Vấn đề mất ATTP vẫn luôn nóng ở mọi nơi, mọi lúc và được đề cập, chất vấn nhiều trong mỗi kỳ họp Quốc hội. Ở đó, đầy ắp những bức xúc, lo lắng của người dân, những băn khoăn của các ngành chức năng. Dù mâm cơm người Việt có nhiều bộ, ngành quản lý nhưng thực phẩm bẩn vẫn hoành hành.
Những vấn đề về quản lý, các kẽ hở, thiếu sót của luật pháp trong lĩnh vực ATTP đã được nhiều đại biểu của dân bàn luận, phân tích và đề xuất các giải pháp chặn thực phẩm bẩn. Câu chuyện một mâm cơm nhiều bộ cùng quản lý nhưng người dân hằng ngày vẫn phải ăn thực phẩm không an toàn đã từng làm nóng nghị trường Quốc hội. Bộ Y tế nhận chịu trách nhiệm chính nhưng cho rằng, quản lý ATTP đâu chỉ riêng ngành y tế mà lĩnh vực này phải đa ngành. Không chỉ các bộ mà pháp lệnh còn nói, có trách nhiệm của UBND các tỉnh…
Có thể nói, câu chuyện quản lý ATTP và trách nhiệm của từng bộ, ngành cũng như các địa phương cho đến nay vẫn là vấn đề “nóng” và luôn thời sự. Những năm qua, công tác bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc bảo đảm ATTP vẫn còn vô vàn những khó khăn, bất cập. Trên địa bàn cả nước, tình hình thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn, các diễn biến có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội tình. Tình trạng vi phạm ATTP gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tính mạng của người dân, gây ra những lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại Hà Nội, hiện có 72.671 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó, ngành y tế quản lý 39.882 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 16.462 cơ sở, ngành công thương quản lý 16.327 cơ sở. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, trong những năm qua, vấn đề ATTP luôn được các cấp lãnh đạo của thành phố đặc biệt chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. UBND thành phố đã có nhiều giải pháp cấp bách, biện pháp cụ thể chỉ đạo các cấp, các ngành nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức, thực hành trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và người dân đã được nâng lên.
Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Phong nhìn nhận, công tác quản lý ATTP còn gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này có tính đặc thù vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng; số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP, thức ăn đường phố khó kiểm soát... Đây là những vấn đề mà cả hệ thống chính trị Thủ đô đang tìm giải pháp khắc phục.
Đề cập đến vấn đề quản lý ATTP trước vô vàn khó khăn, thách thức, Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, TP Hồ Chí Minh có quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng và lưu lượng lương thực, thực phẩm trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu rất lớn, vấn đề bảo đảm ATTP luôn "nóng", phức tạp. Tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra phổ biến, rất khó quản lý; tình trạng thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại, sản xuất, chế biến không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều, đã trở thành mối lo, nguy cơ cao về mất ATTP.
Ngoài ra, cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, một vấn đề rất nan giải hiện nay, là “quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, chữa bách bệnh, lừa người tiêu dùng. Lại còn có tình trạng thực phẩm chức năng làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc tây, nhà thuốc, bán đa cấp, rất khó quản lý” – bà Phong Lan nhấn mạnh.
Chỉ ra những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng đã nêu lên hàng loạt những khó khăn, tồn tại trong xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là vi phạm xảy ra tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài, không xác định được chủ thể quảng cáo bán hàng vi phạm, không có cơ sở để xử lý vi phạm. Sự phát triển công nghệ số, AI rất dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sĩ, nhà khoa học để quảng cáo, bán thực phẩm thổi phồng công dụng, hoặc sai công dụng. Việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo xuyên biên giới còn khó khăn. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo. Vấn đề đăng ký, thành lập doanh nghiệp quá đơn giản.
Nói về nhân lực quản lý ATTP hiện nay, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: “Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong sở thực hiện nhiệm vụ. Còn của ngành y tế thì số lượng cán bộ cũng khiêm tốn, tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ. Với lực lượng mỏng như hiện nay, rất khó trong kiểm soát ATTP”.
Về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý ATTP, theo ông Long, việc phân công hiện nay đang chia ra 3 bộ là Y tế, Công Thương và NN&PTNT cùng kiểm tra, quản lý. Theo Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới yêu cầu việc quản lý về ATTP sẽ chỉ về một đầu mối. Tuy nhiên, dù đầu mối là bộ nào quản lý thì vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành. “Chẳng hạn, ngành NN&PTNT thì không bao giờ thoát khỏi trách nhiệm đảm bảo nuôi trồng, thu hái đánh bắt, sơ chế nông sản thực phẩm. Ngành Công Thương cũng không thể thiếu vì trách nhiệm quản lý về lưu thông trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cơ quan truyền thông cũng vẫn phải tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng… Tất cả các ban ngành, khác đều có vai trò nhất định. Việc cần thiết là phối kết hợp liên ngành trong quản lý ATTP”, ông Nguyễn Hùng Long nói.
Theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, còn quá nhiều bất cập trong câu chuyện quản lý ATTP. Ông cho rằng, kiểm tra ATTP phải để các lực lượng thanh tra chuyên ngành có đủ trình độ được đào tạo tham gia, còn đánh giá về chất lượng ATTP phải để bên thứ 3 vào cuộc. Nhưng thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý kiểm tra từ A đến Z, đây cũng là điều không phù hợp. “Không chỉ vậy, công tác quản lý ATTP còn bất cập ở điểm phân công quản lý. Bộ Y tế quản lý về sức khỏe nhưng lại chỉ quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ NNN&PTNT quản lý 19 nhóm ngành hàng. Do phân công quản lý chưa hợp lý nên dẫn đến nhiều vấn đề về thực phẩm”, ông Đáng nói.
Ngoài ra, các quy định, văn bản pháp luật về chế tài xử lý còn lỏng lẻo, mức độ xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, ảnh hưởng tới việc bảo đảm ATTP. Đồng thời, ông Đáng cũng nêu rõ những bất cập trong Luật ATTP từ các định nghĩa đến phân công về quản lý và quy định kiểm soát ATTP từ trang trại đến bàn ăn. Đơn cử, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định thực phẩm kinh doanh phải là kinh doanh có điều kiện, nhưng trong Luật ATTP nêu, có những thực phẩm làm ra doanh nghiệp tự công bố, tự bán, cơ quan chức năng chỉ hậu kiểm. “Vậy thử hỏi, có doanh nghiệp nào tự giác làm việc này? Phương thức đó chưa hợp lý. Trong khi đó, trên thế giới, tất cả sản phẩm làm ra phải được cơ quan phụ trách về thực phẩm chứng nhận bảo đảm ATTP mới được lưu thông. Tôi kiến nghị chúng ta phải sửa lại Luật ATTP cho phù hợp với luật quốc tế và với thực tế của Việt Nam” - PGS.TS Trần Đáng đề xuất.
(Còn nữa)
08:25 16/08/2024