Ngay sau khi Thanh tra TP Hà Nội công bố 2 thông báo kết luận hồi giữa tháng 3/2019, Huyện ủy - UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập 3 tổ công tác tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn và phòng ban liên quan, tiến hành kiểm điểm theo chỉ đạo của cơ quan chức năng TP. Đến nay, các đoàn công tác đã làm việc và hoàn thành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với lãnh đạo 9 xã có rừng và 5 chi bộ phòng ban có liên quan.
Cụ thể, 9 xã phải thực hiện kiểm điểm gồm: Minh Trí, Minh Phú, Hiền Ninh, Quang Tiến, Tân Minh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Tiên Dược. 5 chi bộ phòng ban gồm: Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Phòng TN&MT, Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Phòng Quản lý đô thị. Hiện, chỉ còn 1 đơn vị có liên quan chưa tiến hành kiểm điểm là Văn phòng đăng ký đất nhà Hà Nội - chi nhánh Sóc Sơn.
Trên cơ sở rà soát, phân loại trách nhiệm, đã có tổng số 347 lượt cán bộ, công chức phải kiểm điểm. Trong đó, cấp huyện là 131 lượt và cấp xã là 216 lượt. Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, các hội nghị kiểm điểm được tổ chức công khai, dân chủ theo đúng trình tự quy định. Các ý kiến đề nghị xem xét hình thức xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân được lấy biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Hiện, địa phương đang thành lập hội đồng kỷ luật để tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật (nếu có) đối với những cán bộ, công chức có vi phạm.
Trước đó, trong các Thông báo kết luận số 1083 và 1113 công bố hồi tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội xác định tại 7 xã (Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) có 219 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất rừng sau năm 2008, tức là sau thời điểm UBND TP Hà Nội công bố Quyết định số 2100/QĐ-UBND về Quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn. Tương tự, tại hai xã Minh Phú và Minh Trí cũng có tới 688 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ. Trong đó, riêng xã Minh Trí có 524 trường hợp.
Theo đó, Thanh tra TP Hà Nội xác định, lãnh đạo UBND 9 xã nêu trên và các phòng ban liên quan đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự xây dựng theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ, và Điều 7, Điều 31 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ.
Bên cạnh đó là vi phạm trong cấp phép, chứng thực việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng nằm trong quy hoạch theo quy định tại Điều 12 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, và Điều 9, Điều 35 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ.