Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 16 sông chính và các kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp nhận nguồn nước thải lớn mỗi ngày từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên hệ thống công trình thủy lợi này.

Bài 1: Nỗi ám ảnh bên dòng kênh ô nhiễm

Nước thải công nghiệp chưa an toàn

Số liệu điều tra của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho thấy, trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có ít nhất 20 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong số này, Hà Nội có hai khu công nghiệp là Hà Nội - Đài Tư và Sài Đồng B (cùng thuộc quận Long Biên).

Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, công suất hoạt động vẫn còn rất nhỏ so với công suất cấp nước. Đơn cử như Khu công nghiệp Thăng Long II tại tỉnh Hưng Yên, công suất cấp nước theo thiết kế là 18.000m3/ngày đêm nhưng nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 3.000m3/ngày đêm; hay Khu công nghiệp VSIP tại tỉnh Hải Dương, có nhà máy cấp nước với công suất 120.000m3/ngày đêm nhưng trạm xử lý nước thải chỉ đạt 5.500m3/ngày đêm…

Con kênh nằm ven cụm công nghiệp tại xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) với nguồn nước bị ô nhiễm dẫn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn
Con kênh nằm ven cụm công nghiệp tại xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) với nguồn nước bị ô nhiễm dẫn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn

Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng nguồn nước thải ra tại các cống xả từ khu, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương đang bị ô nhiễm nặng. Cụ thể, tại cống xả của Cụm công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và Khu công nghiệp Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nguồn nước dẫn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nhuộm một màu đen kịt. Bằng mắt thường có thể cảm nhận được mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang Bùi Văn Thông cho biết, tại Cụm công nghiệp Tân Quang có khoảng 80 DN đang hoạt động. Cụm công nghiệp này đã có nhà trạm xử lý. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại các tuyến kênh xung quanh cụm công nghiệp, phóng viên nhận thấy, nguồn nước nhuốm một màu đen như dầu thải từ động cơ ô tô, xe máy; bốc mùi nồng nặc, khó chịu.

Trong khi việc kiểm soát ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp vẫn là dấu hỏi lớn, thì hoạt động xả thải của các DN không phép thực sự đáng lo ngại. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay trên 83 tuyến sông, kênh mương trục chính thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được cấp phép xả thải. Trong khi đó, việc quản lý, xử lý của chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Gia tăng nước thải dân sinh, làng nghề

Nguy cơ từ hoạt động xả thải của các làng nghề cũng hết sức đáng lo ngại. Thống kê trên diện tích phục vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có khoảng 100 làng nghề, với nhiều lĩnh vực có nguồn thải tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm như: Chế biến thực phẩm, dệt may, chế tác kim hoàn, mây tre đan… Nước thải của các làng nghề hầu hết đều đổ ra kênh mương, dẫn vào sông nhánh, trục chính, rồi đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Cùng với những tác nhân gây ô nhiễm môi trường được đề cập ở trên, nhiều ý kiến nhà quản lý đồng tình rằng, có đến 60% nguồn xả thải gây tác động đến ô nhiễm đại thủy nông Bắc Hưng Hải đến từ các hoạt động dân sinh. Tại 4 tỉnh, thành thuộc lưu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (bao gồm cả Hà Nội), nguồn nước thải này hầu như chưa được xử lý.

Cống đầu mối Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), nơi tiếp nguồn nước từ sông Hồng vào tạo dòng chảy lưu chuyển làm sạch cho hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn
Cống đầu mối Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), nơi tiếp nguồn nước từ sông Hồng vào tạo dòng chảy lưu chuyển làm sạch cho hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo niên giám thống kê các đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2019, dân số thuộc 4 tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội là hơn 3 triệu người. Dự báo đến năm 2030, số dân ở khu vực trên sẽ vào khoảng 3,5 triệu người. Điều này sẽ khiến lượng nước xả thải dân sinh gia tăng mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Việt Anh cho rằng, ngoài yếu tố xả thải vượt quy chuẩn của các DN, nguyên nhân không thể bỏ qua khiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm là các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Hầu hết các làng nghề hiện chưa được cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi. Nước thải từ các hoạt động dân sinh, sản xuất ngang nhiên đổ thẳng xuống sông ngòi, kênh mương, khiến tình trạng ô nhiễm đại thủy nông Bắc Hưng Hải ngày một trầm trọng hơn.

Nhiều nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hà - Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình thủy lợi Xuân Quan (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải), vào giai đoạn mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thường gia tăng. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm phụ thuộc vào lượng nước cấp.

Theo ông Hà, vào mùa kiệt, mực nước sông Hồng hạ thấp; lượng nước đưa vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thông qua công trình đầu mối Xuân Quan rất thấp. Nhiệm vụ duy trì dòng chảy trên các sông chính, kênh mương để giảm tải tình trạng ô nhiễm cho đại thủy nông cũng bị hạn chế hơn.

Nhận định thêm về nguyên nhân gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) Hoàng Văn Vy cho rằng, đại thủy nông này có chức năng tưới tiêu nên phải bảo đảm mực nước. Việc dòng chảy không được lưu thông do mực nước hạ thấp trong mùa khô khiến tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi này trầm trọng hơn.

Cũng theo ông Hoàng Văn Vy, trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, hệ vi sinh vật phát triển rất mạnh. “Bình thường, thủy sinh làm giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, do việc duy trì bảo dưỡng, khơi thông dòng chảy trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chưa được thực hiện thường xuyên khiến hệ thủy sinh vật phát triển quá mạnh; vô hình chung trở thành tác nhân gây tái ô nhiễm” - ông Vy chia sẻ.

Dù không phải là nguyên nhân chính nhưng những vấn đề được đề cập đã và đang góp phần khiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trở nên ngày một ô nhiễm. Nếu không có những giải pháp cấp bách, kịp thời, đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân bên lưu vực đại thủy nông này sẽ đứng trước những thách thức rất lớn.

 

"Theo thống kê, trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có hơn 1.700 điểm xả thải, với lưu lượng >=5m3/ngày đêm; trong đó có 828 điểm xả thải công nghiệp và 538 điểm xả thải dân sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng điểm xả thải được cấp phép, còn số điểm xả thải thực tế vào các tuyến nhánh, kênh mương có thể còn lớn hơn rất nhiều." - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trần Thế Trường

Theo Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi xả nước thải trái phép vào hệ thống công trình thủy lợi sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với lưu lượng xả nhỏ hơn 5m3/ngày đêm; phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng đối với lưu lượng xả trái phép từ 5m3/ngày đêm đến dưới 100m3/ngày đêm. Với lưu lượng xả thải trái phép từ 100m3/ngày đêm đến dưới 500m3/ngày đêm thì bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng. Mức phạt cao nhất từ 80 - 100 triệu đồng ứng với lưu lượng xả thải trái phép trên 500m3/ngày đêm trở lên.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần