Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức di sản văn hóa theo hướng thiết kế, sáng tạo

Bài 2: Tái thiết di sản công nghiệp

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình phát triển của đô thị, nhiều cơ sở công nghiệp trở nên lạc hậu, mất đi công năng sử dụng, nhưng vẫn chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, bối cảnh xã hội.

Nếu có thể tái thiết các di sản công nghiệp đúng cách, Hà Nội sẽ có cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, mở rộng các không gian văn hóa, trung tâm nghệ thuật, sáng tạo.

Cần có quy hoạch di sản công nghiệp


Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 bế mạc ngày 28/11 sau 12 ngày diễn ra. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp gần 120 năm tuổi, các kho xưởng với những khối máy móc cũ kỹ, hoen gỉ phủ bụi nằm im lìm được các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ đánh thức, trở thành một phần trong các không gian sáng tạo và đã thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cùng với đó, 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản. Đây có thể coi là mô hình thí điểm cho việc tái thiết, chuyển đổi thích ứng song song với bảo tồn di sản công nghiệp.

Du khách tham quan không gian Tháp nước Hàng Đậu sau khi được phục dựng. Ảnh: Ngọc Tú
Du khách tham quan không gian Tháp nước Hàng Đậu sau khi được phục dựng. Ảnh: Ngọc Tú

Trước thời điểm Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, ở quy mô nhỏ và do tư nhân vận hành, Hà Nội đã có hai tổ hợp cộng đồng được tái thiết từ nhà máy cũ, đó là Complex 01 tái sử dụng nền Nhà máy in Công đoàn và 282 Factory trên nền một nhà máy sản xuất mũ cối.

Theo nghiên cứu của KTS Đinh Thị Hải Yến, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954 - 1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965 - 1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình.

Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Phạm Thị Lan Anh cho biết: TP rất quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng phải đến tháng 2/2022, Hà Nội mới trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đã làm sáng rõ hơn việc phát huy giá trị của các không gian di sản công nghiệp từ các nhà máy cũ ở Hà Nội.

Nhìn ra thế giới, khái niệm di sản công nghiệp khá phổ biến. Việc chuyển đổi, tái thiết các di sản công nghiệp diễn ra tại châu Âu từ những năm 1980. Để giữ lại di sản công nghiệp, họ thực hiện chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ thích ứng với sự phát triển đô thị.

Nhà máy đường Eridania (Italia) chuyển đổi thành phòng hòa nhạc Niccolo Paganini. Nhà máy điện Bankside (Vương quốc Anh) được chuyển đổi thành Trung tâm trưng bày nghệ thuật Tate. Tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone (Trung Quốc) được tái thiết trên nền tảng một khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu Nhà nước. Việc tái tạo này đã biến các bến tàu, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... thành các bảo tàng và trung tâm văn hóa mới, địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Những mô hình này được đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của người dân, mang đến tác động tích cực cho cộng động. Đây là kinh nghiệm để TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có thể học tập nhằm phát huy triệt để các giá trị của di sản công nghiệp.

KTS Vương Hải Long - Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định nhiều di sản công nghiệp đã bị phá dỡ, được thay thế bởi những công trình mới như Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Thuốc lá Thăng Long...

 

 

Cần phải có mẫu số chung cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhu cầu của người dân trong việc tái thiết các di sản công nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý phải có sự đánh giá, thẩm định lại giá trị của di sản công nghiệp trước khi quyết định tái thiết lại không gian. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có định lượng cụ thể về việc cần giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị của di sản để bảo tồn và bao nhiêu phần trăm cho xây dựng công trình mới.
KTS Đinh Hải Yến

 

Các công trình này đã bị chuyển đổi mục đích thương mại đơn thuần phục vụ nhà ở, giúp gia tăng quỹ đất ở song lại làm mất đi di sản một thời. Vấn đề đặt ra, việc sử dụng những tài sản này như thế nào để mang lại giá trị lớn, không mất đi tính lịch sử cần phải được đánh giá, quy hoạch và có tầm nhìn.

Tăng cường tính pháp lý về di sản công nghiệp

Nếu giải quyết hài hòa được lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ việc tái tạo các di sản công nghiệp thì Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo ra được bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Để thực hiện được điều này, theo các KTS và chuyên gia cần pháp lý hóa khái niệm di sản công nghiệp, tiếp tục kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết cho nhu cầu bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang và mở rộng công trình di sản trên cả nước, bao gồm 4 thể loại.

Thứ nhất là công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng.

Thứ hai là công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản.

Thứ ba là công trình di sản có thể được phục hồi theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương.

Thứ tư là công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu, hoặc có thể bổ sung một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này.

Ủng hộ chủ trương giữ lại, chuyển đổi công năng các di sản công nghiệp Hà Nội, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường cho biết: Công ước Di sản thế giới công nhận di sản công nghiệp là một loại hình di sản văn hóa. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam chưa đề cập khái niệm này khiến công tác quản lý và tái thiết công trình khó khăn. Do vậy, luật cần được sửa đổi để có thể phân loại, kiểm kê và đưa công trình có giá trị vào diện bảo tồn.

Ở góc độ quy hoạch, TP nên xem xét đưa các công trình công nghiệp có giá trị vào Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang được TP lấy ý kiến cơ quan chức năng và người dân. Theo đó, các địa điểm có giá trị di sản được chuyển đổi sang chức năng sử dụng đất "phi nhà ở" như không gian văn hóa, sáng tạo, ưu tiên phục vụ công cộng, làm cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Nếu chúng ta phá bỏ như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3 thì dần dần sẽ xóa sổ sạch sẽ các di sản công nghiệp. Trong quá trình phát triển, cần cân nhắc, lựa chọn vì các công trình công nghiệp tạo ra dòng chảy lịch sử xuyên suốt theo thời gian, bảo đảm cho đô thị có chiều dài mà không phải là một đô thị non trẻ với những công trình xây mới, không có ký ức.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Những ví dụ khôi phục không gian của Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm giúp Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ kể lại câu chuyện quá khứ đó, đồng thời biến giấc mơ này trở nên sống động, hấp dẫn hơn, đồng thời có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống hạnh phúc, đáng sống ở đô thị. Ví dụ này sẽ truyền cảm hứng cho các đô thị khác gìn giữ những di sản công nghiệp của mình, góp phần đưa di sản trở thành một trong những trọng tâm trong quy hoạch, phát triển các đô thị hiện tại cũng như trong tương lai.

 

 

Di sản đô thị, di sản công nghiệp là những khái niệm mới, chưa có trong Luật Di sản văn hóa, và là một khoảng trống mà chúng ta cần có giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới. Tôi cho rằng, đô thị nào cũng có quá khứ và cần phải lưu giữ để vừa kể về lịch sử của mình, tạo dựng bản sắc và tinh thần đoàn kết, gắn kết với đô thị, vừa tạo thành những sản phẩm văn hóa, tinh thần để phát triển du lịch, lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội từ chính sự hấp dẫn trong lịch sử của chính đô thị.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội -
PGS.TS Bùi Hoài Sơn 

 

Nhưng từ quan điểm đúng đắn, theo các chuyên gia cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quan điểm này. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh Luật Di sản văn hóa, việc huy động nguồn lực xã hội cần có sự hỗ trợ của các hành lang pháp lý như luật thuế, luật đất đai, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ quan có thẩm quyền phải làm cho các DN, cá nhân quan tâm đầu tư cho di sản thấy được lợi ích thực sự của họ, cả lợi ích vật chất và tinh thần, thì mới huy động nguồn lực một cách bền vững được.
(Còn nữa)