Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống thủy lợi đang bị ô nhiễm nặng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, tình trạng xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội...

Mặc dù vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm còn rất hạn chế. Hệ quả là chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng; cảnh quan môi trường đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Bài 1: Sống khổ bên những dòng kênh ô nhiễm

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có hơn 35.000 tuyến kênh, mương, với tổng chiều dài khoảng 21.000km. Hệ thống thủy lợi trải dài trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, phục vụ tưới tiêu, chống ngập úng và tạo dựng cảnh quan môi trường. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hệ thống sông, các tuyến kênh, mương tại nhiều địa phương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước bẩn xả thẳng xuống nhiều tuyến kênh

Ở tuổi 73, ông Vũ Tri Bột (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) đã sống ven tuyến kênh chạy dọc khu chợ trung tâm xã đến nửa thế kỷ tuy nhiên không ngày nào thôi trăn trở bởi môi trường sống quanh khu vực ngày một xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gia đình.

Nạo vét kênh mương nội đồng tại huyện Thường Tín. Ảnh: Công Hùng
Nạo vét kênh mương nội đồng tại huyện Thường Tín. Ảnh: Công Hùng

Theo nhiều hộ dân sinh sống ở đây cho biết, những ngày nắng nóng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Phía dưới tuyến kênh, rác thải nổi lênh phềnh. Có đoạn kênh thậm chí dòng nước không thể lưu chuyển, bởi ngập ngụa rác thải dân sinh. Cực chẳng đã, người dân nơi đây thường xuyên phải “cửa đóng, then cài” dù sống ven tuyến đường liên xã nhộn nhịp…

Trong khi đó, 5 năm trước, ông Lê Ngọc Hà chuyển từ phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) về tổ 1, phường Sài Đồng (quận Long Biên) sinh sống. Đó cũng là những tháng ngày ông phải tập quen dần với việc chung sống cùng mùi nước thải “đau đầu, chóng mặt” từ hệ thống thủy lợi Cầu Bây. Đây là tuyến sông tiếp nhận nguồn nước thải của toàn bộ kênh, mương thuộc địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm đổ vào.

Không chỉ ông Bột, ông Hà, người dân sinh sống ven nhiều tuyến kênh, mương trên địa bàn các quận, huyện, nơi tiếp nguồn cho dòng sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Đăm… cũng đang ngày ngày phải sống chung cùng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng này diễn ra từ lâu, nhưng không có chiều hướng suy giảm, mà thậm chí còn ngày một nghiêm trọng hơn.

Đáng lo ngại, khi không chỉ cảnh quan môi trường, mà chất lượng nguồn nước ngầm tại những khu vực sông, ngòi, kênh, mương bị ô nhiễm cũng đang khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Tình trạng nước nhiễm bẩn thẩm thấu, ăn sâu vào nguồn nước ngầm rồi được bà con bơm lên sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe về lâu dài cho người dân.

Nước không bảo đảm vẫn phải dùng cho sản xuất

Một ngày tháng 4/2022, tại trạm bơm Phương Bản do Đội thủy nông số 4 thuộc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài (huyện Hoài Đức) quản lý, nước bơm lên tung bọt trắng xóa, cao ngang ngực người. Tuy nhiên đây lại là nguồn nước cấp phục vụ sản xuất cho hàng nghìn hécta nông nghiệp thuộc địa bàn các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng và quận Hà Đông.

 

Việc nguồn nước hệ thống thủy lợi ô nhiễm còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, bởi môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá các xã về đích của TP.

Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, mục tiêu nông thôn mới của Hà Nội sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức." - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng
nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí

“Riêng trạm bơm Phương Bản lấy nước từ kênh chính Minh Khai hiện đang cung cấp cho khoảng 500ha diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc các xã: Song Phương, Vân Côn, An Thượng của huyện Hoài Đức. Bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận nguồn nước đang bị ô nhiễm, nhưng chúng tôi không còn nguồn cấp nào khác…” - Đội trưởng Đội thủy nông số 4 Nguyễn Văn Lưu cho hay.

Trong khi đó, vụ Xuân năm nào, người dân các xã: Tiên Phương, Phụng Châu, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), và một phần phường Biên Giang (quận Hà Đông) cũng “đứng ngồi không yên” về chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khoảng 900ha canh tác vụ Xuân hàng năm của bà con các địa phương nêu trên trông cả vào nguồn nước cấp từ hệ thống thủy lợi Phụng Châu (thuộc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ).

“Tại đầu nguồn dẫn thuộc xã Phụng Châu, nguồn nước ô nhiễm nặng nhất trong tổng số 20 tuyến kênh, mương thuộc hệ thống thủy lợi Phụng Châu. Dù vậy, bà con nông dân các địa phương vẫn phải sử dụng tưới cho cây trồng do không lựa chọn nào khác…” - Đội trưởng Đội thủy lợi Phụng Châu Nguyễn Trang Nhung thông tin.

Trong khi đó, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật (Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi La Khê) Phùng Khắc Dũng cho hay, cứ vào giai đoạn lấy nước đổ ải, đơn vị lại nhận được văn bản của UBND huyện Thanh Oai đề nghị cung cấp nguồn nước sạch để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sở dĩ vậy là bởi đây là thời điểm nguồn nước cấp cho vùng canh tác trọng điểm phía Bắc của huyện bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là phạm vi các xã: Bình Minh, Thanh Cao, Bích Hòa, Cự Khê…

“Xí nghiệp cung cấp nước tưới cho khoảng 7.000ha sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là của huyện Thanh Oai và một phần của huyện Phú Xuyên, quận Hà Đông. Vụ Xuân năm nào bà con cũng phản ánh về chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm, không bảo đảm cho sản xuất, nhưng hiện chưa có nguồn cấp nào khác thay thế…” - ông Phùng Khắc Dũng bày tỏ quan ngại.

Những người “tự cứu”

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn, hệ thống thủy lợi của TP hiện đang phục vụ cấp nước cho diện tích nông nghiệp hơn 300.000ha. Trong đó, lúa cả năm vào khoảng 200.000ha; diện tích các loại cây công nghiệp hàng năm 43.000ha; diện tích rau 30.000ha; diện tích trồng hoa cây cảnh 2.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 20.000ha. Việc nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân, đặc biệt là năng suất và chất lượng nông sản, thực phẩm.

Trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, các xí nghiệp thủy lợi, hợp tác xã và người dân phải tìm cách xoay sở, tự khắc phục. Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm Phạm Gia Hân cho biết, do nguồn nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây bị ô nhiễm nặng nên thời điểm sản xuất vụ Xuân, Xí nghiệp phải vận hành trạm bơm Vàng để tiếp nước từ sông Đuống.

“Quy trình tiếp nước nhằm pha loãng nồng độ ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn diện tích canh tác của huyện Gia Lâm, quận Long Biên. Điều này bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp phục vụ bà con nông dân, nhưng về phía xí nghiệp thì lại tốn thêm nhiều chi phí vận hành hệ thống và tiền điện…” - ông Hân cho hay.

Xuôi về phía Nam của Thủ đô, hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phụ thuộc vào hệ thống cấp nước từ sông Nhuệ. Lo lắng hơn cả là người dân xã Tân Minh (huyện Thường Tín), khi nơi đây được xem là một trong những vựa rau lớn nhất cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Minh (huyện Thường Tín) Phạm Văn Phúc cho biết, toàn xã có gần 200ha canh tác rau an toàn, rải khắp địa bàn 5 thôn. Mỗi ngày, vựa rau cung ứng hàng chục tấn sản phẩm các loại. Để bảo đảm chất lượng rau xanh, chính quyền địa phương và bà con nông dân đã phải xây dựng hàng trăm giếng khoan, lấy nước phục vụ tưới cho cây trồng.

(Còn nữa)

 

Địa chỉ nhận bài viết dự thi: Ban Đô thị - báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. (Điện thoại liên hệ: 098.747.9898 - Bà Thương Huế - Phó trưởng Ban Đô thị); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ II” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn hoặc trên các ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị.