Gương mẫu đi đầu
Đảng bộ xã Song Phương là một trong những Đảng bộ của huyện Hoài Đức nhiều năm trước để xảy ra một số vụ việc, đặc biệt có vụ tranh chấp đất đai phức tạp thuộc diện theo dõi của Thành ủy Hà Nội theo Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15. Tuy nhiên, nhờ có sự quyết tâm, đoàn kết của tổ chức cơ sở đảng nơi đây, đến nay vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết xong dứt điểm.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, thời gian gần đây xã Song Phương triển khai hàng loạt dự án, đặc biệt có dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường đê sông Đáy. Nhờ có sự đoàn kết, trách nhiệm, minh bạch trong mọi việc của Đảng bộ đến các Chi bộ, sự tận tâm của mỗi Đảng viên đã tạo thành sức mạnh tổng hợp. Qua tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nhận thức, thu dọn tài sản, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.
Thời điểm này khi tiến hành GPMB thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tinh thần đoàn kết, gương mẫu của các đảng viên tiếp tục được phát huy.
Khu vườn rộng hơn 1.000m2 của đảng viên Nguyễn Công Hành, Chi bộ thôn 4, xã Song Phương với nhiều loại cây đang cho thu hoạch là nguồn thu nhập chính của gia đình từ hàng chục năm qua. Hiện đã được hoàn thành công tác quy chủ đất, lập hồ sơ kiểm đếm cây cối, hoa màu để bàn giao cho cơ quan chức năng và nhà thầu sớm thi công dự án đường Vành đai 4.
Ông Hành cho biết: “Đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Không những vậy, đây là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh, TP, là niềm mong đợi bấy lâu của người dân. Dù rất tiếc nuối khi phải bàn giao hơn 3/6 sào ruộng đất vùng bãi trồng cây ăn quả đã gây dựng, nhưng là một đảng viên, vì chủ trương chung, tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án”
Ở xã Song Phương có khoảng 1.000 hộ dân nằm trong diện GPMB 41,8ha, trong đó có 35ha đất trồng cây hàng năm và rau màu. Mảnh đất đã gắn bó hàng trăm năm qua giúp người dân tạo dựng cơ nghiệp và nuôi sống nhiều thế hệ. Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn cho biết: Song Phương là một trong 12 xã của huyện Hoài Đức có đường Vành đai 4 đi qua. Đến nay, công tác kiểm đếm tài sản ở vị trí được giao mốc giới đã hoàn thành.
Trong quá trình cắm mốc giới, quy chủ, kiểm đếm tài sản, cây trồng, GPMB không phát sinh nhiều những bất cập, người dân rất phấn khởi ủng hộ. Từ tháng 8/2022, xã và các thôn triển khai hàng chục cuộc họp thông tin về dự án đường Vành đai 4, ai nấy đếu phấn khởi ủng hộ và đi họp đầy đủ. Có được kết quả này, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có vai trò gương mẫu của đảng viên nơi đây đã tiên phong đi đầu.
Ghi nhận tại vùng đất bãi của xã Song Phương những ngày cuối tháng 11/2022 có 4/6 tổ công tác của 4 thôn cùng cán bộ huyện tiến hành kiểm đếm cây trồng nhận thấy, không chỉ gương mẫu đi đầu, các đảng viên ở đây còn là người thông tin, tuyên truyền để người thân cùng thực hiện. Công tác GPMB được cán bộ chuyên môn quyết liệt triển khai. Tổ công tác của các thôn phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ chuyên môn đo từng gốc cây, bờ ruộng.
Gia đình Bí thư Chi bộ Thôn 3 (xã Song Phương) Nguyễn Văn Khương và anh em trong nhà có gần 2.000m2 đất bãi chuyên canh trồng cây hàng năm chủ yếu là cây ổi đang cho thu hoạch nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án. Sau buổi đầu được Đảng ủy, UBND xã thông tin về dự án, với vai trò người đảng viên, ông Khương gương mẫu cùng anh em chấp hành, đồng thời cùng chi bộ tuyên truyền, vận động bà con không trồng thêm cây và làm lều lán.
Theo ông Khương, mặc dù chưa thể có sự đồng thuận ban đầu, nhưng nếu cán bộ biết nói cho dân hiểu và làm gương cho dân tin, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. Vì vậy, là đảng viên, trước tiên tôi thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và tích cực tuyên truyền, vận động bà con. Thế là người dân lắng nghe và cùng chấp hành thực hiện trong việc phối hợp hoàn thiện hồ sơ quy chủ đất, kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc trên đất.
Kịp thời nắm bắt tình hình
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn huyện Hoài Đức có tổng chiều dài hơn 17,1km thuộc 12 xã: Song Phương, An Thượng, Đông La, Minh Khai, Đức Thượng…. Tổng diện tích thu hồi đất trên địa bàn huyện để thực hiện dự án khoảng 236,70ha của 6.138 hộ dân. Số mộ chí phải di chuyển khoảng 4.200 ngôi.
Cùng với đó, số hộ có đất ở thu hồi và cần giao đất tái định cư là 115 hộ; kinh phí GPMB ước tính khoảng 3.327,7 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã được nhận bàn giao 339 mốc giới với diện tích 108,54ha của 10 xã. Hiện nay Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát sơ bộ 359 mốc giới, diện tích 112,3ha.
Đối với phần diện tích đã nhận bàn giao, huyện chỉ đạo tiến hành đo đạc, lập bản đồ, trong đó có 7 xã đã lập xong bản đồ, 3 xã cơ bản xong, 2 xã đang thực hiện đo đạc và quy chủ. UBND huyện đã phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển mộ chí của 453 hộ trên địa bàn 9 xã với tổng số 1.360 ngôi mộ, số tiền 13,5 tỷ đồng.
Đến nay, đã có gần 500 ngôi mộ được di chuyển. UBND huyện đã ban hành 1.865 thông báo thu hồi đất, diện tích 50,1ha của 8 xã; có 4 xã đã tổ chức họp dân thông báo chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB tới 965 hộ; có 3 xã gồm Minh Khai, Song Phương và Đông La đã niêm yết công khai dự thảo danh sách tổng số 367 hộ, tổng diện tích 11,67ha với số tiền 118,6 tỷ đồng và 604 ngôi mộ số tiền 6,8 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Hoài Đức có 2 dự án tái định cư tại xã Đức Thượng 1,91ha và xã Đông La 1,2ha. Trong đó, dự án tái định cư tại xã Đông La đã phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ được UBND TP chấp thuận chuyển mục đích thành khu tái định cư phục vụ GPMB đường Vành đai 4.
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Cao Văn Toàn cho biết: Dự kiến việc thực hiện cắm mốc, lập bản đồ GPMB, khảo sát, lập dự án đầu tư trong tháng 12/2022. Dự án tái định cư tại xã Đức Thượng đã phê duyệt kinh phí chuẩn bị dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án; đã chỉ định tư vấn lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 và đo đạc bản đồ hiện trạng ngoài thực địa.
Đối với các dự án cải tạo, chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang Nhân dân, hiện nay đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 4 dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang tại Nghị quyết số 18 ngày 31/10/2022 của HĐND huyện. Lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 và xin xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Huyện Hoài Đức có chiều dài đường Vành đai 4 đi qua lớn nhất TP, nhưng công tác kiểm đếm tài sản, quy chủ đất sau khi được giao mốc giới đều sớm được hoàn thành. Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền đã được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Trong đó, lấy vai trò tiên phong của đảng viên làm gương cho quần chúng. Hơn thế, mỗi đảng viên còn trở thành người tuyên truyền viên, dư luận viên làm công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình tư tưởng.
“Sau khi hoàn thành công tác quy chủ đất, kiểm đếm, GPMB, các địa phương trong huyện sẽ hoàn thiện các thủ tục để áp giá, minh bạch, công khai, chi trả, thu hồi và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tính gương mẫu đi đầu của đảng viên, cán bộ, việc triển khai GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 4 sẽ đảm bảo tiến độ trên cơ sở sự đồng thuận cao của Nhân dân” - ông Toàn chia sẻ.
Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi cho người dân và hoàn thành tiến độ TP đề ra, phấn đấu đến cuối năm 2023 GPMB xong 100% diện tích để bàn giao cho nhà thầu, Huyện ủy Hoài Đức đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị tại các tổ chức cơ sở đảng nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, có xã Song Phương, Đông La, Đức Thượng… được xác định là những xã của huyện có diện tích phải GPMB đất ở, đất nông nghiệp và di chuyển mộ chí nhiều nhất.