>>> Bài 1: Còn đó... những nỗi lo
>>> Bài 2: Thiếu mặt bằng sạch, dự án xử lý rác thải đi vào bế tắc
>>> Bài 3: Dự án cấp bách cũng… lỡ hẹn
>>> Bài 4: Phát triển hạ tầng vẫn nhiều khó khăn
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh: Cần sự thay đổi đến từ cơ chế
Việc quản lý, vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án những năm qua gặp nhiều khó khăn do thay đổi về cơ chế chính sách. Nhiều tính huống phức tạp phát sinh làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án và quản lý, vận hành bãi rác Nam Sơn.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý, vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi và ban hành Luật Đất đai phù hợp thực tiễn; có chính sách đặc thù cho các dự án quy mô và diện tích giải phóng mặt bằng lớn và số lượng hộ dân chịu ảnh hưởng nhiều.
HĐND TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn III). UBND TP Hà Nội đôn đốc chủ đầu tư sớm đưa vào vận hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn để giảm tải lượng rác phát sinh chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, Sở TN&MT, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND huyện giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành và tiếp nhận rác; tăng cường công tác xử lý nước rỉ rác.
Sở GTVT loại bỏ các phương tiện vận chuyển rác thải không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, Sở Y tế nghiên cứu báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân ven đường 35 thuộc 3 xã vùng ảnh hưởng môi trường.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong: Ban hành phương thức phân loại rác thải phù hợp với công nghệ xử lý
Để tiếp tục vận hành chôn lấp rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Sở Xây dựng đề xuất Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, quy trình kỹ thuật trong việc thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý, tái chế… chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ban hành hướng dẫn cụ thể phương thức phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với các công nghệ xử lý áp dụng, có thể thực hiện tùy theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với phân luồng chất thải sinh hoạt về các nhà máy.
Cùng với đó, Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT hướng dẫn đối với hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt về thời điểm ký hợp đồng, thời gian ký kết, việc xây dựng giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo việc kêu gọi, thu hút đầu tư đối với những dự án công suất lớn, sử dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài có thu hồi năng lượng để phát điện, thời gian hoạt động và vận hành hơn 30 năm.
Ngoài ra, có hướng dẫn và phân cấp cho UBND TP Hà Nội trong việc rà soát điều chỉnh cục bộ Quy hoạch hoặc cập nhật song song với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh, quy hoạch chung của TP để có thể kịp thời triển khai ngay một số dự án xử lý chất thải rắn có vị trí phù hợp quy hoạch nhưng cần thiết thực hiện nâng cấp công nghệ, công suất, phạm vi phục vụ để giải quyết bức xúc môi trường, khủng hoảng rác thải.
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội: Sớm đấu thầu thực hiện xử lý nước rác
Để đảm bảo an ninh, an toàn vận hành khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đề nghị các đơn vị có liên quan thực hiện đấu thầu các gói thầu xử lý nước rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để giảm tải lượng nước rác đang tồn đọng tại bãi nhằm đảm bảo VSMT.
Có kế hoạch vận hành dài hạn trong trường hợp nhà máy đốt rác phát điện Thiên ý tiếp tục không thể hoạt động theo đúng tiến độ, có phương án dự phòng trong trường hợp nhà máy gặp sự cố không thể vận hành.
Đồng thời, nghiên cứu đầu tư 1 khu xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày tại vùng II (phía Nam) bằng công nghệ tái chế và đốt công nghệ trong nước nhằm giảm chi phí vận chuyển rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.
PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng): Hạn chế tối đa những hệ lụy đối với môi trường
Từ trước đến nay, công tác đảm bảo an toàn của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn luôn là một vấn đề "nóng" gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, vấn đề lớn nhất chính là những hệ lụy phát sinh trong quá trình xử lý rác, nước rỉ rác… của một bãi rác luôn trong tình trạng quá tải.
Được biết, Hà Nội đang tính đến phương án triển khai giai đoạn III của bãi rác Nam Sơn để nâng tổng diện tích của bãi lên 280ha vào năm 2050. Căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra tại bãi rác Nam Sơn trong suốt thời gian qua, có thể nói đây là biện pháp tình thế, cực chẳng đã để đảm bảo vệ sinh môi trường của TP. Song, để biện pháp trên đem lại hiệu quả bền vững, tránh đi vào “vết xe đổ” tại bãi rác Nam Sơn trong những giai đoạn trước, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về đảm bảo VSMT tại bãi, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Cùng đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ phân loại rác tại nguồn để tạ điều kiện cho việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rác theo hướng hiện đại, ưu tiên các biện pháp biến rác thành tài nguyên và coi đây là hướng đi chính, thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống.