Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 1
Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 2
Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 3

Với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo. Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Thứ hai là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.

Thứ ba, Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Thứ tư là chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay. Thứ năm là kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 4

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính đặc thù, vượt trội. Thứ nhất, tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ hai, thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô. Thứ tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

Thứ năm, xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai. Thứ sáu, đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa. Thứ bảy, huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ tám, phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững. Thứ chín, liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 5

So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật được bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội. Đồng thời, đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, tại dự thảo Luật lần này cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như: các quy định về tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính, nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô...

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 6

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho hay, Thủ đô thì cả nước chỉ có một và Hà Nội không thể giống bất cứ địa phương nào. Do đó, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Việc sửa đổi Luật Thủ đô phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước. Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo Luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 7

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đề nghị Dự Luật cần phải có một điều có tính bao trùm, khái quát hơn khẳng định tính vượt trội so với các luật khác. Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 8

“Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng theo tôi là mới chỉ vượt, chứ chưa trội. Đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác, người ta thấy vẫn có lợi nên sẵn sàng vi phạm. Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua HĐND Thành phố; mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Mong các cơ quan lập pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó” - đồng chí Phạm Quang Nghị góp ý.

Nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu quan điểm, cần thống nhất là đây là Luật Thủ đô chứ không phải luật cho riêng Hà Nội. Để quy định được các quy định vượt trội, phải thống nhất quan điểm quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền, đặc lợi. Đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Từ thống nhất quan điểm như thế, mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 9
Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 10

Với 9 nhóm chính sách được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có thể thấy Dự Luật đang đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Hà Nội. Điều này đồng nghĩa các quy định, chính sách tại dự thảo Luật khó tránh khỏi sự xung đột với các văn bản pháp luật hiện hành và trong tương lai.

Nhằm tạo thể chế thực sự vượt trội cho Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Điều 4 về áp dụng Luật Thủ đô - đây là quy định mới, chưa có trong Luật Thủ đô năm 2012. Theo ông Trần Anh Đức - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), dự thảo Luật quy định một điều về áp dụng pháp luật với quan điểm bảo đảm tính nhất quán và xuyên suốt trong việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật hiện hành, vừa phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô, vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 11

Đồng thời, bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi trong việc hiểu và áp dụng Luật Thủ đô. Trường hợp các luật, nghị quyết ban hành sau Luật Thủ đô không quy định cụ thể việc áp dụng luật, nghị quyết đó thì Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng. Để bảo đảm thi hành có hiệu quả quy định này, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ phải phối hợp với chính quyền Thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết (ngoài việc rà soát dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội với hệ thống pháp luật nói chung còn phải rà soát với Luật Thủ đô nói riêng để xác định những quy định có liên quan khác với quy định của Luật Thủ đô). Qua đó, hạn chế việc đưa ra những chính sách, quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí vô hiệu hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô…

Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 12
Bài 3: Cởi trói các cơ chế, chính sách cho Thủ đô - Ảnh 13

05:45 09/11/2023