Thực tế thời gian qua Hà Nội cũng đã quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên cần có thêm các giải pháp căn cơ, lâu dài.
>>> Bài 1: Sống khổ bên những dòng kênh ô nhiễm
>>> Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi... chết dần?
>>> Bài 3: Kênh mương ô nhiễm, trách nhiệm của ai?
Nỗ lực xử lý ô nhiễm từ nguồn
Vấn đề nổi cộm liên quan đến ô nhiễm trên hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước. Để giải quyết tận gốc tình trạng trên cần thiết phải đầu tư xây dựng các trạm thu gom, xử lý nước thải tại nguồn nhằm hạn chế việc xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đã và đang được quan tâm.
Cụ thể, TP đã xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với công suất 180.000m3/ngày, Nhà máy Phú Đô có công suất 71.000m3/ngày; các Nhà máy Trúc Bạch, Kim Liên với công suất từ 2.000 - 3.000m3/ngày.
TP cũng đang tiếp tục xây dựng các nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) với công suất 270.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần tả ngạn sông Nhuệ.
Tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,6km, đường kính từ 400mm - 2.400mm. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề xuất đầu tư đối với hai dự án gồm: Nhà máy Xử lý nước thải Phúc Đồng, công suất 31.500m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải An Lạc, công suất 29.600m3/ngày đêm, cùng nằm trên địa bàn quận Long Biên. Đây là những nỗ lực rất lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hà Nội đối với một trong những vấn đề nổi cộm và bức xúc hiện nay là ô nhiễm môi trường.
Song hành cùng nỗ lực của TP, Bộ TN&MT cũng đã hỗ trợ Hà Nội xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (huyện Hoài Đức), với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm.
Dự án đã góp phần thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung.
Tái sử dụng nước thải
Bên cạnh giải pháp xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại khu vực đô thị, bài toán đặt ra là cần nghiên cứu các giải pháp xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải ở ven đô, khu vực nông thôn. Theo nhiều chuyên gia, nếu được xử lý phù hợp, nguồn nước tái sử dụng có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đem lại những lợi ích rất lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.
Đối với nước thải từ nguồn chăn nuôi, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học, chủ yếu bắt nguồn từ chăn nuôi lợn. Thực tế đã có nhiều hộ tách chất thải và xây dựng hầm biogas để xử lý, tạo nguồn khí sinh học sử dụng cho mục đích đun nấu. Tuy nhiên, mô hình khí sinh học biogas đang được đưa ra thảo luận về tính hiệu quả lâu dài.
Nước thải sinh hoạt cũng đang là bài toán hết sức nan giải. Thực tế số điểm xả thải dân sinh chiếm đến 60% tổng số điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội. Trong khi việc quản lý, thống kê các vi phạm được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn, chứ chưa nói đến xử lý vi phạm.
Thực tế hiện nay, một số tỉnh, TP trên cả nước cũng bắt đầu triển khai theo mô hình tái chế nước thải để sử dụng, đơn cử như tỉnh Bình Thuận. Tại địa phương này đã bước đầu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải tại TP Phan Rang - Tháp Tràm. Việc nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải và gắn liền tái sử dụng là một hướng tiếp cận mới cần được quan tâm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Việt Anh cho rằng, việc tái sử dụng nguồn nước nên được nghiên cứu, đẩy mạnh trước tiên tại các cụm công nghiệp, làng nghề, khu công nghệ cao và đô thị mới.
Tại những địa điểm này thường có nhà trạm xử lý nước thải tiên tiến. Nếu đầu tư thêm quy trình xử lý sạch sâu thì nguồn nước hoàn toàn có thể tái sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất thay vì thải ra môi trường, đổ vào hệ thống công trình thủy lợi.
Cần thêm giải pháp công trình
Vận hành hợp lý các công trình thủy lợi hiện có được xem là giải pháp cần được tính đến trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Hà Nội còn hạn chế. Thực tế, việc vận hành hợp lý các công trình trạm bơm, cống tưới tiêu… đã và đang góp phần đáng kể giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi hiện nay.
Ví dụ như đối với các công trình tưới đầu mối (trạm bơm, cống) lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, sông Đáy, cần tận dụng tối đa những ngày mực nước cao để vận hành bơm, lấy nước góp phần bổ sung nguồn nước sạch; tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên trên hệ thống thủy lợi.
Mô hình tiếp nguồn gia tăng lưu lượng dòng chảy để tăng khả năng tự làm sạch đang được thực hiện khá hiệu quả tại Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội). Cụ thể, để cải thiện chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, Xí nghiệp đã vận hành trạm bơm Vàng tiếp nước từ sông Đuống để cải thiện chất lượng hệ thống thủy lợi Cầu Bây.
Giải pháp tiếp nguồn gia tăng lưu lượng dòng chảy hệ thống thủy lợi dựa trên chênh lệch mực nước triều cũng đang được thực hiện trên một số công trình đầu mối như: Cống Vân Đình (huyện Ứng Hòa), cống La Khê (quận Hà Đông), cống Ngoại Độ (huyện Phú Xuyên). Dù vậy, hiệu quả làm sạch ô nhiễm theo đánh giá từ Viện Quy hoạch Thủy lợi là vẫn còn hạn chế.
Khuyến nghị về giải pháp công trình, Trưởng phòng Thí nghiệm và tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch Thủy lợi) Trịnh Xuân Hoàng, cho rằng TP cần quan tâm đầu tư xây dựng các trạm bơm tưới, tiêu lớn. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ; Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (tiêu từ sông Nhuệ ra sông Đáy); nâng cấp cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) để lấy nước vào sông Đáy.
Bên cạnh tăng cường đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi thì việc thường xuyên nạo vét, cải tạo nâng cấp công trình, đặc biệt là hệ thống sông, kênh mương tưới tiêu, theo ông Trịnh Xuân Hoàng, cũng là việc làm hết sức cần thiết. Điều này sẽ góp phần tăng lưu lượng tưới tiêu, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái và chất lượng nguồn nước trên hệ thống thủy lợi.
"Hà Nội cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình thông minh trong việc quản lý, vận hành hệ thống cấp và thải nước vào hệ thống thủy lợi. Đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trên hệ thống sông, kênh mương chính nhằm xác định mức độ ô nhiễm, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ số các điểm xả thải trên hệ thống công trình thủy lợi phục vụ công tác quản lý…" - Trưởng phòng Thí nghiệm và tư vấn chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch Thủy lợi) Trịnh Xuân Hoàng
(Còn nữa)