Hòa mình trong nhịp sống đương đại, nhiều di sản văn hóa của Hà Nội đã được thổi một làn gió tươi mới nhờ ứng dụng công nghệ số, từ đó cho ra những sản phẩm văn hóa mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đặt di sản văn hóa trong các trục liên kết đa chiều thay vì đơn lẻ… là những biện pháp giúp cho di sản từng bước chuyển mình mạnh mẽ và tỏa sáng.
Tối 15/2/2024 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Lễ khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội đánh dấu một bước ngoặt mới của lễ hội truyền thống hàng nghìn năm này. Lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên. Công nghệ 3D mapping với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan một cách chân thực, trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 9/2/2018. Tiếp đó, ngày 4/1/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. “Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của Nhân dân địa phương, qua đó, những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội, các trò diễn dân gian. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng là các câu chuyện lịch sử, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại” – chị Nguyễn Thị Lan, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh chia sẻ.
Những năm gần đây, người dân Hà Nội nói riêng và du khách trong nước, quốc tế nói chung không còn khó khăn khi tìm điểm vui chơi, giải trí vào mỗi tối. Thay vì lựa chọn những quán ăn nổi tiếng tại Tạ Hiện, hay các rạp chiếu phim để hẹn hò vào buổi tối, du khách đã có thể tìm tới các sản phẩm văn hoá gắn với di sản phong phú, hấp dẫn như: tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; “Giải mã Hoàng thành” tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội; “Đêm Thiêng liêng” tại Di tích Nhà tù Hoả Lò…
Đơn cử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách khá bất ngờ với sự lột xác của di tích này về đêm. Được quy hoạch bài bản thành các không gian mang chủ đề về đạo học như khu “Nhập đạo”, “Tứ linh huấn tử”, “khu Thành đạt”, “Hành trình đạo học”... kết hợp với các không gian trải nghiệm tương tác, thực tế ảo, nơi đây mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu sâu về tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Đặc biệt, công nghệ 3D mapping mang chủ đề “Tinh hoa đạo học” đã chạm tới cảm xúc của người xem.
Cùng với đó, khác với tour ban ngày, tour đêm tại di tích Hỏa Lò có những hoạt cảnh được dựng công phu, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong nhà tù Hoả Lò xưa kia. Tham gia chương trình “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; cảm nhận sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục…
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong xu thế đổi mới mạnh mẽ của ngành văn hóa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám định hướng phát triển thành một Trung tâm hoạt động văn hóa thực sự với chương trình hoạt động được dự kiến theo nhiều cấp độ thời gian khác nhau (theo năm, quý, tháng, tuần), trong đó có cả hoạt động ban ngày và buổi tối. Cùng với đó, số hóa toàn bộ các dữ liệu di sản và phát triển các ứng dụng tích hợp trên website hoặc cài đặt trên smartphone cho phép công chúng, khách tham quan tìm hiểu về di tích theo từng chuyên đề.
Có thể thấy, với việc trở thành thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, Hà Nội đã cụ thể hóa mục tiêu lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, gần đây nhất, Tuần lễ thiết kế - sáng tạo Hà Nội 2023 với khoảng 60 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy di sản công nghiệp ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu, thu hút hơn 200.000 người tham gia, thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở cả khu vực và trên thế giới.
“Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo ấy mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Như thế, một lần nữa, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và thực tiễn của cuộc sống” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Mặt khác, thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã tích cực đưa sản phẩm văn hoá vào khuôn khổ lễ hội để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô. Năm 2024, quận Bắc Từ Liêm tổ chức chương trình nghệ thuật đình Chèm “Dấu thiêng miền đất cổ” chào mừng Lễ hội truyền thống đình Chèm. Chương trình nghệ thuật đã kết hợp nghệ thuật biểu diễn, âm thanh với công nghệ 3D hiện đại hòa quyện với không gian sông nước lung linh, huyền ảo. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, “Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là một sản phẩm thiết kế sáng tạo mang tới cho Nhân dân và du khách thập phương một một cảm xúc mới, với ấn tượng, trải nghiệm “đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc”.
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 vừa kết thúc, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách Thủ đô cũng như các tỉnh, TP và khách nước ngoài. Hình ảnh du khách check-in với hoa sen, những tác phẩm nghệ thuật được làm từ sen… tràn ngập trên mạng xã hội với nhiều lời khen có cánh. Lần đầu tiên được tổ chức tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội thực sự trở thành điểm hẹn văn hóa với điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Chuyện của sen”, triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen; ngày hội đạp xe hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với số lượng người tham gia kỷ lục 7.000 người đạp xe quanh Hồ Tây... Cùng với đó, tại khu vực diễn ra lễ hội còn giới thiệu hàng trăm sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, sản phẩm được làm từ sen đến với du khách gần xa.
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm từ sen, trà đạt hơn 11 tỷ đồng. Với những con số ấn tượng, sự kiện này đã mở ra nhiều triển vọng cho phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội Thủ đô, khai thác hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, với Lễ hội sen 2024, lần đầu tiên, Nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế được thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, cùng vùng đất Tây Hồ. Lễ hội không chỉ khẳng định giá trị và thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô mà còn lan tỏa giá trị của hoa sen từ đó mang lại lợi ích kinh tế.
Hiện nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Trong đó, 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp TP). Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc quanh Hồ Tây, hướng nhìn ra mặt hồ. “Nhận thức rõ thế mạnh, tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, những năm qua, quận Tây Hồ đã phối hợp với đơn vị có liên quan tập trung khai thác kết hợp với bảo tồn nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô” – bà Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Trước Tây Hồ, huyện Đan Phượng cũng từng tổ chức một lễ hội nông sản, văn hóa khá đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm. Cụ thể, “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” được tổ chức vào tháng 11/2023, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như liên hoan và giới thiệu, quảng bá ẩm thực, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể… Ngoài ra còn có không gian trưng bày sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành, quận, huyện và nông sản trên địa bàn huyện Đan Phượng. “Điểm sáng tạo của huyện Đan Phượng là tích hợp nông sản, văn hóa, ẩm thực, du lịch, lấy cốt lõi từ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của huyện. Đó là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, từ các di tích lịch sử, đặc biệt là cụm di tích xã Hạ Mỗ, văn hóa phi vật thể ca trù Thượng Mỗ, chèo tàu Tân Hội, diều Bá Giang…” – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết.
Chỉ trong 4 ngày diễn ra, “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” đã thu hút sự tham gia của khoảng trên 80.000 lượt khách trong và ngoài huyện tham quan, trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức các giá trị văn hóa. Tổng giá trị hàng hóa sản xuất, mua bán trong 4 ngày đạt khoảng 20 tỷ đồng. Được biết, từ thành công này, hiện nay huyện Đan Phượng đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2024”, dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới đây.
Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt quan điểm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Phấn đấu đến năm 2025 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của TP. Trong đó, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa có sẵn lợi thế như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực…
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa trong nhịp sống đương đại, vừa bảo tồn giá trị vừa mang lại nguồn thu cho địa phương, một trong những vấn đề quan trọng là phải xây dựng hệ sinh thái di sản, kết nối thành các tour, tuyến phục vụ du lịch.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) Tạ Văn Nguyệt cho biết, việc hát Dô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần quảng bá rộng rãi di sản truyền thống đến người dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Nguyệt thừa nhận, mặc dù đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng gần như làn điệu hát Dô vẫn chưa biến thành “tài sản”. “Muốn phát huy được giá trị của di sản hát Dô, cần thiết phải để di sản gắn kết với hoạt động du lịch, kết nối với các điểm du lịch đã được công nhận ở địa phương. Khi đó, di sản mới thực sự trở thành tài sản đúng nghĩa. Những lợi ích thu được từ hoạt động du lịch sẽ quay trở lại chi phối các hoạt động của di sản, để tạo điều kiện bảo tồn và phát huy di sản bền vững” - ông Tạ Văn Nguyệt nói.
Hay huyện Thanh Oai cũng đang đẩy mạnh kết nối “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội”. Đây là tuyến du lịch nằm trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di tích, làng nghề. Nổi bật là huyện Thanh Oai có các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: Đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh) – thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) – một ngôi chùa cổ bậc nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ; Nhà lưu niệm Bác Hồ (xã Xuân Dương)… tạo điều kiện cho huyện phát triển du lịch văn hóa, tâm linh…
Theo TS Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, những di sản mà các thế hệ người dân Hà Nội và người dân cả nước để lại trên mảnh đất “rồng bay” là những tài sản, nguồn vốn, nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng tạo động lực, sức mạnh để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô xứng tầm với kỳ vọng và lòng mong mỏi của Nhân dân cả nước. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy tốt nguồn tài nguyên văn hóa, cần phân loại, nhận diện các loại nguồn lực văn hóa cụ thể, từ đó có cách ứng xử phù hợp trong khai thác, phát huy vốn văn hóa phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
(còn nữa)
07:38 08/08/2024