Hà Nội xanh, sạch, đẹp đúng như danh hiệu “Thành phố Xanh”, “Thành phố vì hòa bình” thì việc người dân và chính quyền chung tay bảo vệ môi trường sống của mình, tạo dựng những không gian văn hóa cộng đồng thiết thực là điều cần phải làm. Tuy nhiên nỗ lực “xanh hóa” các công viên, tạo bản sắc văn hiến, sáng tạo trong hoạt động và phù hợp với xu hướng mới của thế giới thì theo các chuyên gia Hà Nội cần phải có chiến lược riêng, gấp rút thực hiện ngay từ bây giờ.
Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề như nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc của Thủ đô. “Hà Nội đang vươn lên với khí thế mới của một Thành phố Sáng tạo, Thành phố vì hòa bình nên hơn lúc nào hết tư tưởng đó phải được thể hiện trong xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa của Thủ đô, góp phần nâng cao môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho Nhân dân trong thời kỳ phát triển mới”. Đó là ý kiến chia sẻ của KTS Phạm Thanh Tùng khi trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề tìm giải pháp phát triển không gian văn hóa công viên cho Hà Nội.
Từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội vẫn rất thiếu công viên quy mô phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Theo quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ điều hòa đến 2030 đã được lãnh đạo TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2014 thì khu vực nội đô có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo và 7 khu công viên đặc thù.
Đã gần 20 năm trôi qua, dù Hà Nội đã rất quan tâm triển khai nhiều dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa, song trên thực tế rất ít dự án được thực hiện còn lại hầu hết là nằm trên... bản vẽ. Trong khi đó với thời gian gần 20 năm đó, diện mạo kinh tế, đô thị Hà Nội không ngừng thay đổi.
Hàng trăm dự án bất động sản với các chung cư cao vài chục tầng mọc lên cùng với tốc độ tăng dân số trung bình là 200.000 dân/năm càng làm cho môi trường sống thêm bí bách ngột ngạt. Cùng với đó, tình trạng hay điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn vốn đầu tư… Tất cả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ thống công viên của Hà Nội đã thiếu lại còn xuống cấp như hiện nay.
Đối với những dự án công viên chậm triển khai, cần có hành lang pháp lý, chế tài xử lý như thế nào để quy hoạch luôn được bảo đảm, thưa ông?
Bên cạnh số ít công viên được thành hình, một số công viên, dự án công viên do các DN lớn đầu tư cũng rất trì trệ trong triển khai. Như Công viên Đống Đa có quy hoạch từ năm 1998 đến nay vẫn còn hoang hóa. Hay Công viên Hello kitty trên khu đất vàng sát Hồ Tây (quận Tây Hồ), Công viên Kim Quy ở huyện Đông Anh đã “treo” từ nhiều năm nay, Công viên Bắc Linh Đàm là nơi chứa rác thải...
Còn các công viên trung tâm như Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi trẻ thì ngày càng xuống cấp, diện mạo nhếch nhác và không an toàn. Đó là thực trạng đáng buồn gây lãng phí nguồn lực đất đai và hơn nữa là làm mất niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục thực trạng đã kéo dài hai thập niên qua, theo tôi, Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề như nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc của Thủ đô. Cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để xử lý những vi phạm đang tồn tại, kiên quyết thu hồi và có chế tài (phạt tiền) với những dự án đã được duyệt nhưng chậm hoặc không triển khai.
Theo ông, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình công viên cây xanh có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Nếu nguồn lực của Hà Nội hạn chế thì nên tập trung đầu tư có trọng điểm cải tạo các công viên trung tâm ở nội đô, kể cả vườn hoa nhỏ đã có. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp lý thu hút đầu tư nhằm đảm bảo được diện tích công viên, cây xanh được xây dựng theo đúng quy hoạch, đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư; đồng thời phải tăng cường quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, các quy định về quản lý công trình văn hoá công cộng, trong đó có công viên đã được nêu rõ trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội chưa quản lý được việc triệt để. Vì vậy, Hà Nội vẫn còn thiếu các công trình văn hoá, vui chơi giải trí cho các đối tượng từ người lớn đến trẻ em. Hà Nội phải tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này, đặc biệt là sớm có quy hoạch khu vực ngoại thành, đừng để huyện lên quận rồi mới thấy thiếu đất làm công viên.
Bà đánh giá thế nào về hiện trạng quản lý công viên ở Hà Nội hiện nay? Theo bà các cơ quan quản lý đã tuân thủ các quy định đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng chưa?
Trước thực trạng đó, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021- 2025. Mặt khác, TP Hà Nội đang triển khai dỡ bỏ các hàng rào bao quanh khuôn viên công viên nhằm tạo sự thuận tiện, thân thiện hơn cho người dân tiếp cận không gian này.
Tôi cho rằng, đây là những chủ trương, chính sách rất kịp thời để phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Bởi Hà Nội là Thủ đô văn hiến – văn minh - hiện đại; trung tâm văn hoá – chính trị của cả nước.
Tuy nhiên phải nhìn nhận hiện nay không ít khu đô thị mới mọc lên nhưng chưa được chú trọng hạ tầng, không gian công cộng, dẫn tới cư dân sống trong môi trường chật hẹp. Bên cạnh đó, nhiều nơi cũng được xây dựng công viên nhưng lại sử dụng không có hiệu quả.
Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa nhưng phần lớn đều nằm ở khu vực trung tâm TP. Theo bà, Hà Nội cần làm những gì để đảm bảo tỷ lệ diện tích công viên, khu vườn hoa cho cộng đồng ở khu vực ngoại thành tiệm cận với chỉ số chung của thế giới?
Trước đây, huyện ngoại thành có nhiều đất, không gian rộng nhưng chúng ta chưa quan tâm đến việc phát triển công viên, vườn hoa. Hiện nay, các huyện ngoại thành đang chuẩn bị lên quận, các xã chuẩn bị lên phường vì vậy, diện tích đất ngày càng hạn hẹp. Do đó, tôi mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội hãy chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tiến hành rà soát để đánh giá về tỷ lệ công viên, không gian vui chơi giải trí đã đáp ứng đủ bình quân đầu người theo các quy định hay chưa. Nếu chưa đạt, các huyện cần dành thời gian, xây dựng quy hoạch, bố trí diện tích đất để xây dựng các công viên nếu không sẽ quá muộn.
Chúng ta muốn cuộc sống lành mạnh, chất lượng nguồn nhân lực cao, trẻ em phát triển tốt, bền vững, yếu tố không gian vui chơi, giải trí lành mạnh rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi những thói quen xấu, mà nguyên nhân một phần xuất phát từ việc không có không gian vui chơi cho Nhân dân.
Hà Nội cần phải thực hiện các giải pháp gì để công tác quản lý và duy trì công viên được hiệu quả, đặc biệt các quy định về đầu tư xây dựng, tránh tình trạng lúc lập dự án thì có công viên, nhưng khi làm thực tế thì nhà xây bán xong, công viên vẫn để treo?
Trước hết, trong quá trình chỉ đạo, cấp phép cho chủ đầu tư xây dựng, TP Hà Nội, sở, ngành, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét kỹ không gian công cộng dành cho Nhân dân, trong đó có công viên, vườn hoa.
Các cơ quan có thẩm quyền phải giám sát chặt chẽ công tác thi công dự án để việc xây dựng không gian công cộng đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong quá trình giám sát, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra những sai phạm, không đúng với thủ tục cấp phép, bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật, cần phải công khai danh tính dự án, chủ đầu tư để tăng tính răn đe. Bởi thực tế, nhiều dự án khi xin cấp phép, quy hoạt rất hấp dẫn với người dân, có nhiều công viên, vườn hoa, thiết chế văn hoá nhưng khi thực hiện lại không tuân thủ, hoặc sai quy hoạch.
Xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư không thực hiện các nội dung xây dựng công viên, không gian công cộng cho người dân theo hồ sơ xin cấp phép sẽ là giải pháp hữu hiệu để tránh những vi phạm tái diễn. Bởi đó không chỉ là cam kết của chủ đầu tư với chính quyền Thủ đô mà còn là cam kết với Nhân dân.
Là một trong những người tái thiết các nơi tập kết rác biến đổi thành không gian sinh hoạt cho cộng đồng, hoặc tạo lập không gian công viên rất riêng dành cho thú cưng nằm trong công viên Yên Sở…, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cùng các cộng sự đã tạo ra tiện ích cộng đồng hoàn toàn miễn phí, phù hợp với xu hướng của người dân đô thị. Theo ông Đạt, đã đến lúc việc thiết kế, vận hành, sử dụng công viên ở Hà Nội cần tiếp cận cách vận hành mới của thế giới – lấy ý kiến của cộng đồng dân cư làm trung tâm.
Hà Nội đang tích cực xây dựng công viên mới để cải thiện tỉ lệ công viên theo đầu người. Từ khía cạnh một người làm tư vấn thiết kế công viên theo xu hướng mới ông đánh giá về hoạt động của công viên ở Hà Nội như thế nào?
Tôi thấy rằng, công viên chưa thân thiện, chủ yếu là nơi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao. Hiện nay, công viên chỉ có những đường dạo, vườn hoa, mặt cỏ và mặt nước hầu như không được sử dụng. Diện tích mặt nước hầu hết được kè bê tông, không thân thiện với môi trường, không khuyến khích con người sử dụng, tham gia các hoạt động thể theo mặt nước. Điều này làm giảm sức hút của công viên.
Cụ thể, công viên thiết kế kiểu cũ thường cấm giẫm chân lên bãi cỏ nên tạo thành sự ngăn cách, diện tích sử dụng của công viên chỉ là đường dạo (chạy, đi bộ, đi xe đạp). Vì vậy, một diện tích lớn, bị bỏ phí. Tôi cho rằng, tư duy về cỏ trong công viên đang bị hiểu sai.
Tại Hà Nội, Công viên Yên Sở là nơi duy nhất khuyến khích người dân sử dụng bãi cỏ. Chúng ta thấy rằng, công viên này không cần bất kỳ hoạt động dịch vụ cần phải có âm thanh, màu sắc, chỉ cần một bãi cỏ lớn, người dân có thể cắm trại nên đã thu hút nhiều gia đình, học sinh, sinh viên các lứa tuổi đến vui chơi. Công viên Yên Sở là điển hình trong mô hình công viên đã áp dụng ở Malaysia, Singapore và nhiều nước hiểu giá trị bãi cỏ.
Ở công viên, chúng ta hay nghĩ đến các hoạt động giải trí có thu phí (5% đất dịch vụ trong công viên) nhưng những hoạt động giải trí đó thường không đạt tiêu chuẩn về an toàn và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu một bộ phận người dân trong không gian công cộng.
Việc Hà Nội bỏ đi hàng rào tại Công viên Thống Nhất là nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng để đạt được hiệu quả, sau khi dỡ hàng ràng cần có những thiết kế bổ sung. Ngoài hàng rào, công viên cần có đường đi dành cho xe lăn; xe nôi dành cho gia đình có con nhỏ… để đảm bảo tính hoà nhập. Bởi không gian công cộng cần dành cho tất cả mọi người, nhưng ở Hà Nội tính hoà nhập của không gian công cộng chưa được chú ý.
Để duy trì hoạt động của công viên cần có kinh phí? Theo ông, làm cách nào để công viên tự có thể duy trì hoạt động mà không cần bán vé?
Công viên cần được thiết kế, vận hành, quản lý có sự tham gia của cộng đồng. Ví dụ công viên bờ vở sông Hồng, chính người dân tham gia quản lý, bảo trì, thậm chí là đầu tư, nâng cấp. Do đó, việc vận hành, duy trì công viên đó rất tiết kiệm.
Khi người dân cảm thấy mình là người sở hữu không gian thì chính họ sẽ là người bảo vệ. Công viên sẽ bớt đi sự phá hoại, hạn chế tệ nạn bớt đi, không cần đầu tư nhiều vào việc bảo vệ. Thậm chí hoạt động bảo vệ chỉ là qua camera, vận hành bằng điện năng lượng mặt trời. Hoàn toàn có giải pháp giảm thiểu chi phí không cần thiết trong vận hành một công viên.
Mặt khác, tôi cho rằng đơn vị quản lý không nên tìm cách “xẻ thịt” công viên để tăng số % sử dụng đất dịch vụ để tăng nguồn thu, bao biện rằng thiếu ngân sách. Để thay đổi không dễ dàng nhưng hoàn toàn có giải pháp từ thay đổi thiết kế - tạo thay đổi một cách bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn!
12:29 10/08/2023