong khi đó tiền từ các bến, bãi, điểm trông gữi xe lậu thì chảy vào túi một số cá nhân”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang rất tích cực, tháo gỡ từng bước những vướng mắc, khó khăn để triển khai quy hoạch giao thông tĩnh. Tuy nhiên, tiến độ còn khá chậm chạp, hành lang đón nhận nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực này vẫn rất chật chội, khúc khuỷu. Nếu không sớm có những đột phá mạnh mẽ, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh bài bản, bắt kịp nhu cầu thực tế sẽ càng khó khăn hơn gấp bội.

(Còn nữa)