>>> Bài 1: Sống khổ bên những dòng kênh ô nhiễm
>>> Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi... chết dần?
Điều này khiến việc ngăn chặn tình trạng xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi còn nửa vời, chưa đạt hiệu quả mong đợi.
Quản lý nhưng không được xử lý vi phạm
Những năm qua, các DN thủy lợi của Hà Nội thực hiện chức năng quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi nhằm đáp ứng đa mục tiêu. Trong đó, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thoát nước phòng, chống úng ngập là hai nhiệm vụ chính yếu. Mặc dù vậy ở khía cạnh xử lý vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có khía cạnh xả thải trái phép, các DN thủy lợi chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm, sau đó báo cáo đề nghị chính quyền nơi sở tại xử lý mà không được xử phạt vi phạm. Không chỉ vậy, thực tế cho thấy sự phối hợp giữa các DN thủy lợi và chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, liên quan đến công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong phát hiện, xử lý các hành vi xả thải trái phép, Sở và Công an TP đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp số 5088/QC-CAHN-SNN ngày 21/12/2016 trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn ngành NN&PTNT. Ngoài ra, Sở NN&PTNT thường xuyên chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các DN thủy lợi, Sở TN&MT Hà Nội trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải vào nguồn nước công trình thủy lợi.
Ba năm gần nhất, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở ngành tăng cường công tác kiểm tra. Năm 2019, 10 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi đã bị xử lý. Con số này của hai năm kế tiếp 2020 – 2021 lần lượt là 50 trường hợp và 20 tổ chức, cá nhân. Tổng số tiền xử phạt các đơn vị có vi phạm trong ba năm gần nhất vào khoảng 229 triệu đồng. Dù vậy, đây vẫn là con số hết sức khiêm tốn so với số lượng điểm xả thải không phép hoặc chưa được đánh giá, do các DN thủy lợi thống kê.
Chính quyền địa phương chưa quyết liệt
Để quy trình hóa công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi nói chung, các hành vi xả thải trái phép nói riêng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 144/HD-SNN. Trong đó, đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan gồm: Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở, cũng như các DN thủy lợi. Theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN, các DN thủy lợi có chức năng quản lý vận hành, giám sát, phát hiện và phối hợp lập biên bản, báo cáo đề xuất chính quyền địa phương xử lý. Hay nói cách khác, trách nhiệm xử lý vi phạm xả thải chính thuộc về chính quyền các cấp. Dù vậy, sự vào cuộc của chính quyền tại nhiều địa phương hiện còn rất nửa vời.
Đội trưởng Đội thủy nông số 4 (Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài) Nguyễn Văn Lưu cho biết, trước tình trạng xả thải trái quy định vào hệ thống kênh mương, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Dương Liễu khảo sát, lập biên bản đánh giá hiện trạng. Một danh sách cụ thể với 27 trường hợp chế biến nông sản xả thải trực tiếp đã được thống kê bằng biên bản có xác nhận của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên việc xử lý của các cấp chính quyền sở tại là chưa quyết liệt; đến nay chưa có trường hợp nào bị ngăn chặn, giải tỏa và xử phạt theo quy định pháp luật.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết việc xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền trực tiếp của các xã, thị trấn. UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý từ cơ sở chưa đạt hiệu quả. Khi được hỏi số liệu về số vụ xả thải trái phép được xử lý trong những năm gần đây, đại diện Phòng Kinh tế huyện không thể cung cấp.
Trong khi đó, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín Lê Mạnh Hùng cho rằng: Việc xử phạt các vi phạm công trình thủy lợi là việc… “khó như lên trời”! Ông Hùng cũng thừa nhận khó khăn của địa phương hiện nay khi chưa quản lý được các điểm xả thải dân sinh, đặc biệt là các hộ chăn nuôi trong khu dân cư. Địa phương đã tuyên truyền nhiều, nhưng vi phạm xả thải vẫn tiếp diễn và rất khó xác định.
Không còn chồng chéo nhưng vẫn bất cập
Theo đại diện Phòng Quản lý tài nguyên nước (Sở TN&MT Hà Nội), từ năm 2021 trở về trước, việc quản lý về xả thải trên địa bàn TP do nhiều đơn vị cùng thực hiện. Do đó có sự chồng chéo trong các văn bản pháp quy về quản lý môi trường nước, cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, đặc biệt là giữa hai ngành TN&MT và NN&PTNT. Điều này dẫn đến trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện đầy đủ và các chế tài xử phạt thiếu sức răn đe.
Tuy nhiên hiện nay, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý vấn đề xả thải vào công trình thủy lợi không còn chồng chéo. Lý do là kể từ ngày 1/1/2022, toàn bộ công tác cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi do ngành TN&MT chịu trách nhiệm tham mưu; trong công tác thẩm định, cấp phép của ngành TN&MT, trường hợp có liên quan đến công trình thủy lợi, Sở TN&MT có thể đề xuất đóng góp ý kiến của ngành NN&PTNT.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho rằng, nên chăng việc cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi cần có sự tham gia góp ý kiến trực tiếp của các DN thủy lợi. Bởi thực tế các DN là cơ quan quản lý trực tiếp, có hệ thống “chân rết” quản lý giám sát, vận hành bao quát toàn hệ thống. Từ đó có những đánh giá, nhìn nhận, tham góp ý kiến hữu ích cho việc cấp phép bảo đảm đáp ứng đa mục tiêu của hệ thống công trình thủy lợi.
Liên quan đến việc xác định chất lượng nguồn nước xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường đánh giá đây vẫn là vấn đề nan giải. Các DN thủy lợi không có nguồn lực để đánh giá chất lượng nguồn nước, làm cơ sở để giám sát, xử lý vi phạm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi của các tổ chức, cá nhân.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh, cho rằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi, việc cấp giấy phép môi trường (trong đó có nội dung xả nước thải vào công trình thủy lợi), thực hiện theo quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Vì vậy, các hành vi vi phạm về xả nước thải không đúng quy định vào công trình thủy lợi không được quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy lợi (Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022), lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy lợi không có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi. Đây cũng là một trong những vướng mắc trong quá trình bảo vệ nguồn nước trong công trình thủy lợi.
(Còn nữa)
Điều 8, 9, 10 của Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Trách nhiệm của các DN thủy lợi là kiểm tra, phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình thủy lợi; UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền.