Khác với các năm trước, thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường ghi nhận có sự tăng trưởng “nóng” về giá bán, đầu tiên là ở những đô thị lớn sau đó lan rộng ra các vùng phụ cận.
Khác với những đợt “sốt đất” trước chủ yếu diễn ra ở các huyện ngoại thành – những khu vực nằm trong quy hoạch đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng mới của TP Hà Nội. Những ngày gần đây, giá BĐS lại “leo thang” bất ngờ ở khu vực phía Tây Hà Nội, thuộc địa bàn: Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông... trong đó đất nền, biệt thự và nhà liền kề là những sản phẩm đang “chiếm sóng” thị trường.
Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số dự án nhà thấp tầng, như: Hado Charm Villas từ mức giá 60 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm, nay chạm mức 70-75 triệu đồng/m2 hay dự án Hinode Royal Park, 70-75 triệu đồng/m2 lên 80-85 triệu đồng/m2... “Cách đây 20 ngày gia đình tôi nhận đặt cọc bán căn biệt thự rộng 230m2 ở khu đô thị Nam An Khánh để làm thủ tục chuyển nhượng, đến giờ thủ tục chưa kịp xong nhưng giá bán tăng thêm gần 10 triệu đồng/m2, chưa đầy 1 tháng tôi bị mất gần 2 tỷ đồng” – anh Nguyễn Quốc Doanh (trú tại Xa La, Hà Đông) buồn rầu chia sẻ.
Trong khi đó, đất nền – “món ăn” ưa thích của nhà đầu tư và môi giới BĐS cũng ghi nhận có sự tăng trưởng từ 20 – 40% tùy vào vị trí, cá biệt một số vị trí tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2021. Đơn cử, đất nền khu dân cư gần đường lớn thuộc địa bàn xã Xuân Canh (Hoài Đức) đầu quý III/2021 giao dịch ghi nhận 60 – 65 triệu đồng/m2, đến nay được “thổi” lên tới 80 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường rộng 4 – 5mkhu vực thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) đầu năm rao bán 90 – 100 triệu đồng/m2, nay lên mức 150 – 200 triệu đồng/m2...
Lý giải về điều này, Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt cho biết, phía Tây Hà Nội đang được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trọng điểm biến nơi đây trở thành trục phát triển mạnh nhất của Thủ đô. Cùng với đó là sự hiện diện các cơ quan đầu ngành của Thủ đô và Nhà nước, như: Sở GTVT, Trung tâm Hành chính Quốc gia, Sở Tư Pháp, Thanh tra Nhà nước TP Hà Nội, Bộ Ngoại giao... Theo quy luật, ở đâu hạ tầng phát triển cư dân tập trung đông thì BĐS sẽ tăng giá.
“Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh việc “chơi trội” của một số nhà đầu tư khi tham gia đấu giá đất ở khu vực này, khiến cho thị trường thiết lập mặt bằng giá mới, các khu vực khác cũng dựa vào đó để “thổi” giá” – ông Trần Quốc Việt nói.
Báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn, đất nền thị trường BĐS phía Nam có mức tăng trưởng lượng tìm kiếm tốt nhất trong những tháng cuối năm 2021, và kéo dài sang những ngày đầu năm 2022. Đơn cử trong tháng 10/2021, tại TP Hồ Chí Minh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố tăng 65 - 105% so với tháng trước đó. Theo đó, giá đất tại 5 huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hiện đã tăng từ 5-15% so với đầu năm 2021. Cụ thể, giá đất ở các xã Phước Kiển, Long Hậu, Nhơn Đức (Nhà Bè) giao dịch trong khoảng 45-90 triệu đồng/m2. Tại Bình Chánh, khu vực xã Vĩnh Lộc, giá nền đất sổ đỏ dao động quanh mức 35-45 triệu đồng/m2, đất quanh khu trung tâm xã Bình Hưng duy trì khoảng giá 70-80 triệu đồng/m2, khu Phong Phú tầm 45-50 triệu đồng/m2. Còn mức 40-70 triệu đồng/m2 là giá đất thổ cư Hóc Môn, khu vực xã Xuân Thới Thượng giữ tầm giá 60-70 triệu đồng/m2, xã Bà Điểm có giá 45-50 triệu đồng/m2…
Cùng với đó, giá đất nền dự án tại các địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng “nóng rực” với mức tăng phổ biến từ 10-15% trong năm 2021, thậm chí có nhiều nơi tăng tới 30-35%.
Đánh giá có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, song các chuyên gia BĐS lo ngại, “vụ án” Tân Hoàng Minh “tháo chạy” khỏi đất Thủ Thiêm sẽ tạo ra những “kịch bản” gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường BĐS. Vì thực tế mặt bằng giá đất khu vực TP Thủ Đức, và quận 2 (TP Hồ Chí Minh) đã tăng cao, và cần thời gian để bình lặng trở lại. Chưa kể, nguy cơ lạm phát có thể đẩy lãi suất vay ngân hàng tăng cao, giá đất tăng tạo sốt ảo…không loại trừ nguy cơ sốt ảo như ở Bình Ba đầu năm 2020, hay như ở Hớn Quản đầu năm 2021.
Cũng giống như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thời điểm gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thị trường BĐS Đà Nẵng và một số địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đón ghi nhận một số phân khúc tăng trưởng nhẹ về giá. Cụ thể, ở Đà Nẵng đất nền tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu quý II/2021. Khu Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) tầm hơn 3 tỷ đồng/lô, khu đô thị Nam Việt Á (quận Ngũ Hành Sơn) nhích lên khoảng 300-400 triệu đồng/lô, phía Tây Bắc trục giáp khu đô thị Golden Hill (quận Liên Chiểu) cũng tăng nhẹ. Trong khi đó, nhà ở trong phố tăng khoảng 3 - 5%, giao dịch tốt nhất đang ở khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) khoảng 5%.Còn tại thị trường Quảng Ngãi, đất nền một số dự án ra hàng đang được hấp thụ khá tốt, đơn cử như dự án Đức Phổ Gateway (thị xã Đức Phổ) giá 1,4 tỷ đồng/lô khoảng 100 - 120m2.
Tuy nhiên, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục đóng băng hoàn toàn, chưa có tín hiệu phục hồi. Điều này cũng dễ hiểu bởi dù Đà Nẵng và một số địa phương khác đã mở cửa trở lại nhưng du lịch vẫn ảm đạm và nhiều ngành nghề chưa kịp phục hồi.
“Khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì chắc chắn nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ, trong đó có BĐS. Đối với thị trường Đà Nẵng và một số địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, giá BĐS không thể giảm mà sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong thời gian sớm, bởi đã “đóng băng” quá lâu. Vấn đề còn lại là tùy thuộc vào việc “chớp” cơ hội của nhà nhà đầu tư vào thời điểm nào để đạt giá trị như kỳ vọng” – Giám đốc phát triển dự án PHN Group Phạm Xuân Bảo nhận định.
21:29 23/01/2022