Thanh Hóa chính thức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 15/6
Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, tỉnh Thanh Hóa sẽ chính thức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và bố trí nhân sự đang được triển khai với tốc độ cao, tinh thần quyết liệt, đảm bảo đúng lộ trình đề ra.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 23/5, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và vận hành chính quyền hai cấp là một nhiệm vụ vừa khó, vừa gấp, đòi hỏi tính chuẩn xác và minh bạch cao. “Chúng ta không có nhiều thời gian, nhưng không vì thế mà làm qua loa. Mỗi quyết định nhân sự, mỗi bước sắp xếp đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, đúng quy định và phù hợp thực tiễn”- ông nói.
Theo kế hoạch, công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ sau khi thành lập các xã, phường mới sẽ được hoàn tất trước ngày 10/6. Trên cơ sở đó, từ ngày 15 đến 25/6, tỉnh sẽ chính thức vận hành thử mô hình chính quyền địa phương hai cấp - một bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, phục vụ Nhân dân.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo cấp huyện tổ chức hội nghị Ban Thường vụ để rà soát, xây dựng phương án nhân sự trình thẩm định trước ngày 30/5. Ngay sau đó, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ trực tiếp làm việc với từng huyện để quyết định nhân sự một cách công khai, chặt chẽ, minh bạch.
Đáng chú ý, nhiều cán bộ thuộc các sở, ngành cấp tỉnh sẽ được điều động về công tác tại các xã mới thành lập. Đây là điểm nhấn thể hiện quyết tâm “làm thật, làm đến nơi đến chốn” trong quá trình tái cấu trúc bộ máy hành chính.
Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành liên quan đã được yêu cầu quán triệt nghiêm túc các quy định, đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc, đúng quy trình. “Không phải ai cũng phù hợp với cơ sở. Việc chọn người xuống xã lần này là cơ hội để sàng lọc, chọn ra những cán bộ thực sự gần dân, hiểu dân, làm được việc”- một lãnh đạo tỉnh chia sẻ bên lề hội nghị.
Việc Thanh Hóa tiên phong vận hành mô hình chính quyền hai cấp là bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho định hướng tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - điều đã được đặt ra tại nhiều nghị quyết Trung ương và kỳ vọng của người dân.
Thử nghiệm sẽ giúp đánh giá thực chất năng lực điều hành ở cấp cơ sở, hiệu quả phối hợp giữa cấp huyện và cấp xã trong một cơ cấu tổ chức mới. Thành công của mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa nhân rộng, tiến tới thực hiện chính thức trong tương lai gần.

Triển khai chính quyền 2 cấp sát dân, gần dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc hơn
Kinhtedothi - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc triển khai chính quyền 2 cấp sát dân, gần dân cũng là phục vụ cho an ninh, quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc hơn.

Hà Nội: xây dựng phân cấp một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Ngày 21/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1585/UBND-KT về việc xây dựng phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quy định cụ thể cơ quan quản lý giáo dục để thống nhất với chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Tham gia thảo luận về Luật Nhà giáo (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ quan tâm tới vấn đề tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và cho rằng, cần giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng; có quy định cụ thể về cơ quan quản lý giáo dục khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.