- Vào thời điểm hình thành, bán đảo Linh Đàm là một trong 2 KĐT đầu tiên của cả nước được công nhận là KĐT kiểu mẫu. Ban đầu chỉ có một dự án là KĐT Linh Đàm; sau đó, HUD tiếp tục xây dựng thêm các KĐT: Bắc Linh Đàm, Đông Linh Đàm, Nam Linh Đàm. Việc thực hiện "dự án chồng dự án" mà thiếu cái nhìn tổng thể về quy hoạch đô thị là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng quá tải mạng lưới giao thông như hiện nay.
Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng nên thu hồi danh hiệu “KĐT kiểu mẫu” của Linh Đàm, nhưng như thế có phần hơi vội vã?
- Trong quy hoạch ban đầu, thiết kế còn tính đến cả những yếu tố lịch sử, truyền thống, tâm linh, hướng tới xây dựng khu vực này thành đô thị du lịch. Nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã không phát triển đồng bộ nhà ở với giao thông, khiến khu vực này rơi vào cảnh dân cư đông, nhà cửa nhiều mà quỹ đường lại eo hẹp. Nếu không giải quyết được vấn đề giao thông, KĐT Linh Đàm khó mà giữ được danh hiệu “KĐT kiểu mẫu”.
Để phát triển mạng lưới giao thông quanh khu vực bán đảo Linh Đàm, giảm thiểu ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cần thực hiện những giải pháp nào?
- Ngay từ khi mới hình thành, quy hoạch chung đã không được tuân thủ chặt chẽ, chủ đầu tư chỉ chú trọng xây nhà bán cho người dân mà “bỏ quên” việc phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, các hạng mục dang dở của đường Vành đai 3 cũng khiến giao thông khu vực này thiếu hẳn tính gắn kết. Để giải quyết vấn đề sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng vì lợi ích của người dân, không thể chần chừ được nữa.
Khu vực đứt gãy đường Vành đai 3 cần được nối bằng cầu qua hồ để liên thông đường Nguyễn Xiển với Hoàng Liệt, Linh Đường. Ảnh: Phạm Hùng |
Trước tiên, chủ đầu tư - HUD cần hoàn thành dứt điểm đoạn còn lại của đường Nguyễn Hữu Thọ để khai thông một trong những tuyến đường quan trọng nhất kết nối bán đảo Linh Đàm với bên ngoài. Tiếp đó, đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp và đường kết nối cầu cạn xuống trung tâm bán đảo cũng phải nhanh chóng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đây là lối thoát cấp bách, giải tỏa áp lực giao thông cho đường Nguyễn Hữu Thọ và cả mạng lưới. Mà ngay từ lúc xây dựng KĐT Linh Đàm, đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp đã được đưa vào quy hoạch tổng thể rồi chứ không phải bây giờ mới nghĩ ra. Có đoạn tuyến này, đường Hoàng Liệt, Linh Đường mới phát huy tác dụng, gắn kết được giao thông, phân bổ đều áp lực, khai thông điểm nghẽn bán đảo Linh Đàm.
Muốn bán đảo Linh Đàm thực sự trở thành KĐT kiểu mẫu, đô thị du lịch, ngoài việc cởi nút thắt cho giao thông còn cần quan tâm đến những khía cạnh nào nữa, thưa ông?
- Như tôi đã nói, KĐT Linh Đàm được định hướng xây dựng thành KĐT du lịch - văn hóa. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, ngoài việc giải quyết triệt để vấn nạn UTGT còn cần tạo nên sức hút cho KĐT bằng cảnh quan đẹp, hài hòa, cân đối.
Hiện nay, việc quản lý diện tích đất công, đất sử dụng chung ở khu vực này chưa có hiệu quả, để xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến phá vỡ cảnh quan. Bằng mọi giá phải quản lý được không gian chung, đất công thì mới có thể bảo vệ quy hoạch ban đầu, tạo nên vẻ đẹp cho KĐT, thu hút người dân và cả khách du lịch. Mà chính yếu tố quản lý đất công cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển, vận hành mạng lưới giao thông. Nếu đường sá còn bị lấn chiếm, thu hẹp, méo mó thì đương nhiên giao thông còn bị ảnh hưởng nặng nề.
Mở rộng tầm nhìn ra mạng lưới giao thông cả khu vực bán đảo Linh Đàm và phụ cận, hiện còn những nhược điểm nào cần khắc phục?
- Với một KĐT tập trung đông dân cư như Linh Đàm, đương nhiên ảnh hưởng của nó không chỉ gói gọn trong mạng lưới giao thông nội bộ, mà còn tác động cả đến những vùng phụ cận. Và ngược lại, yếu tố giao thông phụ cận cũng tác động đến KĐT này một cách rõ nét.
Đơn cử như QL1 cũ hiện đã gần như biến thành đường nội đô với mật độ phương tiện vãng lai dày đặc. Trong đó, một phần rất lớn áp lực đang đổ vào các tuyến đường kết nối của bán đảo Linh Đàm, đặc biệt là đường Nguyễn Hữu Thọ. Cần có biện pháp phân luồng từ xa kết hợp với gắn kết mạng lưới nội bộ khu vực bán đảo thì mới có thể phân bổ được áp lực giao thông, không để bán đảo Linh Đàm trở thành “điểm nghẽn” của cả một vùng đô thị rộng lớn. Đây là bài toán khó nhưng lại rất cấp bách phải tìm ra lời giải, không chỉ cho riêng bán đảo Linh Đàm mà còn cho cả cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Song song với việc gắn kết mạng lưới, phát huy tác dụng hệ thống đường giao thông khu vực, còn cần phải tăng cường các phương thức vận tải hành khách công cộng cho bán đảo Linh Đàm. Có vận tải công cộng mới hạn chế được phương tiện cá nhân, giảm thiểu áp lực giao thông cho khu vực này. TS. Đặng Minh Tân Giảng viên trường Đại học GTVT |