Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vành đai 4 - hướng đột phá chiến lược của Vùng Thủ đô

Bài 3: Xương sống của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội và Vùng Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, vai trò của Vành đai 4 lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

>>> Bài 1: Điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện

>>> Bài 2: Tạo nguồn lực, thêm cơ hội phát triển

Với tuyến Vành đai “ly tâm”, kết nối mọi vành đai, cao tốc này, vấn đề ùn tắc cũng như chi phí vận chuyển sẽ được giảm thiểu rõ rệt.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Vai trò đặc biệt

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. 7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội -
Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung.

Điều đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi Vành đai 4. “Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3 - tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này” – lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Hiện nay, cả 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Thủ đô làm tâm, hướng vào Vành đai 3 Hà Nội. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng quá tải với mật độ lưu lượng giao thông cao gấp khoảng 2,5 lần so với thiết kế của Vành đai 3, tất yếu hình thành những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Đặng Minh Tân cho rằng: “Quy hoạch Vùng Thủ đô đã lấy Hà Nội làm trung tâm, nghĩa là mọi luồng lưu thông, luân chuyển hàng hoá đều phải đi qua Hà Nội. Với hiện trạng chỉ có một lựa chọn tốt nhất là Vành đai 3 như hiện nay, vô tình Hà Nội trở thành “điểm nghẽn” cho cả Vùng Thủ đô”.

Một ví dụ điển hình cho thấy rõ sự bất cập khi thiếu đi xương sống Vành đai 4 là trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Thời điểm Hà Nội buộc phải hạn chế lưu thông qua khu vực trung tâm TP, hàng hoá, phương tiện ùn ứ khắp các cửa ngõ, chuỗi vận tải rơi vào cảnh đình trệ, tắc nghẽn, ảnh hưởng lan rộng đến cả 10 tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô.

Không chỉ các luồng giao thông quá cảnh, luân chuyển qua Hà Nội, mà ngay trong nội tại Thủ đô, việc chậm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung cũng đang tạo nên áp lực vô cùng lớn cho sự phát triển của TP. Ùn tắc thường xuyên trên tuyến Vành đai 3 không có lối thoát lan cả vào trung tâm TP; các khu vực cửa ngõ Thủ đô, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ xuyên quốc gia thường xuyên “nghẽn mạch”.

Mặt khác, Hà Nội còn được quy hoạch phát triển theo mô hình chùm đô thị, với một hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh tại các huyện: Thạch Thất, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây. Thiếu đi Vành đai 4, không chỉ giao thông kết nối liên vùng mà nhu cầu giao thông trực tiếp giữa đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP cũng tồn tại những khoảng trống mênh mông không thể lấp đầy.

Lối thoát chiến lược

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nói: “Có thể khẳng định, khi Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô, cũng như nhu cầu vận tải trên cả 4 hành lang kinh tế khu vực phía Bắc quá cảnh Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để”.

Ví dụ như hàng hóa, hành khách từ Lào Cai đi Quảng Ninh, Hải Phòng hay Bắc Giang, Thái Nguyên; Nghệ An, Hà Tĩnh... sẽ không còn phải xuyên tâm qua Hà Nội nữa, dù Thủ đô có phong tỏa các cửa ngõ, Vành đai 3 có tê liệt cũng không tạo nên ảnh hưởng xấu với những luồng lưu thông liên tỉnh, liên vùng vì đã có Vành đai 4 đảm nhận.

Càng trong các tình huống khẩn cấp, vai trò chức năng của tuyến đường Vành đai 4 càng được thể hiện một cách rõ rệt, vì nó sẽ giúp vận tải liên tỉnh quá cảnh Hà Nội mà không phải đi vào khu vực đô thị trung tâm, tránh các cửa ngõ bị phong tỏa. Như vậy, vừa có thể giúp Hà Nội đảm bảo an toàn, giãn cách xã hội, vừa không gây đình trệ chuỗi cung ứng thông qua loại hình vận tải đường bộ vốn là chủ đạo trong hệ thống giao thông hiện nay.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, Vành đai 4 chính là lối thoát chiến lược trong những tình huống khó khăn đột biến, đồng thời là huyết mạch quan trọng tăng cường giao thương kết nối của cả vùng Bắc Bộ. Càng sớm đầu tư xây dựng, hiệu quả của Vành đai 4 đối với Hà Nội và Vùng Thủ đô cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ càng cao.

Đối với mạng lưới giao thông nội bộ, kết nối chùm đô thị của Hà Nội, sự xuất hiện của Vành đai 4 sẽ tạo nên sự thay đổi căn bản, mạnh mẽ, là tiền đề để phát triển đồng đều, nhanh chóng cả khu trung tâm lẫn các vệ tinh xung quanh.

TS Đặng Minh Tân phân tích, Vành đai 4 kết nối với hầu hết các cao tốc, quốc lộ đi qua Hà Nội như: Quốc lộ 1, 6, 32, cao tốc Pháp Vân, Đại lộ Thăng Long… Với Vành đai 4 các đô thị vệ tinh và vùng ngoại thành Hà Nội thuộc các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thạch Thất… sẽ có một tuyến đại lộ chủ đạo để kết nối đến các hành lang kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

“Có tuyến đường thuận tiện cho kết nối sẽ là tiền đề, động lực để thu hút đầu tư các cụm công nghiệp, sản xuất, khu du lịch sinh thái, tập trung dân cư cho 5 đô thị vệ tinh. Vùng nông thôn, ngoại thành Thủ đô sẽ có điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ thương mại, mở ra kênh giao thương liên tỉnh, tăng giá trị hàng hoá và thu nhập cho người dân” - Tiến sĩ Đặng Minh Tân nói.

Thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ: “Vành đai 4 vừa là lối thoát chiến lược cho tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, vừa là huyết mạch chính để phát triển kinh tế - xã hội, lại có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của Thủ đô và cả khu vực. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 là vô cùng cấp thiết”.

(còn nữa)

 

Khi Vành đai 4 Vùng Thủ đô hình thành, hàng loạt điểm “đen” ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đặc biệt, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistic cho DN vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành