Bãi bỏ sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống đê sông Hồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 04/201/NĐ-CP, thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống đê sông Hồng.

KTĐT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 04/201/NĐ-CP, thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống đê sông Hồng.

 

Theo đó, bãi bỏ việc sử dụng các khu chậm lũ Tam Thanh thuộc tỉnh Phú Thọ, Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Lương Phú-Quảng Oai, Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội và hệ thống phân lũ sông Đáy kể từ khi công trình Thủy điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du.

 

Nghị định nêu rõ, các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng phải được điều chỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng theo quy hoạch phòng, chống lũ phù hợp với quy định.

 

Để thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ, sẽ sử dụng công trình thủy điện Sơn La, phối hợp với các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết liên hồ cắt lũ cho hạ du.

 

Cùng với các giải pháp trên, các giải pháp khác được Chính phủ thông qua tại Nghị định là việc quy hoạch xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê sông Đáy, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy; bảo đảm sông Đáy thoát được lưu lượng nước tối đa 2.500 m3/giây để dự phòng khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội.

 

Nghị định cũng đề cập đến việc củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông Hồng-sông Thái Bình, đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú-Quảng Oai, Ba Vì đạt tiêu chuẩn thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khu được chọn làm khu phân lũ, chậm lũ là những vùng trước đây còn khó khăn, ít dân cư. Tuy nhiên đến nay các vùng này đã tương đối đông dân, kinh tế ngày càng phát triển. Vì thế, việc tiếp tục phân lũ vào những khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tác động xấu đến môi trường. Bởi vậy, Nghị định mới sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn phòng lũ theo quy định và có tính đến dự phòng cho tình huống lũ lớn. Chính sách này cũng sẽ tác động tích cực về mặt xã hội đối với các vùng có phân khu chậm lũ trước đây nay không bị ngập lụt do phân chậm lũ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực.

 

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3 tới, thay thế Nghị định 62/1999/NĐ-CP.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần