Tuy nhiên, so với các TP lớn khác, tiềm năng này của Hà Nội được khai thác còn khá hạn chế.
Bỏ ngỏ nguồn thu
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành ủy Hà Nội đã xác định quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản. Phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 800 DN đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200 - 250 đơn vị hoạt động thường xuyên. Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, nếu tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước mà còn giúp nâng cao mỹ quan đô thị. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, việc khai thác nguồn thu từ hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội còn những hạn chế nhất định.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 300 biển quảng cáo một cột có mặt biển (nội dung), hơn 300 biển quảng cáo khác ở nhiều vị trí nhưng chưa có nội dung, tập trung ở 11 quận, huyện. Tuy nhiên, hồ sơ của các biển quảng cáo này đều chưa hoàn chỉnh.
Được biết, khi Sở VH&TT làm việc với 11 quận, huyện có biển quảng cáo một cột chạy từ Thường Tín về Cầu Giẽ và nhiều vị trí khác, không địa phương nào có đầy đủ hồ sơ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lý.
“Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy đã xác định hoạt động quảng cáo phải đóng góp vào tăng trưởng GRDP cũng như sự phát triển chung của TP nhưng hiện nay chúng ta chưa thống kê được nguồn thu từ quảng cáo là bao nhiêu. Tất nhiên TP đã có giải pháp thông qua cơ quan thuế. Vấn đề này cũng đòi hỏi sự vào cuộc của Trưởng phòng VH&TT phối hợp cùng Công an quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND TP thiết lập hồ sơ của các biển quảng cáo” - bà Trần Thị Vân Anh nói.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, nhiều địa phương đang khai thác nguồn thu từ quảng cáo khá tốt. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, đến năm 2020, toàn TP có hơn 6.000 DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP.
Đại diện Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, TP có hơn 1.400 vị trí cổ động chính trị (treo băng rôn, trụ, màn hình điện tử), hơn 1.600 vị trí chuyên để quảng cáo thương mại (bảng quảng cáo, trụ quảng cáo). Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, TP Hồ Chí Minh có 509 trụ quảng cáo, thu được hơn 30.000 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu rất lớn, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước và cũng là nguồn để có thể quay trở lại đầu tư cho các hoạt động văn hóa.
Số lượng cán bộ, công chức văn hóa tại quận Đống Đa và 21 phường còn hạn chế, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được triệt để. Đề nghị TP bổ sung biên chế lĩnh vực văn hóa cho quận và UBND các phường.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng
Từ những kết quả bước đầu, trong đề án phát triển quảng cáo, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP, khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong đó quảng cáo trên internet chiếm tỷ trọng ngày càng cao, cần phải khai thác tối đa.
TP Hồ Chí Minh cũng chọn 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh khoảng 148.000 tỷ đồng.
Đặt lên bàn cân so sánh, năm 2023, thu ngân sách của Hà Nội đạt hơn 410.510 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022, trong đó ngành văn hóa có đóng góp rất lớn. Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, TP chưa chỉ rõ được thu từ quảng cáo là bao nhiêu. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đưa ra bức tranh một năm hoạt động quảng cáo thu được khoảng 3.000 tỷ đồng.
Xử lý vi phạm chưa triệt để
Theo Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ngày 12/3/2024 của UBND TP ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội, phương tiện quảng cáo khá đa dạng gồm bảng tuyên truyền cổ động chính trị, biển hiệu, băng rôn, bảng quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ; tại nhà chờ xe buýt; trên dải phân cách của đường đô thị, dải phân cách của đường ngoài đô thị; tại trạm rút tiền tự động của ngân hàng (trạm ATM). Ngoài ra còn có màn hình chuyên quảng cáo, màn hình LED, LCD; quảng cáo trên phương tiện giao thông…
Quy chế cũng quy định rõ khu vực không được quảng cáo, khu vực hạn chế quảng cáo cũng như quy cách, kích thước biển quảng cáo ở từng khu vực cụ thể.
Mặc dù công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định vẫn diễn ra thường xuyên hay quảng cáo tràn lan không theo khuôn khổ là hình ảnh thường thấy tại nhiều tuyến phố, gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chia sẻ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo của một số cá nhân, tổ chức còn hạn chế. Một số xã, thị trấn chưa chủ động trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo.
Đáng nói, việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm: dán, in, rải tờ rơi, tờ gấp quảng cáo rao vặt sai quy định gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thực hiện vào giữa trưa, ban đêm.
Còn theo lãnh đạo huyện Thường Tín, công tác quản lý hoạt động viết, đặt biển hiệu quảng cáo không đúng quy định đã được các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên ra quân, kiểm tra, thu giữ, giải tỏa chống lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, vẫn còn có khó khăn là xử lý biển hiệu di động bởi khi thấy đoàn kiểm tra, các chủ cửa hàng bê biển vào trong, khi đoàn đi qua lại mang ra đặt lại.
“Thêm vào đó, năng lực quản lý văn hóa của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, còn tình trạng thiếu cán bộ văn hóa - thông tin hoặc cán bộ kiêm nhiệm nên việc đầu tư nghiên cứu văn bản chưa kỹ, chưa sâu, công tác tham mưa còn hạn chế” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín Đặng Hữu Hiệp chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, một phần do thói quen, nhận thức của cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh còn hạn chế, một phần do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời không đúng vị trí đã quy hoạch… bị xử phạt mức tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nhiều chuyên gia nhận định, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe vi phạm, cần được kịp thời điều chỉnh.
Bên cạnh đó, theo thượng tá Nguyễn Chí Cường - Phó trưởng Phòng PA03 (Công an TP Hà Nội), hiện nay, quảng cáo ngoài trời có 3 loại hình được tập trung khai thác gồm: quảng cáo tại các công trình nhà ở; quảng cáo màn hình LED; quảng cáo trên các cột độc lập. Trong đó, quảng cáo trên các cột độc lập chủ yếu tại các tuyến cao tốc, khu vực ngoại thành. Đáng chú ý, quảng cáo ở mặt tiền công trình, quảng cáo trên màn hình LED đang tồn tại nhiều hạn chế.
“Quảng cáo tấm lớn ở mặt tiền công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, tài sản và phương tiện giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy, gây cản trở hoạt động cứu nạn, cứu hộ” - thượng tá Nguyễn Chí Cường cho biết.
Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho ngành quảng cáo gồm: ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2030; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo; liên kết tổ chức các cuộc thi quảng cáo quốc tế; thiết kế sản phẩm quảng cáo hiện đại; xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm quảng cáo điện tử… Điều này cho thấy, TP Hồ Chí Minh thực sự quan tâm và có nhiều giải pháp cụ thể phát huy nguồn lực từ hoạt động quảng cáo.
(Còn nữa)