Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe khách tuyến cố định: Lột xác hay rời cuộc chơi?

Bài 2: Trước tiên phải tự trách mình

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của xe khách tuyến cố định (XKTCĐ) hiện nay. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, trước tiên, các DN vận tải kinh doanh XKTCĐ phải tự trách mình.

Bài 1: Loay hoay với thực tại

 Trên đường đua sống còn với rất nhiều loại hình vận tải hành khách khác, họ đã thất bại vì chọn cách bảo thủ, co cụm và thậm chí là chộp giật trong nhất thời.

Thua về chất lượng

Hai năm qua, cơn bão đại dịch Covid-19 đã đẩy các DN kinh doanh XKTCĐ xuống đáy cùng khó khăn. Nhiều giai đoạn XKTCĐ phải dừng hoạt động hoàn toàn. Khi vận hành trở lại, lượng khách sụt giảm nặng nề khiến DN đã càng thêm khó khăn.

Xe khách lập văn phòng, đón khách ngoài đường phố. Ảnh: Ngọc Hải
Xe khách lập văn phòng, đón khách ngoài đường phố. Ảnh: Ngọc Hải

Nhiều DN cho biết, doanh thu từ hành khách gần như bằng không, nguồn sống chủ yếu là vận chuyển hàng. Người lao động hành nghề buộc phải bỏ đi tìm công việc khác nhằm duy trì cuộc sống. Cùng với đó, xe khách trá hình ngày càng nở rộ với chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí đầu vào thấp hơn, thu hút phần lớn lượng khách, nhất là với các tuyến ngắn trên dưới 100km.

Thiếu tiền, việc đầu tư mới phương tiện và duy trì chất lượng dịch vụ của XKTCĐ cũng bị bỏ ngỏ. Hiện tượng bất chấp luật để lê la đón khách, thu quá giá… ngày càng gia tăng khiến thương hiệu XKTCĐ thêm xấu xí, mất sức cạnh tranh trước xe khách trá hình. Trong bối cảnh đó, không ít đơn vị kinh doanh XKTCĐ cho rằng họ đang bị bỏ rơi, bị đẩy đến bờ vực phá sản, đe dọa “cơm áo” của hàng nghìn người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho rằng, đối với hành khách, cứ thuận tiện, giá cả phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt là họ sẽ lựa chọn. Về chất lượng dịch vụ, lại càng có sự chênh lệch. Bởi nhiều DN kinh doanh XKTCĐ hiện nay còn chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thậm chí, ham lợi nhuận trước mắt, nhiều xe còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu quá giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng XKTCĐ; chuyển sang lựa chọn xe khách trá hình hoặc các loại hình vận tải khác.

Mặt khác, nhiều chuyên gia đánh giá XKTCĐ hiện còn khá bảo thủ, không bắt kịp xu thế thương mại điện tử đang chiếm lĩnh mọi thị trường hiện nay. Trong khi xe khách trá hình rất chăm chút đầu tư cho việc quảng bá hình ảnh, mở các kênh thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, kể cả viết ứng dụng đặt xe thì XKTCĐ lại gần như chỉ trông chờ vào bến xe, khách quen liên lạc qua điện thoại. Nên tất yếu họ tiếp cận được ít hành khách hơn.

Thực tế cho thấy, xe “dù”, xe khách trá hình thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó, XKTCĐ chỉ đón trả tại bến, rõ ràng là kém thuận tiện hơn.

Với không ít người dân, để đến được bến xe phải trung chuyển qua nhiều hình thức như người nhà đưa đón, xe ôm, taxi, xe buýt, dẫn đến tốn thêm một khoản chi phí nữa ngoài vé xe liên tỉnh.

Quy định hiện hành cho phép các đơn vị XKTCĐ được thiết lập mạng lưới xe trung chuyển để đưa đón hành khách từ các khu dân cư đến bến. Nhưng rất ít DN quan tâm đầu tư xe trung chuyển để thuận tiện cho hành khách. Ông Đào Việt Long nói: “Tôi cho rằng, bên cạnh những vấn đề khách quan thì nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển mình chậm trễ của chính các DN vận tải hành khách tuyến cố định khiến họ khó cạnh tranh với xe khách trá hình”.

Áp lực tứ bề

Bên cạnh những vấn đề nội tại, cũng cần nhìn nhận rõ bối cảnh khó khăn, ba bề bốn bên đều gặp bất lợi khiến cho XKTCĐ chịu thua thiệt toàn diện như hiện nay. Trước hết là những áp lực cạnh tranh không sòng phẳng có nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý Nhà nước.

Bài 2: Trước tiên phải tự trách mình - Ảnh 1

Chính sự buông lỏng quản lý XKTCĐ cũng khiến loại hình này suy giảm chất lượng nhanh chóng. Nhiều tuyến vận tải khách sử dụng phương tiện cũ, xấu hơn xe hợp đồng, thường xuyên lê la trên đường, thu quá giá, bán khách giữa đường, hay nhồi nhét…

Ngay tại Hà Nội, những con đường nổi tiếng với những "chuyến xe rùa bò” như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Kim Đồng, Giải Phóng… vẫn tồn tại hàng chục năm qua không xử lý nổi.

Trong khi đó, xe khách trá hình đã phát triển đến mức áp đảo XKTCĐ cả về chất lượng lẫn số lượng. Trên các tuyến ngắn từ Hà Nội đi Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Nguyên… kết cục thảm bại và bị xóa tên của XKTCĐ gần như không thể tránh khỏi.

Xe khách trá hình xuất hiện ở khắp nơi, ngang nhiên lập văn phòng, đưa đón khách trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Dù đã có quy định về quản lý lộ trình, điểm đi đến của xe hợp đồng, không được vượt quá 70% số chuyến trùng lặp mỗi tháng nhưng thực tế là không quản lý nổi. Xe hợp đồng chẳng cần trá hình, đội lốt gì nữa, cứ ngang nhiên hoạt động thôi”.

Một vấn đề khác cần nhìn nhận lại là quy hoạch các bến xe, luồng tuyến vận tải hành khách. Một số bến xe lớn của Hà Nội như Yên Nghĩa, Gia Lâm đã trong tình trạng “thoi thóp” từ nhiều năm nay. Bến xe Yên Nghĩa bị đánh giá là đặt sai vị trí. Còn bến Gia Lâm lại chủ yếu phục vụ các tuyến ngắn, những cung đường mà xe limousine, xe ghép, xe tiện chuyến đang thống trị. Hệ luỵ là XKTCĐ tại các bến này ngày càng chật vật, xe bỏ bến mỗi năm lại tăng lên không ít.

Ông Vũ Hoàng Chung phân tích, không chỉ xe khách trá hình, XKTCĐ còn đang trong cuộc đua sống còn với hàng không giá rẻ, xe kinh doanh tự phát hay còn gọi là xe ghép, xe tiện chuyến.

Trên các tuyến ngắn cả xe taxi, xe công nghệ cũng là đối thủ đáng gờm của XKTCĐ. Người dân chỉ cần lên mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy những hội nhóm xe ghép, nơi mà vài ba người không cần quen biết nhau có thể đặt chung một chiếc ô tô 5 chỗ, 7 chỗ để đi liên tỉnh. Giá cước khi chia đều có khi còn rẻ hơn XKTCĐ mà chất lượng lại cao hơn. Còn với những cung đường dài, hàng không giá rẻ đang thể hiện nhiều lợi thế như thời gian di chuyển ngắn, giá vé phù hợp túi tiền hành khách…

Thực trạng đìu hiu của XKTCĐ hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi. Từ một lựa chọn hàng đầu, XKTCĐ đang phải vật lộn để chen chân vào thị trường vận tải khách liên tỉnh, phải chăng vai trò lịch sử của XKTCĐ đang đến hồi kết? Liệu các DN vận tải sẽ lột xác để tồn tại, tiếp tục phát triển hay chấp nhận thất bại và rời cuộc chơi?

 

"Chính sự thiếu quyết liệt, bất lực trước vi phạm của cơ quan chức năng đã tạo nên nếp xấu cho XKTCĐ, khiến người dân ngày càng phản cảm, hồ nghi về chất lượng của loại hình này." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

(Còn nữa)