Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai phá “mỏ vàng” kinh tế thể thao

Bài 2: Vì sao khó thu hút nguồn lực xã hội hóa?

Ngọc Tú – Bùi Lượng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho thể thao còn hạn chế, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế công tác xã hội hóa kinh phí thể thao còn gặp nhiều khó khăn, từ nhận thức còn hạn chế cho đến cơ chế, chính sách chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn.

Nhiều rào cản

Những năm qua, kinh tế thể thao Việt Nam đã và đang từng bước chuyển đổi phương thức vận hành để phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chủ trương xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực này cùng các hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta đang phát triển rất sôi động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn lực cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt cho biết, mỗi năm, thể thao Việt Nam cần tham dự ít nhất 700 giải trong tổng số 2.500 giải ở tất cả các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Ngân sách của Nhà nước bảo đảm cho các đội tuyển tham dự giải chỉ gần 170 giải, chưa được 1/4 giải cần thi đấu, nguồn còn lại xã hội hóa từ các liên đoàn thể thao.

"Tuy nhiên, mức độ xã hội hóa của thể thao Việt Nam chưa cao khi đa phần các liên đoàn, hiệp hội thực hiện còn rất hạn chế” - ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Năm 2022, ngân sách chi cho lĩnh vực hoạt động thể thao là hơn 1.242 tỷ đồng. Năm 2023, ngân sách mà lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp để làm các nhiệm vụ là khoảng 893,345 tỷ đồng. Năm 2024, dự toán ngân sách dành cho lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp là hơn 826 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao Việt Nam đang rất khó khăn. Do đó, nhu cầu xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư từ các DN, cá nhân là rất cần thiết.

Đáng nói, cơ sở hạ tầng về thể thao hiện nay nhìn chung đã lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gây cản trở tới quá trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế thể thao. Hiện nay, các sân thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam không có nhiều. Điều này gây ra những hệ luỵ nhất định trong phát triển các giải đấu thể thao, mà điển hình là việc 3 đội bóng thi đấu tại V-League có chung một sân nhà là Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel.

Sân Mỹ Đình nằm trong Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình tự chủ từ năm 2014. Ảnh: Ngọc Tú
Sân Mỹ Đình nằm trong Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình tự chủ từ năm 2014. Ảnh: Ngọc Tú

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa đầu tư cho thể thao còn gặp khó khăn về nhận thức cũng như kinh nghiệm triển khai các chính sách. Cụ thể, môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thể thao. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế thể thao còn thiếu. Quy hoạch đất và bố trí đất cho thể dục thể thao còn nhiều hạn chế…

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư, trong thời gian qua, Luật Thể dục, thể thao cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các Luật thuế cùng những quy hoạch, chiến lược và nhiều văn bản khác được ban hành đã dần hình thành khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế thể thao. Luật Thể dục thể thao cũng đã đề cập về phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Đây là cơ sở phát triển kinh tế thể thao. Tuy nhiên, Luật Thể dục, thể thao chưa đề cập nhiều đến khía cạnh kinh doanh trong thể thao.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo là không thấp hơn 100 tỷ đồng và không bao gồm lĩnh vực văn hóa, thể thao. Thực tiễn này hạn chế việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào trong việc xây dựng nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi tiêu chuẩn thi đấu… Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, chính sách xã hội hóa đã có từ lâu nhưng để các DN đạt điều kiện thì rất ít và không phải DN nào cũng được.

Thêm một rào cản nữa là chính sách về thuế chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư về thể dục thể thao. Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), quy định thuế suất 10% với hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, có hiệu lực từ 1/7/2025. Theo một số chuyên gia, việc đề xuất tăng gấp đôi VAT đối với lĩnh vực văn hóa và thể thao (theo quy định cũ là 5%) sẽ gây áp lực không nhỏ lên các DN, gia tăng chi phí sản xuất, hoạt động dẫn tới buộc phải điều chỉnh giá bán và dịch vụ.

Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao Động Lực Lê Văn Thành cho biết, các DN muốn tài trợ cho hoạt động thể thao nhưng một số liên đoàn, hiệp hội lại không có chức năng để xuất hóa đơn. Năm 2022 riêng Tập đoàn Động Lực tài trợ 100 tỷ đồng cho thể thao với thuế VAT là 10%. Nếu không có hóa đơn thì đơn vị lại bị truy thu thuế thu nhập DN lên tới 22%. Ngoài ra, DN còn phải đối mặt với vấn nạn hàng nhái, hàng lậu, ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển thể dục thể thao, trong đó chú trọng đầu tư phát triển thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

Đồng thời tăng cường phát triển kinh tế thể thao, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể dục thể thao, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác trong phát triển kinh doanh thể dục thể thao ở trong và ngoài nước, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thay đổi quan điểm, mô hình vận hành

Là một trong những đơn vị tự chủ sớm, từ năm 2014, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã tự chủ từ tổ chức cho đến tài chính. Giám đốc Khu liên hợp Nguyễn Trọng Hổ cho biết: "Theo đề án được lãnh đạo Bộ VHTT&DL phê duyệt ngày 10/4/2023, Khu Liên hợp được khai thác tài sản dôi dư. Tuy nhiên, Khu Liên hợp thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế rất lớn, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng khiến các đơn vị không đầu tư lớn".

Vụ việc tuyển Việt Nam phải di chuyển về sân Việt Trì (Phú Thọ) thi đấu tại ASEAN Cup 2024 là điển hình nhất khi sân Mỹ Đình phục vụ cho sự kiện âm nhạc. Bên cạnh đó, việc nộp thuế sử dụng đất với Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng rất lớn; việc khai thác các tài sản sẵn có, quy định về xã hội hóa với các danh mục nhà thi đấu, sân vận động chưa rõ ràng...

Theo lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất đối với DN khi tham gia tài trợ cho các hoạt động thể thao là vấn đề ngân sách. Tài trợ thể thao không chỉ đơn thuần là việc chi tiền cho một sự kiện, mà thường kéo dài trong nhiều năm với nhiều cam kết khác nhau. DN phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm rằng khoản đầu tư này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi và vẫn có thể duy trì tài trợ trong dài hạn.

"Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, việc cắt giảm chi phí là điều không thể tránh khỏi và ngân sách cho các hoạt động tài trợ thường là khoản đầu tiên bị ảnh hưởng. Điều này tạo ra một áp lực không nhỏ trong việc duy trì cam kết lâu dài với các đội tuyển, vận động viên hoặc các chương trình thể thao mà DN đang hỗ trợ" - lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam chia sẻ.

Thực tế hiện nay, chỉ có một số liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia kêu gọi được nguồn xã hội hóa trong đào tạo, tuyển chọn vận động viên thi đấu nước ngoài. Trong đó, phải kể đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam…

"Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn, hiệp hội chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chưa năng động trong kêu gọi xã hội hóa, chưa tạo ra được sự kiện, giá trị của bản thân để thu hút nguồn tài trợ” - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đặng Hà Việt, các giải thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong vận hành mà một số liên đoàn, hiệp hội đã học tập mô hình từ nước ngoài hiệu quả để tổ chức trong nước như giải V-League, VBA, Billiard, Golf, bóng chuyền…

"Tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp được ví như đầu kéo để đưa môn thể thao đó đến gần hơn người dân biết hơn, dẫn tới phong trào thể thao phát triển. Khi phong trào phát triển thì các điều kiện liên quan về kinh doanh, xã hội hóa cũng phát triển" - ông Đặng Hà Việt cho biết thêm.

Như vậy, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cần thay đổi quan điểm, mô hình vận hành cũng như xây dựng các thương hiệu của giải đấu. Bởi mỗi môn thể thao đều có một thị trường riêng, từ đó có thể phát huy sức mạnh nội tại, thu hút nguồn đầu tư.

Để hướng tới xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, việc đầu tiên cần thực hiện là tập trung về hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao, bổ sung các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể thao, thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp...

 

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể thao ở Việt Nam, không chỉ trong các môn thi đấu truyền thống như bóng đá, cầu lông, bóng bàn mà còn ở các môn thể thao mới nổi như pickleball, golf, eSports...

Để có được những bước tiến như vậy, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các DN - những người đã đồng hành, hỗ trợ về mặt tài chính, cơ sở vật chất và tinh thần cho các vận động viên, các đội tuyển và hoạt động thể thao trên cả nước.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Tống Đức Thuận

 

(Còn nữa)