70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng văn hóa liêm chính: Từ nhận thức sang hành động

Bài 4: Ngọc có mài mới sáng

Vũ Minh - Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Đưa Quy định 144/QĐ/TW vào thực tiễn là nền tảng cho các cấp ủy Đảng trong công tác giáo dục đảng viên, tạo tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hàng ngày.

Tự soi, để tự sửa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” để làm kiểu mẫu cho dân. Bác dạy: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt một số nghị quyết, quy định quan trọng của Trung ương, trong đó có Quy định số 144-QĐ/TW. Ảnh: Phạm Hùng
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt một số nghị quyết, quy định quan trọng của Trung ương, trong đó có Quy định số 144-QĐ/TW. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa qua suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do lạm quyền, tư lợi, xa dân, coi thường dân. Họ rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, vừa không có cái chất của người đảng viên cộng sản vừa không có nhân tính, đổ vỡ tư cách làm người, đổ vỡ tư cách đảng viên. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn, tự điều chỉnh, tự giáo dục, tự vạch ra khuyết điểm, tự vượt lên chính mình, tu thân chính tâm một cách tự giác, thành thực không nên chỉ vì “tấm chắn” của những điều đảng viên không được làm, mà còn phải vì đạo lý, lương tâm, đề cao đạo đức, văn hóa, sự liêm chính.

Đồng thời, thực tế cũng đã chỉ ra rằng, sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất. Đặc biệt, sự gương mẫu của người đứng đầu có ảnh hưởng và sức lan tỏa rất lớn trong cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu không chỉ làm gương mà còn phải có khả năng quy tụ, tạo môi trường làm việc để cấp dưới có cảm hứng sáng tạo, cống hiến. Không phải ngẫu nhiên khi người ta mặc định “thủ trưởng nào, phong trào nấy”.

Cùng một cơ chế, chính sách, môi trường quản lý, có nơi làm tốt, nhưng cũng có nơi lại làm không tốt, thậm chí là để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Do đó, việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò quyết định, bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng, sẽ luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa, có vì dân chưa, việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không…

Quy định 144-QĐ/TW về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” được ban hành là rất cần thiết, nhưng đó mới chỉ là tiền đề ban đầu. Quan trọng nhất là phải đưa quy định thấm sâu vào thực tiễn công việc và cuộc sống. Vì vậy, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần sâu sắc và thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách tự giác, thường xuyên như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”, thực hiện triệt để việc “tự soi, tự sửa” đang tiếp tục được đặt ra như yêu cầu cấp thiết.

Theo các nhà nghiên cứu, Quy định 144-QĐ/TW phải được đưa vào sinh hoạt Đảng, để nhắc nhở thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên, giống như quy định “Những điều đảng viên không được làm”. Từ đó buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi theo những chuẩn mực đạo đức đã nêu, xem những gì mình chưa đúng thì phải sửa chữa, vấn đề gì cần suy ngẫm, cần nhớ để tránh không vi phạm. Điều quan trọng, với mỗi cán bộ, đảng viên, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, coi trọng danh dự bản thân, luôn phòng tránh những hành vi dẫn tới tham nhũng, tiêu cực.

 

Quy định số 144-QĐ/TW được ban hành là thành công bước đầu. Điều quan trọng, cốt lõi là phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần sâu sắc Quy định, thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng một cách tự giác, thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng, định hướng, thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), Quy định 144-QĐ/TW được ví như “cẩm nang” để giám sát, đánh giá xếp loại đảng viên đúng thực chất. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về đạo đức cách mạng, đừng bỏ quên chữ Liêm, vương vấn đến chữ Tham; luôn tự răn mình, tự rèn rũa mình theo những chuẩn mực đạo đức. Quy định cũng cảnh báo để cán bộ, đảng viên luôn phải cảnh giác với những món lợi bất minh, lợi ích không rõ ràng, đặc biệt là biết từ chối, không để lòng tham trỗi dậy, không để bản thân rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”.

Nhận thức đúng thì hành động mới liêm chính

Chính việc xây dựng được ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực... như các tiêu chuẩn trong Quy định 144-QĐ/TW đã nêu chính là một trong những phương thức để hoàn thiện văn hóa liêm chính trong một tư duy mới.

Tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng văn hóa liêm chính. (trong ảnh: các thành viên Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh giám sát thi công công trình nhà văn hóa).
Tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng văn hóa liêm chính. (trong ảnh: các thành viên Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh giám sát thi công công trình nhà văn hóa).

Cùng với đó, việc tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức cũng đang là vấn đề được đặt ra.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng T.Ư Vũ Văn Phúc, việc giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về liêm chính rất quan trọng, vì chỉ có nhận thức đúng về liêm chính thì hành động sẽ liêm chính. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức để thực hành tốt Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Theo đó, các cấp ủy Đảng cần cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh của cán bộ, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, tố chất liêm chính. Phải có khung khổ thể chế để kiểm soát quyền lực đủ mạnh, có các cơ chế, nguyên tắc chặt chẽ để làm sao thực thi liêm chính được hiệu quả trong thực tiễn.

Để đưa các chuẩn mực đạo đức cách mạng giai đoạn mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, cấp ủy Đảng các cấp đã quán triệt Quy định 144-QĐ/TW tới từng cơ sở Đảng, đảng viên.

Cùng với đó, triển khai cụ thể hóa các nội dung của Quy định bằng các kế hoạch chi tiết, đưa vào triển khai gắn với từng chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên. Trong đó, cụ thể hóa những yêu cầu, tiêu chí đối với từng chuẩn mực đạo đức, bảo đảm tính "nêu gương" qua các tiêu chí: trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu… Đặc biệt đề cao lòng tự trọng, danh dự, giữ gìn phẩm giá, không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi… để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có giữ các chức vụ tự soi, tự sửa, tự rèn mình.

Như vậy, từ thực tiễn có thế thấy, văn hóa liêm chính mang tính thời sự, cấp bách, vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay, không chỉ là việc tuân thủ các quy định pháp luật, mà còn thể hiện lòng tự trọng, trách nhiệm đối với xã hội và sự kiên định trong bảo vệ những giá trị chân chính. Mỗi người trở thành một tấm gương về liêm chính, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, minh bạch và thực sự vì dân cần sự nhìn nhận và hành động phù hợp. Điều đó cũng là lời nhắc nhở rằng, văn hóa liêm chính không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, dẫn lối cho mọi hành động và quyết định. Để cho liêm chính trở thành thường lệ, xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự liêm chính là cả một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải đồng bộ rất nhiều những giải pháp.

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: “Quy định 144-QĐ/TW rất cần thiết và phù hợp trong giai đoạn cả nước đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. 5 chuẩn mực đạo đức quan trọng được chỉ rõ chính là căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Quy định sẽ là kim chỉ nam để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới”.

Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc cho biết, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, tiến hành ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu. Chúng ta đã xác định rõ, thực hiện nhất quán phương châm “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gồm: “không thể", "không dám", "không muốn", "không cần” tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với DN, tổ chức để trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước, hình thành các “nhóm lợi ích”, thậm chí còn chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là gốc rễ của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Trưởng Ban Nội chính T.Ư, các giải pháp để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực chưa thực sự được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt, nhất là công tác giáo dục đạo đức liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính chưa được tiến hành bài bản, sâu rộng, thường xuyên. Bên cạnh đó, nhận thức về nội hàm liêm chính, văn hóa liêm chính, giáo dục liêm chính, thực hành liêm chính…. vẫn chưa sâu sắc, đầy đủ, thống nhất.

Trước thực tế sự rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ bị sa sút nghiêm trọng, Quy định 144 - QĐ/TW ra đời đã đáp ứng yêu cầu và là cơ sở để xây dựng đạo đức công vụ, là căn cứ để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đồng thời, việc triển khai xây dựng văn hóa liêm chính trên mọi phương diện, ở nhiều cấp độ sẽ tiếp tục hình thành "tuyến phòng thủ" đạo đức chống lại tham nhũng, tiêu cực; thiết lập quy tắc ứng xử tôn vinh đạo đức trong sáng. Việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là gốc rễ của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.

 

Tôi cho rằng, sự gương mẫu, đạo đức của người cán bộ còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của Nhân dân với Đảng. Do đó, cán bộ phải là những người tiêu biểu về phong cách, đạo đức. Quy định về chuẩn mực đạo đức phải lồng vào trong sinh hoạt, công việc cụ thể, nhất định để tạo ra chuyển biến. Đặc biệt, cái gốc và quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm và tự giác của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng đạo đức, bởi ngọc có mài mới sáng và càng mài, càng sáng.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội


(Còn nữa)