Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng Thành phố sáng tạo

Bài 2: Thách thức và cơ hội

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với bề dày văn hóa, cơ cấu dân số trẻ, Hà Nội có nhiều thuận lợi trong phát triển, ứng dụng công nghệ trong xây dựng Thành phố sáng tạo (TP sáng tạo).

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sáng tạo văn hóa cũng đặt ra những câu hỏi làm thế nào để hài hòa giữa sức sáng tạo và tính bản sắc văn hóa; ngăn chặn được những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Thách thức trong kỷ nguyên số

Tháng 10/2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là TP sáng tạo. Tròn 2 năm sau, tháng 10/2023, hai TP nữa của Việt Nam được công nhận danh hiệu TP sáng tạo UNESCO là Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Với Hà Nội, TP đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, xây dựng

Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Phối cảnh dự án thành phố sáng tạo tại huyện Đông Anh.
Phối cảnh dự án thành phố sáng tạo tại huyện Đông Anh.

Với Hội An, theo Giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thanh - Truyền hình TP Hội An Trương Thị Ngọc Cẩm: khi trở thành TP sáng tạo, lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sẽ mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, các loại hình nghệ thuật dân gian được duy trì và phát triển, các nghệ sĩ, nghệ nhân có đất để thực hành sáng tạo. Chính điều này sẽ góp phần tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng.

Có thể thấy 3 TP sáng tạo của Việt Nam đều lấy công nghệ làm động lực là một trong những nền tảng, công cụ để phát triển, khẳng định thương hiệu, bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng; sự thống trị hàng hóa, dịch vụ văn hóa từ các nước phát triển lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe dọa sự đa dạng văn hóa…

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law, bày tỏ lo lắng vấn nạn xâm phạm bản quyền trên nền tảng số đã khiến cho ngành công nghiệp văn hóa thất thu hàng ngàn tỷ đồng.

“Một trận bóng đá diễn ra trong 90 phút, với khoảng 90 triệu lượt xem, nếu tính trung bình mỗi lượt xem trên hệ thống có bản quyền với giá 1 USD, thì chúng ta thất thu 200 tỷ đồng cho một trận bóng đá do các vi phạm bản quyền”, ông Tuấn dẫn chứng.

Tương tự với phim ảnh, các website phim lậu có thể khiến lĩnh vực này thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một hạn chế được nhận diện là năng lực số và thích ứng với chuyển đổi số của các cá nhân, tập thể và DN trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Nhạc sĩ Quốc Trung trong vai trò nhà sản xuất của nhiều festival văn hóa lớn, cho rằng, dường như các quy trình quản lý đã không theo kịp tốc độ phát triển của công nghiệp văn hóa. Cụ thể là nhiều bài hát, bản nhạc đã phổ biến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhưng khi biểu diễn vẫn phải làm thủ tục xin phép hội đồng thẩm định.

Chia sẻ từ câu chuyện của DN mình gặp phải, chị Ngô Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD, cho biết, phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn” được đầu tư nhiều tỷ đồng, ngày đầu ra rạp đã bị quay lén và tung lên mạng.

Tuy nhiên, người thực hiện hành vi vi phạm này chỉ chịu mức phạt hành chính… 3 triệu đồng.

“Coi sản phẩm công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ, vậy tài sản trí tuệ của chúng ta hiện đang ở vị trí nào? Sở hữu tài sản trí tuệ đáng giá nhiều tỷ đồng nhưng chủ thể lại không thể thế chấp để vay ngân hàng?” - đại diện BHD trăn trở.

Phát huy thế mạnh

Luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định các luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá tiến bộ, thậm chí nhiều điểm tiến bộ hơn nước ngoài. Ông Tuấn khuyên các nhà sản xuất và DN hợp tác thông qua các hiệp hội, các tổ chức chung để kiến nghị thay đổi chính sách.

Một trong những điều cần kiến nghị trước tiên đó là cần sớm có tòa án riêng biệt để xử lý các vụ án về sở hữu trí tuệ, để xử các vụ kiện nhanh hơn, bởi hiện nay quá chậm khiến các cá nhân, DN nản lòng. Ví vụ kiện Phimmoi.net, riêng quá trình điều tra kéo dài 8 năm, tới nay đã là 12 - 13 năm. Vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ bài thơ “Gánh mẹ” của nhà thơ Trương Minh Nhật khá đơn giản, nhưng tòa xử mất hơn 4 năm.

Dù các vụ kiện kéo dài mệt mỏi, ông Phan Vũ Tuấn vẫn khuyến khích các cá nhân, DN làm công nghiệp văn hóa cần mạnh dạn khởi kiện nhiều hơn. Chi phí khởi kiện không cao và mang lại nhiều tác động.

Chẳng hạn, Phimmoi.net từng đứng thứ 10 trên thế giới về các trang xem phim online nhưng nhờ sự kiên trì của các DN, cuối cùng Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự "xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" với Phimmoi.net.

Mặt khác, để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động văn hóa cần khắc phục nhiều hạn chế. Đơn cử như trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tại bảo tàng, di tích hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như: chưa có sự đa dạng trong các phần mềm ứng dụng, chưa có giải pháp công nghệ đột phá; đối tượng hướng tới trong các chương trình giáo dục di sản còn bó hẹp; việc triển khai thường xuyên gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực.

Vì vậy, theo các chuyên gia, các bảo tàng, di tích cần xác định mục tiêu của mình để triển khai công nghệ mới trong các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn, mục tiêu có thể là nâng cao khả năng tiếp cận, tăng mức độ tương tác của khách tham quan hay cung cấp cơ hội học tập từ xa.

Cùng với đó là nghiên cứu và xác định các công nghệ phù hợp, xây dựng kế hoạch ngân sách, đào tạo nhân viên và tình nguyện viên. Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả vận hành công nghệ trên cơ sở phản hồi của công chúng, chỉ số tương tác… để thực hiện các điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, một trong những nội dung trọng tâm và xuyên suốt mà Hà Nội đề ra trong thời gian tới là phải triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết. Muốn vậy, phát huy yếu tố con người là điều bắt buộc để triển khai các sáng kiến.

 

 

Với việc ghi danh Đà Lạt và Hội An đợt này, cùng với Hà Nội là TP sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, đến nay, nước ta đã cơ bản hình thành Mạng lưới TP sáng tạo của Việt Nam trong Mạng lưới TP sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, biện pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có, thực sự là hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế sáng tạo, định vị thương hiệu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO
Lê Thị Hồng Vân

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL): Hà Nội đã bước đầu thực hiện các cam kết và đã liên kết nhân lực sáng tạo thông qua những hoạt động, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang như: Tuần lễ thiết kế Việt Nam, lễ hội thiết kế - sáng tạo Hà Nội, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô, thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu, cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo.

Chỉ cần xem xét kết quả một số cuộc thi về thiết kế thời trang, kiến trúc..., có thể thấy nhiều tác giả đoạt giải còn rất trẻ, thậm chí đang là sinh viên. Rõ ràng tiềm năng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô là rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển.

Vì vậy, TP cần tăng cường khai thác nguồn lực từ đội ngũ trí thức, chuyên gia trẻ trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng, vinh danh. Đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế.
(Còn nữa)