Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 1

Giữa những tháng ngày khắc nghiệt của dịch bệnh Covid- 19 tại Hà Nội, tình cảm yêu thương, sẻ chia giữa người với người đã mang lại luồng sinh khí ấm áp, gần gũi và ăm ắp sự trân trọng. DN giúp người gặp khó bữa ăn có thịt; mỗi khu phố, dãy nhà trọ người với người đều sẻ chia đùm bọc lẫn nhau… - tất cả đều xuất phát từ hành động, việc làm đầy thương yêu của người Hà Nội.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 2

 

“Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” là chương trình do TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội phối hợp nhóm “Thần tốc Hà Nội” thực hiện trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17- CĐ/UBND ngày 24/7/2021 (Chỉ thị 17). Chương trình trao bữa cơm cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội. Mỗi suất ăn trị giá 25.000 đồng, trung bình mỗi ngày từ 500-600 suất và tuỳ tình hình thực tế có thể tăng suất hàng ngày hoặc trao các gói thực phẩm cho một số người khó khăn có điều kiện tự nấu ăn. Các tình nguyện viên đã đi xe máy mang theo những suất ăn nghĩa tình này đến các khu vực gần Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba, Bệnh viện Bạch Mai… để trao tận tay cho bệnh nhân, người vô gia cư, người bán hàng rong mất việc. Một nhóm khác tìm đến những người nhặt ve chai, người lao động, công nhân ở Long Biên, Phúc Tân, Chương Dương, Vĩnh Hưng… Nhận được những suất ăn nóng hổi và chất lượng của những người không quen biết bằng thái độ trân trọng và chia sẻ, tất cả đều nao nao cảm động.

Tại xóm chạy thận (phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng), tình yêu thương của các mạnh thường quân vẫn thường xuyên được gửi đến cho các bệnh nhân kém may mắn trong thời gian dịch bệnh Covid- 19. Những phần quà tuy nhỏ, lúc là vài chiếc khẩu trang, dăm ba quả trứng và đôi cân gạo nhưng quý giá biết bao nhiêu, là món quà tinh thần giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 3

 

Giữa hàng ngàn bông hoa việc tốt trong đại dịch, nhiều người nhớ đến tấm lòng của bà Nguyễn Thị Thành (50 tuổi, chủ quán ngan trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa). Xuất phát từ tình thương với những người không có thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid- 19, mặc dù trong thời gian dịch bệnh, cửa hàng liên tục phải đóng cửa, thu nhập giảm đến 70% nhưng bà Thành vẫn nghĩ đến phát tâm làm từ thiện bằng việc thông báo hỗ trợ gạo, tiền mặt cho người nghèo, công khai số điện thoại lên trang Facebook cá nhân để nhiều người biết và đến nhận hỗ trợ. Ban đầu bà định làm từ thiện với 50 suất quà nhưng sau số người đến nhận hỗ trợ ngày càng đông và với những hoàn cảnh khó khăn như vậy, bà không thể từ chối nên số người được bà hỗ trợ lên đến con số gần 500.

“Tôi rất vui vì thấy trên đời này vẫn có những sự thương cảm từ người xa lạ. Món quà gạo và tiền giúp tôi giải quyết nhiều việc trong lúc khó khăn”- một người nhận hỗ trợ của bà Thành đã nói lên lời cảm ơn với người phụ nữ giàu lòng nhân hậu đó.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 4

 

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 5

 

Ấm áp, cảm động là những cảm xúc của cư dân tòa J- ParkView Residence (Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận hôm nay- khi cuộc sống của họ theo một nghĩa nào đó đã trở lại trạng thái bình thường. Nếu không có “gian nan” ấy, sẽ khó có thể hình dung sự đùm bọc, thương yêu của cư dân dành cho nhau và tình cảm đó được ví như thành trì vững chãi để mỗi người trong số họ không lo sợ, không hoang mang khi tòa nhà bất ngờ bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 được phát hiện qua sàng lọc.

Những ngày cư dân không được ra khỏi nhà, đều đặn nhu yếu phẩm, rau xanh, thịt cá, hoa quả… đã được cư dân ở các tòa bên cạnh gửi tặng; thông qua lực lượng tình nguyện và tổ phòng chống Covid- 19 phân chia, đóng gói, ghi tên và mang lên tận nơi, bấm chuông gọi cửa để chủ nhà ra lấy. Tình yêu thương, sự quan tâm của cư dân dành cho nhau cùng lời động viên “rồi tất cả sẽ ổn thôi” là điều đọng lại trong tâm trí của tất cả mọi người để nhắc nhau sẽ mãi vun đắp, gìn giữ mối tình cảm tốt đẹp.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 6

 

Tại nhiều chốt trực của lực lượng chức năng trong những ngày giãn cách, sự sẻ chia luôn là đốm lửa sáng, là lời động viên để họ cống hiến hết mình, làm tròn trách nhiệm trong đảm bảo bình yên, an toàn cho Thủ đô. Góp một phần trong số đó là các bữa ăn (sáng, trưa, tối) của chị em phụ nữ các đơn vị, địa bàn gửi tặng. Hội phụ nữ huyện Gia Lâm, Hà Nội nhiều ngày qua đã quen với việc tiếp nước mát hàng ngày cho 182 chốt trực của TP, huyện và các xã, thị trấn lập nên. Bên cạnh nước uống, chị em phụ nữ huyện Gia Lâm còn hỗ trợ bữa ăn sáng cho khoảng 50 chốt và một số xã, thị trấn cũng đảm nhận nấu ăn hàng ngày cho các chốt trực của địa phương. Việc làm này cũng trở thành thường xuyên của các chị em phụ nữ ở hầu khắp 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô trong những ngày qua.

Tình cảm ấm cúng, chân tình và trong sáng của người dân Thủ đô dành tặng nhau trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết đã củng cố mối đoàn kết, thân ái, giúp đỡ giữa người với người. Giá trị tinh thần bền vững trong hoạn nạn càng tỏa sáng hơn, trở thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp mỗi người dân thêm vững vàng, gắn kết, cùng nhau vượt qua dịch bệnh để trở thành những người chiến thắng…

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 7

 

Giữa giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 hiểm nguy, trái tim người Hà Nội chưa bao giờ nguôi day dứt khi nhìn ra nhiều tỉnh bạn - những nơi dịch bệnh đang phức tạp khôn cùng. Với quan điểm sống chân tình “cho đi là còn mãi”, người dân Thủ đô đã, đang và sẽ có những nghĩa cử tuy giản đơn nhưng ý nghĩa.

Tại Hải Dương vào đầu tháng 2/2021, khi tỉnh này có hơn 4.000 hecta rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch thì những người nông dân Hải Dương khắc khổ đứng giữa cánh đồng rau ôm mặt khóc vì tuyệt vọng bởi sau chuỗi ngày dầu mưa dãi nắng, đến mùa thu hoạch thì đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được. Không để bà con nông dân Hải Dương lâm vào cảnh khốn cùng, nhiều tổ chức, cá nhân tại Hà Nội đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay "giải cứu" nông sản giúp bà con. Nhiều điểm bán nông sản Hải Dương được dựng lên ở nhiều ngõ ngách, xã, phường Hà Nội.

Hết mùa rau lại sang mùa ổi. Những trái ổi to, tròn, ngọt- là niềm tự hào của vùng đất Hải Dương, trong mùa dịch bệnh, nó lại mang theo bao tâm tư của người dân nơi đây. Hàng trăm hecta ổi đến mùa thu hoạch không thể mang bán vì dịch bệnh ngăn cách. Chiến dịch giải cứu ổi Hải Dương lại được người dân Hà Nội kết nối và đẩy mạnh. Ổi được mang đến khắp các chợ đầu mối, các tòa chung cư và nơi nào cũng thấy người dân nhiệt tình mua ủng hộ. Ngoài cá nhân, sự đóng góp của các tổ chức thật sự đã mang giá trị kết nối tinh thần to lớn giữa Hà Nội và bà con nông dân Hải Dương. Trong số đó, Thành đoàn là một trong những tổ chức có nhiều hoạt động thiết thực và mạnh mẽ trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương.

Khi Bắc Giang trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh Covid- 19 bởi nhiều ca mắc mới liên tiếp được phát hiện ở các địa bàn và khu công nghiệp, 2 bệnh viện dã chiến được thành lập tại nơi đây. Lực lượng y tế địa phương quá tải, dịch bệnh lây lan mạnh nên nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã tổ chức các đoàn tình nguyện lao vào tâm dịch để cùng chung tay cứu giúp người dân và công nhân Bắc Giang.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 8

 

Là 1 trong số gần 100 bác sĩ Bệnh viện 198- Bộ Công an tình nguyện đợt 2 về Bắc Giang, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Điệp Linh kể lại: Ở giai đoạn đó, dù con cái còn nhỏ và nhiều việc gia đình phải bộn bề lo toan nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Bắc Giang, chị và các đồng nghiệp đã gác tất cả để lên đường.

Đầu tháng 7/2021, khi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam “nóng rực” vì dịch bệnh bùng phát, rất nhiều đoàn cán bộ, y bác sĩ, tình nguyện viên của các bệnh viên, cơ sở đào tạo y dược ở Hà Nội đã lên đường viện trợ. Trong đó có nhiều sinh viên là người con của Hà Nội. Và sáng 5/8/2021, 300 chiến sĩ áo trắng của bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh Covid-19 tại xã Bình Tân, huyện Bình Chánh để tiếp sức cho đồng bào miền Nam chống dịch; trong số đó có rất nhiều người trẻ, đang nuôi con nhỏ và có gia đình cả hai vợ chồng cùng xung phong lên đường.

Tinh thần sẻ chia của những người con Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh Covid là sự vô tư, không toan tính, thậm chí là hy sinh đến quên bản thân mình. Không chỉ là hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương, Bắc Giang; không chỉ lao vào điểm nóng, vào tâm dịch mà nét đẹp sẻ chia còn được nhen lên cho các em nhỏ- khi có những học sinh mới ở bậc tiểu học đã biết mang hết số tiền tiết kiệm của mình để gửi tặng nhân dân vùng dịch; là những đợt kêu gọi, ủng hộ nghĩa tình của các cơ quan, đoàn thể, của các tổ dân phố, khu dân cư, mỗi người góp chút nhỏ bé để giúp đỡ nhân dân vùng dịch. Tình yêu thương đó được vun đắp qua các thế hệ, để sự sẻ chia, tấm lòng nhân ái mãi trở thành một nét đẹp gần gũi mà tự hào của người dân Thủ đô.

 

Bài 4: Những đốm lửa sưởi ấm lòng người - Ảnh 9

 

08:30 08/12/2021