Thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) về bản chất vẫn là đưa nicotine - chất gây nghiện vào cơ thể. Việc cấm tuyệt đối thuốc lá thế hệ mới là vô cùng cần thiết. Không thể nhằm mục tiêu phát triển kinh tế thông qua thương mại thuốc lá mà sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của thế hệ trẻ. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.
Mặc dù các nhà sản xuất TLĐT, TLNN vẫn tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ. Nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy, các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, TLNN thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng, đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Mặt khác, TLĐT, TLNN cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 3,5 lần so với với những người chưa từng sử dụng TLĐT.
Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ có 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng TLĐT đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử.
Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021. Trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng TLĐT.
Ở các quốc gia này, việc sử dụng TLĐT cũng đã không đẩy nhanh sự suy giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường, một tỷ lệ lớn (thường là đa số) người hút thuốc sử dụng TLĐT là người dùng kép (sử dụng đồng thời TLĐT với các sản phẩm thuốc lá khác) thay vì bỏ hút thuốc.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng TLĐT ngày càng tăng, hàng nghìn trường hợp ngộ độc nicotine, cả vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn), đã được báo cáo ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác trong những năm gần đây. Số trường hợp ngộ độc liên quan đến sản phẩm TLĐT được báo cáo cho các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã tăng gấp đôi từ năm 2018 đến đầu năm 2023. Từ năm 2015 đến tháng 8 năm 2023, tổng cộng 100 trường hợp được báo cáo tiếp xúc với ngộ độc TLĐT và chất lỏng của TLĐT ở Malaysia, trong đó gần một nửa (46%) liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Australia, hơn 140 trẻ em dưới 4 tuổi đã tiếp xúc với nicotin vào năm 2022, trong đó có 17 trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các bệnh viện ở Canada đã ghi nhận 68 trường hợp bị thương hoặc ngộ độc do sử dụng TLĐT từ năm 2011 đến năm 2019. Nicotine được phân loại là trong danh mục “độc” tại Australia, Bỉ, Brunei, Hồng Kông.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Nicotine có thể đi qua nhau thai và tác động lên sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phơi nhiễm với nicotin ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì.
Hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian.
TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Theo WHO, chưa có bằng chứng về việc TLĐT giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. WHO cũng không xác nhận TLĐT là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Để phù hợp với khuyến cáo của WHO, sau khi tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay và năng lực quản lý của Việt Nam (kiểm nghiệm, thanh tra xử phạt, quản lý…), Bộ Y tế đề xuất cần có quy định cấm sử dụng, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới sẽ xuất hiện trong tương lai để bảo vệ thế hệ trẻ tương lại của quốc gia.
Đầu tiên, hãy để tôi nói rõ: các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới không an toàn và chúng hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe. Chúng chứa các hóa chất độc hại gây ung thư, và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh phổi.
Trong ngắn hạn, chúng cũng có thể gây ra hội chứng tổn thương phổi cấp rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những người là mục tiêu của ngành công nghiệp, các sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển não bộ.
Không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này giúp mọi người cai thuốc lá. Ngược lại, các sản phẩm này làm cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận với nicotin, khiến họ bị nghiện chất này.
Thông điệp thứ hai của tôi là việc quản lý hoặc hạn chế các sản phẩm này là vô cùng khó khăn. Các quốc gia đã thử quản lý, như quê hương tôi, nước Australia, đã không thể ngăn cản thanh niên tiếp cận và sử dụng các sản phẩm này.
Một trong những thách thức là làm thế nào để định nghĩa các sản phẩm trong khi chúng không ngừng biến đổi, để thu hút nhiều người tiêu dùng hơn và khai thác các lỗ hổng trong bất kỳ quy định nào.
Một thách thức khác là cần có các cơ sở để kiểm nghiệm các sản phẩm và năng lực để đảm bảo những quy định được thực thi nghiêm ngặt.
Vì những lý do này, ngày càng có nhiều quốc gia, khoảng 40 quốc gia - bao gồm 5 quốc gia trong ASEAN là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia - đã cấm hoàn toàn.
Vì vậy, thông điệp thứ ba của tôi là: WHO tin rằng, cấm các sản phẩm này là lựa chọn duy nhất phù hợp với ưu tiên cao mà Chính phủ đặt ra với việc bảo vệ sức khỏe, và với tinh thần của Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng, rằng "Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội".
Nếu chúng ta không có hành động mạnh mẽ đối với các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới ngay từ bây giờ, sẽ sớm thấy một thế hệ người nghiện nicotin mới, và những cá nhân, gia đình, và xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế, sẽ phải vật lộn để đối phó với các tác động sức khỏe nghiêm trọng.
Chúng ta sẽ có cơ hội bảo vệ sức khỏe và cứu sống nhiều mạng người, nếu hành động ngay bây giờ.
Vì vậy, WHO kêu gọi Việt Nam, bằng việc ban hành những qui định mạnh nhất, cần cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, buôn bán, và quảng cáo tất cả các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới - để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là bảo vệ nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia, đó là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên.
Tác hại của TLĐT, TLNN đã thấy rất rõ. Cần cấm sản xuất, lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới trên toàn Việt Nam. Điều này đã được Bộ Y tế đề nghị nhiều lần với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. WHO cũng cho rằng, cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam là một lựa chọn đúng đắn.
Với tư cách người thầy thuốc, để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, tôi đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá mới, chúng ta đừng để phải giải quyết hậu quả khi tác hại đã quá lớn như thuốc lá truyền thống. Trên thế giới đã có nhiều nước lên án và đề nghị cấm tuyệt đối TLĐT. Vì sinh mạng của Nhân dân, một lần nữa tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có quy định cấm tuyệt đối TLĐT, TLNN. Xin đừng chậm trễ, nếu không chúng ta có thể sẽ phải trả giá bằng sự băng hoại sức khỏe của Nhân dân, và có thể phải tốn khoản kinh phí khổng lồ để chấm dứt một loại hình độc hại giết người có tên là TLĐT, TLNN.
Nhằm hướng tới giới trẻ, TLĐT được thiết kế kiểu dáng bắt mắt, thời trang, giống đồ dùng như cây bút, USB, thỏi son môi, hộp sữa, đồ chơi… với giá cả đa dạng, nhiều sản phẩm giá rất rẻ. Các nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, có những sản phẩm chỉ 17.000 đồng, tức chỉ bằng một cái bánh mì, nhiều em có thể nhịn bữa sáng đã có thể mua được để dùng. Các phẩm này chủ yếu là được nhập lậu từ Trung Quốc về. Chúng ta không thu được nguồn lợi kinh tế gì ở đây cả mà chỉ có hại cho trẻ em, hại cho cả một thế hệ tương lai của đất nước sau này. Ngoài ra, còn tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy, các chất gây nghiện.
Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ. WHO cũng đã khuyến nghị: Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm TLĐT, TLNN cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
19:20 07/09/2024