Hiếu học - nét văn hóa đẹp của người Hà Nội
Bài 2: Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Kinhtedothi - Trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác khuyến học, khuyến tài, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội. Các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và cả nước.
Xây dựng các mô hình học tập
Đã thành nếp, cứ 19 giờ 45 hàng ngày, khi “Tiếng trống học bài” quen thuộc phát trên hệ thống loa truyền thanh của thôn là hai con của chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Thái Bạt 2, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì,
Hà Nội, lại tự động ngồi ngay ngắn vào bàn học bài; còn người lớn thì vặn nhỏ tivi, không để ảnh hưởng tới trẻ học tập. Chị Ngân chia sẻ, trước kia, khi chưa có phong trào “Tiếng trống học bài”, giờ giấc học ở nhà của con không ổn định, hôm học sớm, hôm học muộn, thậm chí mẹ phải nhắc nhở rất nhiều lần con mới chịu ngồi vào bàn học. “Tuy nhiên, từ khi có phong trào “Tiếng trống học bài”, các con được rèn kỹ năng tự giác, tan học là về thẳng nhà, tập thể dục thể thao xong tắm giặt, ăn cơm tối để kịp đến giờ học. Phong trào này rất thiết thực, không chỉ hình thành ý thức tự giác học tập cho trẻ mà còn giúp các con tiến bộ hơn mỗi ngày” - chị Nguyễn Thị Ngân cho biết.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, mô hình “Tiếng trống học bài” được triển khai đầu tiên ở xã Phú Châu năm 2017, sau đó lan rộng ra toàn huyện và đến nay toàn bộ 31/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều triển khai mô hình này. Điều đáng mừng là từ khi triển khai mô hình, cả cộng đồng, gia đình đều quan tâm đến việc học hành của con cháu, thể hiện từ việc giảm bớt liên hoan, nhậu nhẹt, nhất là vào buổi tối để không ảnh hưởng đến giờ giấc học bài của con trẻ.
Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, UBND các xã giao cho Hội Khuyến học phối hợp cùng Ban Giám hiệu các nhà trường tiến hành kiểm tra đột xuất ý thức học tập của học sinh ở các thôn, xóm. Ban Giám sát sẽ đôn đốc, nhắc nhở nếu các em còn đang chơi hoặc xem tivi chưa ngồi vào bàn học. Cứ thế, phong trào học tập của Ba Vì ngày một phát triển sôi nổi, kết quả học tập nâng lên rõ rệt. “Tiếng trống học bài” đã có những tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học mỗi năm đều tăng.
Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, TP Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong những năm qua, Hội Khuyến học Hà Nội đã phát huy được vai trò tập hợp tổ chức, công dân trên địa bàn TP, qua đó góp sức cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và cả nước. Theo thông tin từ Hội Khuyến học Hà Nội, đến nay TP Hà Nội có tổng số 1.953.233 hội viên khuyến học, bằng 23,44% dân số trên địa bàn. Tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín 100% các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và ở hầu hết các trường phổ thông, cao đẳng, đại học đều có Ban Khuyến học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đến Sân bay quốc tế Nội Bài đón và chúc mừng học sinh đạt thành tích cao tại kỳ thi Olympic Toán và khoa học quốc tế (IMSO) 2024. Ảnh: Nam Du
Xây dựng các mô hình học tập luôn được các cấp Hội Khuyến học TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt để thực hiện xã hội học tập. Thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030" và Kế hoạch số 291/KH-UBND ngày 5/12/2023 của UBND TP Hà Nội, các mô hình học tập đã đi vào thực chất và từng bước được nhân rộng. Chia sẻ về phong trào xây dựng các mô hình học tập, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Hách cho hay, các cấp hội xác định “Công dân học tập” là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Việc xây dựng “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” có vai trò rất lớn, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội học tập. Chính vì vậy, phong trào xây dựng các mô hình học tập trong 5 năm qua trên địa bàn quận Cầu Giấy tiếp tục được phát triển sâu rộng trong các tổ dân phố, cụm dân cư. Đến nay, toàn quận Cầu Giấy có 29.700 lượt “Gia đình học tập”, được công nhận 17.730 lượt gia đình. 7.347 gia đình được khen thưởng tại các chi hội khuyến học, 1.931 lượt hộ gia đình được khen trong Ngày hội khuyến học các phường.
Phong trào xây dựng “Dòng họ học tập” trên địa bàn quận Cầu Giấy được đẩy mạnh. Cho đến nay, toàn quận Cầu Giấy có 37 dòng họ có Chi hội Khuyến học hoạt động đạt kết quả tốt. Nhiều dòng họ tổ chức khen thưởng các gia đình trong dòng họ có con cháu đạt học sinh giỏi ở các cấp, đỗ thủ khoa, đỗ thạc sĩ, tiến sĩ, được vinh danh trong các Ngày hội khuyến học, ngày giỗ tổ của dòng họ. Đặc biệt, phường Yên Hòa có 16 chi hội dòng họ đạt kết quả tốt, trong đó có dòng họ Nguyễn Như Uyên, dòng họ Hoàng, Nguyễn Vân Sơn, Nguyễn Công...; phường Nghĩa Đô có dòng họ Nguyễn Phạm Quan Hoa, Nguyễn Phạm.
Đối với huyện Ba Vì, việc xây dựng các mô hình học tập được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của TP Hà Nội và T.Ư. Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì Bạch Công Tiến chia sẻ, các địa phương trên địa bàn huyện đã xây dựng trên 400 “Dòng họ học tập”, trong đó có các dòng họ điển hình trong công tác khuyến học, khuyến tài như dòng họ Nguyễn Sư Mạnh, dòng họ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô; dòng họ Phạm Doãn ở xã Tòng Bạt; dòng họ Bạch Công người dân tộc Mường ở xã Ba Trại. Kết quả, năm 2024, toàn huyện Ba Vì có các mô hình học tập là: 57.437 gia đình được công nhận, đạt tỷ lệ 68,6%; 561 dòng họ được công nhận, đạt 75,9%; 175 cộng đồng được công nhận, đạt 82,5%; có 140.820 công dân được công nhận “Công dân học tập”, chiếm tỷ lệ 56,6%.
Lan tỏa văn hóa đọc sách tới gia đình
Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh, việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển, khơi thông nguồn lực văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô và đất nước, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ việc xây dựng các mô hình học tập, đến nay, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng những thư viện tại nhà sinh hoạt cộng đồng, thư viện dòng họ phục vụ miễn phí cho học sinh, sinh viên và người dân. Đầu năm 2025, UBND, Hội Khuyến học phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình đã tổ chức lễ ra mắt thành lập Thư viện cộng đồng hạnh phúc tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 4. Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ba Đình, với nhiều đầu sách quý, Thư viện cộng đồng hạnh phúc sẽ giúp cho Nhân dân tìm thấy niềm vui và ứng dụng tri thức. Qua đó, góp phần “Xây dựng cộng đồng hạnh phúc” gắn với xây dựng “Tổ dân phố kiểu mẫu”, lan tỏa văn hóa đọc trong cán bộ, Nhân dân, học sinh, sinh viên phường trên địa bàn.
Ghi nhận của phóng viên tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố số 7, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, cho thấy, nơi đây có những giá sách với rất nhiều loại sách khác nhau. Bà Nguyễn Thị Kim Minh - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học số 7 cho hay, phường Yên Hòa có 3 trung tâm sinh hoạt cộng đồng hoạt động thường xuyên, có tủ sách phục vụ người dân và học sinh, sinh viên đến đọc miễn phí. Tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố số 7, ngoài các tủ sách còn có những máy tính được Hội Khuyến học Cầu Giấy trang bị để phục vụ người dân.
Có thể nói, việc xây dựng thư viện cộng đồng, phong trào văn hóa đọc đã phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. Thậm chí, để phục vụ cho văn hóa đọc, nhiều gia đình đã xây dựng những tủ sách cho các thành viên. Điển hình là gia đình chị Hà Thị Hằng ở tổ 7, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Đến thăm nhà chị Hằng, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy trong phòng ở của bố, mẹ, 2 con và hành lang đều có giá sách đựng hàng trăm cuốn sách khác nhau. Chị Hằng chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê đọc sách của ông bà, bố mẹ; ngoài ra, lại được sống ở phường Yên Hòa vốn là vùng đất có truyền thống hiếu học nên chúng tôi đã xây dựng cho các con một tủ sách phù hợp với lứa tuổi. Đến nay, con thứ hai học lớp 7 có tủ sách về văn học Việt Nam, các sách văn học kinh điển nước ngoài, sách trinh thám, sách tiếng Anh…”.
Để lan tỏa văn hóa đọc cũng như gắn kết các thành viên trong gia đình, từ nhiều năm nay, hằng ngày, cứ vào 21 giờ, 4 thành viên trong gia đình chị Hằng (gồm 2 vợ chồng và 2 con) đều sắp xếp công việc để đọc sách tối thiểu 30 phút. “Hiện nay trong gia đình tôi có 4 tủ sách, với hơn 1.000 đầu sách, gồm tất cả các sách văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới, sách khoa học phục vụ cho học tập của con, sách nghiên cứu của bố mẹ. Bên cạnh đó cũng có những cuốn sách giải trí về tâm lý, tình cảm để cân bằng cuộc sống. Thời gian đọc sách cũng là để gắn kết các thành viên gia đình, khi bố mẹ, các con có thể thảo luận với nhau về một câu chuyện, rút ra được những bài học cho cuộc sống” - chị Hằng tâm sự.
Trích dẫn
Về kết quả xây dựng mô hình học tập, Hà Nội đều đạt và vượt chỉ tiêu định hướng của T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam giao. Cụ thể, xây dựng mô hình “Gia đình học tập” đạt 75,02%; “Dòng họ học tập” đạt 70,78%, “Cộng đồng học tập” đạt 82,47%, “Đơn vị học tập” đạt 95,71%, “Công dân học tập” đạt 45,98% và tỷ lệ “Công dân học tập” được công nhận đạt kỹ năng số là 62,53%.
(Còn nữa)
Hiếu học - nét văn hóa đẹp của người Hà Nội
Trong bài viết “Học tập suốt đời” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để sánh vai với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống, là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Với hơn một nghìn năm lịch sử, là Thủ đô văn hiến, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Hà Nội có truyền thống hiếu học lâu đời, được gìn giữ, phát huy cho tới ngày nay, trở thành nét văn hóa đẹp của người Tràng An.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin chính thức việc học sinh cấp THCS, THPT học 2 buổi/ngày
Kinhtedothi - Chiều ngày 6/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin chính thức về việc “học sinh cấp THCS, THPT sẽ phải học 2 buổi/ngày” đang gây xôn xao dư luận.

Quản lý nhà nước về giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi – Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền cấp xã sẽ quản lý nhà nước về giáo dục đối với cấp THCS, tiểu học, mầm non. Đây là một trong những nội dung tại công văn do Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính.