Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 1

Trường Sa hôm nay đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Quân, dân huyện đảo Trường Sa luôn kiên định, vững vàng, đoàn kết và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó có cả những người con của Thủ đô đang ngày đêm phát huy truyền thống anh hùng, vững tay súng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 2

 

Sau 27 giờ rời Cảng Quốc tế Cam Ranh trên con tàu Trường Sa 571, khi nghe tiếng loa thông báo “tàu chuẩn bị thả neo để cập đảo”, trong tôi tự nhiên dâng lên một cảm giác rất khó tả, xúc động xen lẫn hồi hộp. Điểm đảo nơi chúng tôi dừng chân đầu tiên là đảo Song Tử Tây.

“Đảo Song Tử Tây kia rồi!”. Tôi nghe có tiếng một thành viên trong đoàn reo lên sau khi loa trên tàu vừa dứt thông báo. Tiếng reo đó truyền đi một niềm vui mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết. Ngay lập tức, ai cũng khẩn trương chuẩn bị tư trang rời tàu xuống xuồng máy để vào đảo.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 3

Qua tìm hiểu được biết, đảo Song Tử Tây (xã đảo Song Tử) là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa và cũng là xã đảo xa nhất của nước ta, cách đất liền khoảng 600km nằm ở phía Bắc Biển Đông. Đứng trên lan can tàu đầy nắng, gió và phóng mắt nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây hiện lên như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại đương bao la với những hàng cây xanh mát chạy dài chở che đảo. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của trời, biển tạo nên một màu xanh thanh bình đến lạ.

Mặc dù chỉ mất khoảng 5 phút từ điểm tàu neo đậu để đi xuồng máy vào đảo nhưng những con sóng biển liên tục đập vào mạn xuồng khiến tôi có chút bồi hồi của người lần đầu tiên được ra đảo. Bước chân lên đảo tôi như vỡ òa cảm xúc khi được chào đón cùng những cái bắt tay thật chặt, cái ôm đầm ấm của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 4

Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là đi tới đâu, chúng tôi cũng đều thấy vui trước sự tiếp đón trang nghiêm, nhiệt tình, thân thiện của quân, dân trên đảo. Sau cái bắt tay thật chặt là những câu hỏi thăm đất liền không ngớt rồi kế đến là kể chuyện về đảo làm xua tan hết “mối tình đầu” say sóng.

Một điều kỳ diệu nữa khi đặt chân lên đảo, tôi không chỉ cảm nhận được sự vững chãi của đất liền sau những cái lắc lư, tròng trành trên tàu suốt một hải trình dài vượt sóng mà còn cảm nhận được sự ấm áp tình người, gần gũi và thân quen. Người trên đảo đón người trên tàu như đón những người ruột thịt thân yêu lâu ngày mới gặp lại.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 5

Theo những gì mà Trung tá Đào Xuân Nam - Trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ, biển cả bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt từ biển cả. Vì vậy, điều kiện trên đảo nuôi được bò, lợn, gà và trồng được rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 6

Dù còn gặp không ít khó khăn do điều kiện khí hậu mang lại, cộng với vị trí xa đất liền nhưng các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và đặc biệt là tình cảm, sự ủng hộ rất lớn cả về vật chất, tinh thần nơi đất liền. “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo cũng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, trụ vững tại nơi tuyến đầu của Tổ quốc” - Trung tá Đào Xuân Nam xúc động.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 7

Trong những câu chuyện khi tiếp xúc với các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, tôi thấy rõ từ họ luôn có sự kiên định, vững vàng và một quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với nước da nâu của nắng và gió biển, những chiến sĩ trẻ ở đây cho biết, ban đầu mới ra đảo còn lạ lẫm, chưa quen với cái nắng, cái gió khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, họ luôn mong muốn được cống hiến nơi vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian ở lại đảo không nhiều, nhưng trong câu chuyện với các cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi đều cảm nhận những giây phút nhớ nhà, nhớ người thân đã dần vơi bớt. Còi tàu Trường Sa 571 âm vang từ ngoài khơi thay lời tạm biệt, tất cả đoàn công tác đứng bên mạn tàu hướng về đảo.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 8

Tàu rời xa dần, các thành viên trên tàu đồng thanh hô “Cả nước vì Trường Sa”,  từ đảo cũng vọng trở lại “Trường Sa vì cả nước”. Những tiếng hô đồng thanh liên tiếp đã khiến nhiều người không giấu được sự nghẹn ngào. Dường như đó không còn là khẩu hiệu mà trở thành tiếng nói từ những trái tim đang cùng chung nhịp đập.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 9

Rời Song Tử Tây xinh đẹp và mến khách, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây A, Đá Tây C, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Những ngày tháng 4 lịch sử, trên khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nắng pha lê trong vắt rải đều lên biển khiến bầu trời cao vút, xanh trong vời vợi. Xanh, trong là thế nhưng ít ai biết rằng, nơi đây mỗi năm có tới 131 ngày bão và mỗi tháng có từ 13 - 20 ngày gió mạnh. Nhưng dẫu sóng có to, gió có lớn đến đâu, sức sống vẫn luôn căng đầy ở nơi đầu sóng.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 10

Trong suốt 14 năm qua, Đoàn công tác TP Hà Nội đều đặn tổ chức các chuyến thăm, tặng quà, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trong đó có cả những người con Thủ đô can trường đang ngày đêm trầm mình trong nắng gió, phát huy tinh thần truyền thống Thủ đô anh hùng, vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một trong số đó phải kể đến là Đại uý, bác sỹ Lê Văn Quốc (quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) hiện đang làm việc tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây. Bác sỹ Lê Văn Quốc kể: “Anh và các đồng đội đang làm việc tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây là lực lượng của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Khi biết Đoàn công tác của TP Hà Nội sẽ đến thăm, động viên, bản thân thấy rất vui, xúc động và phần nào quên đi nỗi nhớ đất liền, người thân”.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 11

Bác sỹ Lê Văn Quốc cho biết, anh đã ra công tác trên đảo Song Tử Tây được gần 1 năm. Ngoài đảo dù lực lượng mỏng, trang thiết bị máy móc không được đầy đủ cộng thêm phải độc lập tác chiến nhưng các bác sĩ ở đây đã cứu được nhiều ca đặc biệt. Lấy ví dụ về những ca viêm ruột thừa bị vỡ, bác sỹ Quốc cho biết, trước đây cơ bản rất khó cứu nhưng hiện nay đã có thể cứu chữa được. Bên cạnh đó có những bệnh lý đặc thù của biển đảo (bệnh lý giảm áp - PV) hiện nay đã có thể cứu chữa. Từ đó, tạo điều kiện cho quân, dân và ngư dân trên đảo hoàn toàn yên tâm.

“Càng trong khó khăn, những người lính ở đây càng quyết tâm và có sáng tạo nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn tâm niệm cố gắng cứu giúp tối đa có thể những bệnh nhân và coi họ như những người thân của mình. Điều này góp phần đảm bảo sức khoẻ cho quân, dân và ngư dân trên đảo yên tâm vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bản thân ra đảo theo diện luân phiên hàng năm nhưng ra với biển đảo nơi đây chúng tôi thấy yêu nghề, yêu Tổ quốc hơn. Tôi hy vọng có nhiều chiến sĩ trẻ sẽ xung phong ra đây làm nhiệm vụ để cống hiến cho đất nước” - bác sỹ Lê Văn Quốc bày tỏ.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 12

Sinh ra và lớn lên tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) là nơi đất lính, công tác trong Quân chủng Hải quân, Đại uý Nguyễn Chí Công đang công tác tại đảo Song Tử Tây cho biết, cũng như bao đồng nghiệp khác đang công tác tại quần đảo Trường Sa, bản thân luôn thấy đây là nhiệm vụ rất vinh dự và tự hào khi được bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó nguyện phấn đấu hết mình và khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xứng đáng là một người con của Thủ đô anh hùng.

Cũng giống như bao chiến sĩ Hà Nội đang công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung tá Cấn Ngọc Sơn (quê huyện Phúc Thọ, Hà Nội) – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết, bản thân anh luôn cảm thấy tự hào khi được phân công công tác trên đảo Trường Sa lớn. “Tôi thấy đây là một trách nhiệm của cá nhân đối với Tổ quốc cũng như tiếp nối niềm tự hào về truyền thống anh hùng của người Hà Nội. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết một lòng nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc” - Trung tá Cấn Ngọc Sơn chia sẻ.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 13

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Cấn Ngọc Sơn cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và đặc biệt là tình cảm, sự ủng hộ của Nhân dân cả về vật chất, tinh thần, đến bây giờ trên các đảo cơ bản đều có những thiết chế văn hóa, khu sinh hoạt tập trung gần giống như đất liền (trường học, nhà văn hóa đa năng, trụ sở UBND, chùa…). Điều này làm cho các chiến sĩ, người dân trên đảo rất yên tâm và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Nói về những chàng trai Hà Nội ở Trường Sa, Trung tá Đào Xuân Nam chia sẻ, vinh dự cho đảo Song Tử Tây có những người con Thủ đô học tập và công tác tại đây. Họ đều là những cán bộ, chiến sĩ rất có trách nhiệm trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 14
Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 15

Tháng rồi năm, mưa rồi nắng, những người con Hà Nội vẫn tiếp nối đến, ở lại và tham gia mọi công việc ở tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Qua các đảo chìm, đảo nổi, Nhà giàn, chúng tôi gặp nhiều tấm gương người Hà Nội đang ngày đêm kiên cường chắc tay súng, gắn bó với đồng đội và Nhân dân huyện đảo Trường Sa. Giữa muôn trùng sóng gió, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương” vẫn đang tiếp tục viết thêm những trang sử đầy tự hào về những người chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa.

(Còn nữa…)

Bài 2: Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa - Ảnh 16

05:25 31/05/2024