Hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng - gạch nối đến tương lai

Bài cuối: Cần chính sách và tư duy mới

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hoàn thiện hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, góp thêm động lực cho Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, cần song hành đổi mới tư duy kiến tạo và khơi nguồn từ chính sách.

Các chuyên gia cho rằng, đây chính là động lực quan trọng giúp Thủ đô phát triển bền vững trong tương lai.

>>> Bài 1: Những mảnh ghép chiến lược

>>> Bài 2: Những khoảng trống chưa thể lấp đầy

Cầu Đông Trù. Ảnh: Bình An  
Cầu Đông Trù. Ảnh: Bình An  

Phân loại đầu tư

Một trong những khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và phát triển hệ thống cầu vượt sông Hồng nói riêng là thiếu vốn. Mỗi cây cầu muốn thành hình cần hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách TP còn rất khó khăn.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: “Phân loại, phân kỳ đầu tư là giải pháp tốt nhất. Nhưng muốn làm được như vậy cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách”. Ông Phan Trường Thành phân tích, để xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch, Hà Nội cần đến cả trăm nghìn tỷ đồng, một con số quá lớn, chỉ ngân sách sẽ không thể đáp ứng nổi, phương án khả thi nhất là phân loại đầu tư.

Với những cây cầu trên các tuyến vành đai, nằm ngoài đô thị trung tâm như: Thượng Cát, Hồng Hà, Mễ Sở… nên kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư, loại hình BOT. Với vai trò là gạch nối trên các tuyến vành đai liên tỉnh, không đi xuyên tâm TP, phục vụ một lượng lớn phương tiện cả trong và ngoài TP, đầu tư xây dựng rồi thu phí hoàn vốn là hợp lý và có thể thu hút nguồn vốn xã hội.

Còn những cây cầu bên trong vành đai, hoặc trên những tuyến vành đai xuyên tâm, nên sử dụng ngân sách. “Tuy nhiên cần phân kỳ chi tiết, dự án nào cần hơn, hiệu quả hơn thì đầu tư trước, làm rốt ráo để đưa vào khai thác nhanh nhất có thể” - ông Phan Trường Thành nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút đầu tư xã hội cho các hạng mục cầu vượt sông Hồng, cần một hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đầy đủ, chi tiết và quan trọng hơn cả là ổn định. Chính sách ít càng ít thay đổi càng tạo nên sự yên tâm cho nhà đầu tư. Mặt khác, những vấn đề cố hữu trong triển khai các dự án hạ tầng cũng cần được giải quyết triệt để bằng khung chính sách phù hợp với hiện thực.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chia sẻ: “Một trong những vấn đề lớn nhất của Hà Nội trong đầu tư xây dựng hạ tầng là vướng mắc GPMB. Cần tách hẳn công đoạn này ra khỏi các dự án”.

Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình giao thông trong đó các cầu vượt sông của Hà Nội bế tắc tại khâu GPMB. Để đảm bảo tiến độ xây dựng, cần tách GPMB thành các dự án riêng, giao địa phương thực hiện. “Khi bàn giao cho nhà đầu tư phải là mặt bằng sạch để làm cuốn chiếu, đến đâu gọn đến đó như cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hiện đang thi công rất nhanh nhờ có mặt bằng sạch” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.

Tất cả những khó khăn, vướng mắc về vốn, mặt bằng… đều cần được nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết dứt điểm. Muốn làm được như vậy cần có cơ chế, chính sách linh hoạt. Hà Nội rất đặc biệt, mang trong mình hai sứ mệnh: Vừa là đại đô thị, vừa là Thủ đô. Bởi vậy, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét, "đầu tư" một hành lang cơ chế, chính sách, đặc thù, linh hoạt hơn nữa, tạo nên sức bật cho TP bứt phá khỏi những bất cập, khó khăn cố hữu đã tồn tại nhiều năm qua.

Kiến tạo không gian đô thị

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đã có điều kiện về kinh tế hơn, nên việc xây dựng cầu không chỉ chú trọng vào công năng, độ bền mà còn phải đặt ra yêu cầu cao về tính thẩm mỹ. Hà Nội cần có những cây cầu mang tính biểu tượng về kiến trúc, thấm đẫm văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến”.

Thực vậy, trong số 8 cây cầu lớn và hàng loạt cầu nhỏ vượt sông Hồng đã được đưa vào sử dụng hiện nay, không một cầu nào thể hiện rõ nét tính thẩm mỹ, đáng được coi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là một thiếu sót trong quá trình hình thành những gạch nối đến tương lai của Thủ đô.

Vừa qua, Hà Nội đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Cuộc thi đã thu hút được 20 đồ án của 12 đơn vị tham gia, điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của xã hội với những cây cầu vượt sông Hồng mang tầm chiến lược. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chia sẻ, bên cạnh yếu tố về văn hóa, thẩm mỹ, mỗi cây cầu vượt sông Hồng cần đáp ứng các điều kiện như: Cấu trúc giao thông phải được thiết kế phù hợp với thực tiễn, có chức năng giảm tải cho các cây cầu hiện có, tạo sự kết nối với trung tâm TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Bắc sông Hồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy “cầu chỉ để vượt sông” đã không còn phù hợp với Hà Nội hiện đại nữa. Mỗi cây cầu phải thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến; hơn nữa còn có thể hướng tới các giá trị kinh tế - xã hội thiết thực. Những ý tưởng như biến cầu vượt sông Hồng thành điểm tham quan du lịch, hay một nền tảng để khai thác kinh tế giao thông cần được xem xét nghiêm túc, cụ thể.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích, hiện nay, các dự án mở đường, xây cầu, nếu phải GPMB đều cần chi phí rất lớn, nhưng giá trị thu lại từ đất đai dọc theo các công trình lại hầu như chưa được tính đến. “Khi mở đường, xây cầu, giá trị bất động sản ven các công trình đều tăng “phi mã”. Nhưng nguồn lợi này lại chưa được nắm bắt, sử dụng tái đầu tư cho chính hạ tầng giao thông. TP cần có nghiên cứu những chính sách cụ thể, vừa đảm bảo lợi ích cho người dân, vừa có thể khai thác một phần giá trị đó để đầu tư trở lại cho cầu, đường” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô, Hà Nội còn phải xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Thực tế, nhu cầu cấp thiết về giao thông, phát triển kinh tế - xã hội còn đòi hỏi TP phải hoàn thành các dự án này sớm hơn nữa. Hơn lúc nào hết, Hà Nội cần “khoản đầu tư” lớn về chính sách và một lối tư duy hiện đại, mạnh mẽ để hoàn thiện hệ thống cầu vượt, chắp cánh cho giấc mơ đô thị hoa lệ ven sông Hồng.

 

Mỗi cây cầu có thể xem xét thực tế thiết kế và không gian xung quanh. Nếu đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị có thể cho khai thác một số vị trí phù hợp để quảng bá bằng hình ảnh, tạo nên nguồn thu từ chính hạ tầng giao thông.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân