Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 1

Dù được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhưng người dân vẫn hoang mang, lo sợ trước vấn nạn thực phẩm bẩn. Con số tử vong và số vụ ngộ độc được thống kê mỗi năm chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, những căn bệnh mãn tính, những cái chết từ từ bởi bệnh ung thư mới chính là kẻ sát nhân thầm lặng. Không chỉ đe dọa đến sức khỏe của người dân, mất an toàn thực phẩm (ATTP) còn ảnh hưởng đến nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, đe dọa sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 2

Chưa khi nào thực phẩm bẩn lại bủa vây người tiêu dùng như hiện nay, gây ra nỗi sợ hãi cho người dân cùng bao điều bất ổn trong xã hội. Hàng loạt các bệnh mãn tính không lây lan tấn công người mạnh khỏe, trong đó có sự gia tăng số lượng bệnh nhân ung thư. Vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà chính người Việt tự giết mình, giết chết lẫn nhau.

Theo thống kê, tại Việt Nam có trên 183.000 ca mới mắc ung thư mỗi năm, trên 122.000 ca tử vong do căn bệnh này. Hiện cả nước có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư. Thực phẩm bẩn được cho một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người bị ung thư tăng mạnh bởi việc lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 3

Các chuyên gia y tế cho biết, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó, tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5 - 10%, còn lại là các nguyên nhân khác. Ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể phát hiện ra ngay. Việc tích lũy yếu tố gây bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa từng người. Việc hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 4

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K khẳng định, thực phẩm không an toàn có thể chứa nhiều chất gây ung thư khác nhau. Không phải tất cả các trường hợp sử dụng thực phẩm không an toàn đều bị ung thư, mà còn phụ thuộc vào liều lượng độc chất cũng như thời gian, cơ quan, tuổi phơi nhiễm và hệ gen của từng người. Ví dụ, arsen là một chất tự nhiên có hai dạng hữu cơ và vô cơ; các dạng vô cơ độc hại hơn dạng hữu cơ. Sử dụng nguồn nước hoặc ăn cây trái, rau quả tại vùng đất có hàm lượng arsen cao hoặc thực vật nhiễm arsen từ dư lượng thuốc trừ sâu, nếu phơi nhiễm với hàm lượng lớn và kéo dài, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, da, phổi, đường tiêu hóa, gan, thận và hệ tạo huyết. “Hay thực phẩm có hàm lượng nitrosamine cao gây ung thư dạ dày, thực quản. Còn chất aflatoxin (do nấm mốc aspergillus flavus, thường có ở ngũ cốc, lạc mốc... lại  là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan” -  TS Phạm Tuấn Anh lý giải thêm.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng -  nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, tỷ lệ ca mắc ung thư do thực phẩm rất cao, chủ yếu là thực phẩm ô nhiễm. Trong đó, có thể kể đến con người sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm do hóa chất thuốc trừ sâu, chất vàng ô, chất tạo nạc…

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 5

Theo ông, thực phẩm nếu người dân chế biến không cẩn thận cũng có thể gây ra căn bệnh đáng sợ này. Đơn cử, chiên, rán thực phẩm bị cháy, vàng, hoặc bảo quản bằng các chất độc hại tạo thành nitrosamine, là chất dễ gây ung thư. Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư do thực phẩm vươn lên hàng đầu, điều lo ngại hơn, tình trạng ung thư ngày càng trẻ hóa. Giới trẻ thích ăn đồ chế biến sẵn, đồ nướng, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… cũng là những nguyên nhân gây ung thư.

Đề cập đến nguy cơ từ thực phẩm hiện nay, PGS.TS Trần Đáng cho rằng, có 3 nhóm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đầu tiên là nguy cơ ô nhiễm. Đây là nguy cơ phổ biến nhất gây ra ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.Trong đó có ô nhiễm vi sinh vật (gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm); ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm tự nhiên. Liên quan đến ô nhiễm vi sinh vật, chuyên gia dẫn chứng, thời gian qua, trên cả nước xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm như ở Nha Trang, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chủ yếu do một số vi khuẩn cổ điển trỗi dậy như vi khuẩn thương hàn (vi khuẩn salmonella typhi).

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 6

Với ô nhiễm hóa chất, hiện có nhiều hóa chất ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng như thuốc trừ sâu, đặc biệt là hóa chất con người chủ ý cho vào để bảo quản, tạo màu. Nguy cơ thứ hai, đó là vấn nạn hàng giả, thực phẩm giả, hàng kém chất lượng tung ra thị trường, trong đó có cả thực phẩm chức năng… đua nhau bị làm giả.

“Các văn bản pháp luật và hệ thống quản lý của nước ta đang bị giảm sút, các biện pháp kiểm soát còn đang thiếu, yếu, tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng tung hoành, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây nhức nhối cho xã hội” -  PGS.TS Trần Đáng nói.

Nguy cơ thứ 3 là các mặt hàng thực phẩm gây ra các bệnh mạn tính. Đơn cử như con người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm độc hại, dần dần gây ra ung thư.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 7

Có chuyên gia y tế đã từng lên tiếng: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”. Những vụ ngộ độc, tử vong và những cái chết từ từ bởi căn bệnh ung thư không chỉ là chuyện của riêng ai mà là của toàn xã hội. Hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ nỗi hoang mang trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, gây nhức nhối trong xã hội.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 8

Thời gian qua, liên tiếp những thông tin cảnh báo từ các nước nhập khẩu về những lô hàng nông sản không đảm bảo an toàn, chất lượng đang trở thành nỗi lo lớn, thách thức tăng trưởng nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Đáng lo ngại hơn, vấn nạn mất ATTP còn đe dọa sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.

Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có quy mô sản xuất và sản lượng các mặt hàng nông sản rất lớn. Những năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất để xây dựng những vùng canh tác an toàn, hướng đến xuất khẩu.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 9

Đặc biệt, việc chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả 2 đề án về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”, và “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” đã góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn trên phạm vi cả nước.

Đến nay, ngành nông nghiệp trong nước đã thiết lập và duy trì được 2.510 chuỗi giá trị nông nghiệp. Mặc dù vậy, theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, vấn đề ATTP vẫn là nỗi lo lớn đối với ngành nông nghiệp. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 901 cơ sở (chiếm 10,2% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra), thu nộp ngân sách Nhà nước tổng số tiền 11,23 tỷ đồng.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 10

Những con số không biết nói dối. Việc ghi nhận hàng trăm cơ sở có vi phạm về ATTP mang đến nỗi lo sức khỏe rất lớn của đối với người dân. Ảnh hưởng lớn đến các chỉ số phát triển con người. Đáng lo ngại hơn khi con số này mới chỉ phản ánh được một phần vi phạm trong lĩnh vực ATTP vẫn còn rất phức tạp hiện nay.

Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, với chất lượng ngày một được nâng cao, nông sản Việt đã và đang từng bước mở rộng được quy mô xuất khẩu. Hiện, nông sản Việt đã có mặt tại thị trường gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường vẫn được xem là “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 11

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đã qua của năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, Việt Nam có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Điều này tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Nhưng bên cạnh niềm vui kim ngạch xuất khẩu duy trì tăng trưởng, Việt Nam cũng đang phải đối diện với thực tế, không ít lô hàng nông sản của Việt Nam bị cảnh báo, trả về, thậm chí là bị tiêu huỷ, tạm ngừng nhập khẩu vì chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và ATTP. Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận, tình trạng không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật và ATTP gây thiệt hại lớn cho các DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu nông sản Việt nói chung. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ hạn chế hoặc cấm xuất khẩu nếu không có biện pháp kịp thời.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 12

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp chia sẻ, Việt Nam được kỳ vọng là “bếp ăn của thế giới”; điều này có nghĩa là họ trông chờ vào Việt Nam như một nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn, minh bạch. Chính vì vậy, việc chấn chỉnh vấn đề ATTP nông lâm thuỷ sản là rất cấp thiết. Nếu không làm tốt thì Việt Nam có nguy cơ bị thị trường thế giới quay lưng.

Đề cập về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Trung Quốc và các nước đã nhiều lần cảnh báo vi phạm chất lượng trái cây xuất khẩu nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay trong việc thu hồi, xử lý đơn vị vi phạm. Do đó, việc cần làm trước hết là cần có giải pháp mạnh hơn như đình chỉ, thậm chí không cho doanh nghiệp vi phạm xuất khẩu. Như ở Thái Lan, nhiều trường hợp có thể bị truy tố hình sự, chính vì vậy tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm ở nước này thường thấp hơn Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, nếu không có chuyển biến, không có hành động thực tế, hiệu quả nhằm bảo đảm vấn đề ATTP thì hàng hóa, nông sản của Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục bị “tuýt còi”; nguy cơ xa hơn là không sớm thì muộn, các nước sẽ dừng nhập khẩu. Hệ lụy khi đó rất lớn đến cả nền kinh tế trong nước.

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 13

Từ những vụ việc vi phạm ATTP, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh: “Là một nước có mặt hàng xuất khẩu chính là thực phẩm, uy tín của Việt Nam đối với các đối tác kinh doanh trên thế giới sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu mức độ nhiễm bẩn thực phẩm gia tăng. Chính vì thế, rà soát lại quy trình quản lý ATTP trong thời gian tới là việc cần thiết”. Đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về ATTP.

(Còn nữa)

Bài 2: Sống trong lo sợ  - Ảnh 14

10:32 15/08/2024