Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt bài: Mầm non ngoài công lập - bản lĩnh để phục hồi

Bài 3: Chia sẻ kịp thời

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tất cả các loại hình giáo dục, mầm non ngoài công lập (MNNCL) chịu tổn hại nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh Covid-19. Suốt thời gian qua, từ Chính phủ, bộ ngành cho đến từng người dân đã thể hiện nhiều ân tình, trách nhiệm và sự sẻ chia kịp thời với giáo viên MNNCL.

Các chính sách hỗ trợ thiết thực

Tại thời điểm dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp nhất ở nước ta - khi ai ai cũng nhắc đến cuộc sống khó khăn của người lao động mất việc, không lương, điển hình là giáo viên MNNCL thì các gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP (sau sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết 126/NQ-CP) hay Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau sửa đổi, bổ sung thành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg) đã nhanh chóng được triển khai với thủ tục đơn giản để đến tay người lao động nhanh nhất.

Riêng tại Hà Nội, tính đến tháng 1/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở LĐTB&XH đã tham mưu TP ban hành các văn bản (Nghị quyết 68/NĐ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19) và triển khai thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ người lao động (mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/giáo viên, nhân viên; mức hỗ trợ 3 triệu đồng/chủ cơ sở mầm non). Thêm nữa, HĐND TP Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội” với mức hỗ trợ từ 20 - 40 triệu đồng tùy quy mô từng nhóm lớp.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội hỗ trợ các trường mầm non, đặc biệt mầm non ngoài công lập do ảnh dưởng của đại dịch Covid- 19
Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện hỗ trợ các trường mầm non, đặc biệt mầm non ngoài công lập do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19

Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, với Nghị quyết này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng với thời gian vay vốn là 36 tháng. Với lãi suất 3,3%/năm (tương đương 0,27%/tháng), mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách.

Mới đây, ngày 11/8, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để phần nào giúp các đơn vị ổn định đội ngũ, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm, từ đó để phụ huynh yên tâm lao động sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống và chính sách an sinh.

Nghị quyết nêu rõ hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP; Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP.

Được trực tiếp thụ hưởng những chính sách nhân văn trên, chủ các cơ sở MNNCL cùng đội ngũ giáo viên mầm non rất xúc động và coi đó là món quà mang cả giá trị vật chất lẫn tinh thần giúp họ thêm nghị lực, ý chí, niềm tin để nỗ lực vươn lên.

Chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà

Không chỉ Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các ban ngành, đoàn thể, đơn vị cấp thành phố quan tâm, sẻ chia với MNNCL mà ở cấp cơ sở, chính quyền sở tại cùng Nhân dân sinh sống trên địa bàn cũng có nhiều hoạt động thiết thực giúp san sẻ những khó khăn với chủ các cơ sở MNNCL.

Tại Hà Nội, UBND quận Tây Hồ là đơn vị đầu tiên có văn bản về việc vận động các gia đình có nhà cho MNNCL thuê có chính sách miễn, giảm kinh phí thuê nhà cho các chủ cơ sở. Công văn sau đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người và nhanh chóng nhân lên trên toàn thành phố. Theo đó, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tiến hành rà soát các hộ gia đình có nhà cho MNNCL thuộc địa bàn quản lý thuê, sau đó gửi thư ngỏ tới các chủ nhà để tuyên truyền, vận động miễn, giảm tiền thuê, giúp tháo gỡ một phần khó khăn, tạo điều kiện cho chủ các cơ sở giáo dục MNNCL có cơ hội duy trì, tiếp tục phát triển trường lớp sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Kết quả, nhiều đơn vị đã kêu gọi giảm được số tiền thuê nhà rất lớn, hỗ trợ đáng kể cho chủ cơ sở; tiêu biểu như quận Tây Hồ, Hà Đông đã vận động giảm được hơn 9 tỷ đồng, quận Nam Từ Liêm vận động giảm được gần 5,2 tỷ đồng tiền thuê nhà.

Chủ cơ sở và giáo viên mầm non ngoài công lập nhận được sự giúp đỡ quý báu của toàn xã hội
Chủ cơ sở và giáo viên mầm non ngoài công lập nhận được sự giúp đỡ quý báu của toàn xã hội

Là người được giảm 50% tiền thuê nhà trong hơn nửa năm đóng cửa, chị Nguyễn Thu Hà, chủ một cơ sở MNNCL tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) xúc động kể: “Thời điểm nghỉ dịch không có nguồn thu, tôi đã rất sợ hãi vì mỗi ngày trôi qua đều phải đối mặt với chi phí thuê mặt bằng quá lớn. Chủ nhà- nơi tôi thuê địa điểm mở trường trước đó cũng phải vay lãi để xây nhà, những mong thu được tiền mỗi tháng để giảm bớt nợ nần. Vậy mà, biết hoàn cảnh của tôi, bà sẵn sàng giảm 50% tiền thuê nhà trong hơn 6 tháng mà không một lời than phiền, trách giận. Với tôi, sự sẻ chia đó cả đời cũng không thể quên”.

Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) Lê Thị Nga cho hay, trước quá nhiều khó khăn của các cơ sở MNNCL, phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã thành lập và phát huy tối đa hiệu quả các “Câu lạc bộ Cán bộ quản lý MNNCL” để kết nối, động viên, hỗ trợ chủ cơ sở khi cần. Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập cũng tăng cường kết nối, hỗ trợ cơ sở MNNCL về đồ dùng, đồ chơi và chuyên môn để các cơ sở MNNCL có thêm điều kiện làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bằng cách này, cách khác và sự sẻ chia dù ít, dù nhiều đã có vai trò hỗ trợ tích cực với hàng vạn giáo viên MNNCL trên cả nước. Dẫu rằng, số tiền hỗ trợ không lớn nhưng với nhiều chính sách nhân văn, hợp lý, kịp thời từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, những người hoạt động trong lĩnh vực MNNCL nói chung và đội ngũ cán bộ giáo viên MNNCL nói riêng đã cảm nhận rõ tấm lòng, sự sẻ chia quý báu với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là sức mạnh tinh thần to lớn để những con người này tiếp tục vững vàng, kiên định bám trụ và tiếp tục phát triển hệ thống MNNCL khi dịch bệnh qua đi.

 

Tính đến hết ngày 15/11/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 là 27,29 nghìn tỷ đồng; 27,63 triệu lượt người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ. Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua được tóm gọn trong 3 từ "hơn”: Chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn.