Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy thêm – học thêm: Quản thế nào cho trúng và đúng?

Bài cuối: Cân nhắc đưa dạy thêm học thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước tình trạng lộn xộn của hoạt động dạy thêm – học thêm, Bộ GD&ĐT thống nhất quan điểm đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý điều tiết hoạt động này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này vẫn cần cân nhắc kỹ.

Nhiều quan điểm trái chiều

Dạy thêm - học thêm xuất phát từ nhu cầu có thật trong xã hội và nhu cầu này càng ngày càng lớn trong bối cảnh giáo dục với nhiều áp lực thi cử, thiếu trường thiếu lớp như hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Hoạt động dạy thêm – học thêm vốn dĩ là chính đáng nhưng do có nhiều biến tướng, tiêu cực dẫn đến bị dư luận lên tiếng phản đối, thậm chí bị đưa thành “vấn nạn” xấu xí như: Ép học thêm, đi học thêm vì sợ giáo viên trù dập, giáo viên dạy “tủ” tại lớp học thêm, bớt xén kiến thức để dạy thêm…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Quốc hội về vấn đề dạy thêm - học thêm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Quốc hội về vấn đề dạy thêm - học thêm

Qua nhiều kỳ chất vấn tại Quốc hội, vấn đề dạy thêm - học thêm được các đại biểu quan tâm và đến phiên chất vấn Quốc hội vừa diễn ra, có đến 8 ý kiến đại biểu hỏi Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Các đại biểu mong muốn việc dạy thêm – học thêm phải thực sự lành mạnh, đúng quỹ đạo; từ đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cái khó trong quản lý dạy thêm - học thêm hiện nay các hoạt động dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường bởi còn đang thiếu cơ sở pháp lý để có thể điều tiết, giám sát, xử lý. Bộ trưởng cũng đồng tình khi đưa hoạt động này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) giải thích: Đưa dạy thêm – học thêm vào quy định để đảm bảo ngăn chặn/ngăn ngừa được những trường hợp diễn ra không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh.

Theo ông Thành, việc dạy thêm - học thêm không đúng nguyện vọng không chỉ tổn hao sức lực tiền bạc cho bản thân học sinh và cha mẹ học sinh mà thực sự nó là một sự tổn hao lãng phí nhiều nguồn lực của xã hội nói chung và cũng không góp phần giúp chất lượng giáo dục phổ thông được tốt hơn.

“Trước tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý. Khi đó, hoạt động này sẽ được quản lý bằng pháp luật”. Đây là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

Còn theo Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân, siết dạy thêm, học thêm là cần thiết nhưng cần hết sức cân nhắc và nên học hỏi, tham khảo các nước đi trước, từ đó rút ra kinh nghiệm cho từng bước đi của nước mình.

Là người có 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Marie Curie cho rằng không nên đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“…. Kể cả hoạt động “dạy thêm tràn lan” - một điều nhức nhối trong xã hội hiện nay cũng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội; không làm tổn hại nhiều đến đạo đức... Vì thế không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong Luật Đầu tư 2020” – ông Nguyễn Xuân Khang nói.

Giải pháp căn cơ

Về vấn đề dạy thêm – học thêm các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, cần nhiều giải pháp để quản lý tốt hoạt động này.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc dạy thêm, học thêm phải được tổ chức ở trong nhà trường, có các thầy cô giúp cho học sinh không chỉ những kiến thức mà còn phương pháp học, ý chí quyết tâm học, và tạo ra cho học sinh niềm vui học tập. Việc này không được thu tiền vì nó làm mất đi cái trong sáng, mà thể hiện hết trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô. Nhưng như thế không có nghĩa bắt giáo viên phải làm thêm mà không có bồi dưỡng. Vấn đề này, Nhà nước và mỗi nhà trường phải chấp nhận bỏ ra một khoản kinh phí để hỗ trợ các thầy cô dạy thêm.

Giảm áp lực thi cử là một trong những hình thức giảm dạy thêm - học thêm (Ảnh minh họa)
Giảm áp lực thi cử là một trong những hình thức giảm dạy thêm - học thêm (Ảnh minh họa)

Muốn giải quyết tình trạng lộn xộn trong dạy thêm - học thêm, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Đặng Tự Ân nêu quan điểm: Trước hết chúng ta vẫn phải kiên trì theo đuổi mục tiêu đổi mới giáo dục, đó là lấy trọng tâm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học là hướng đi cho các nhà trường.

Các kỳ thi học sinh giỏi ở THPT và THCS cần bỏ, đánh giá bài kiểm tra nên chỉ cần 3 mức mà không còn mức “vận dụng cao”. Tăng cường trải nghiệm cho học sinh, đổi mới cách dạy và cách học để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Nhà trường cần tăng cường quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng học tập thông qua trải nghiệm, qua học tập gắn với thực tế cuộc sống. Cùng với đó là việc đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là vùng khó khăn. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục, cải thiện chính sách tiền lương cho giáo viên để họ sống được bằng chính nghề dạy học.

"Muốn ngăn chặn dạy thêm ở khía cạnh tiêu cực, cần chăm lo để giáo viên có thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề; đồng thời tạo một môi trường để giáo viên được ghi nhận, khích lệ, đối xử tôn trọng và đúng với công sức, đóng góp của mỗi người", GS. TSKH Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam góp ý.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT đã và đang xử lý nhiều vấn đề như đổi mới quy định về kiểm tra đánh giá học sinh (gồm cả thường xuyên và định kỳ), đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Việc đổi mới kiểm tra, thi cử đều theo hướng đánh giá đúng và khích lệ thầy trò dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất chứ không phải chỉ thu nhận kiến thức thuần túy. Với yêu cầu mới này, việc luyện thi theo cách truyền thống trước đây sẽ dần không còn phù hợp.

Tại các thông tư quy định kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông đã có nhiều điều chỉnh, ghi nhận các hình thức đánh giá đa dạng, nhân văn, khích lệ học sinh tiến bộ. Khi việc này được làm tốt và có chuyển biến sâu ở các nhà trường, học sinh sẽ yên tâm với việc học ở trường, học qua hoạt động nhóm, qua dự án học tập, qua việc tự học hơn là chạy theo các lớp ôn luyện.

"Đây là quá trình không giúp chấm dứt ngay việc dạy thêm - học thêm tràn lan nhưng sẽ có tác động lớn đến động cơ học thêm của học sinh, phụ huynh", Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho biết.

Cùng về nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong mỏi, ngoài việc kiểm tra, giám sát của Bộ, sự phối hợp của chính quyền địa phương thì một điều quan trọng là phụ huynh học sinh cũng cần phối hợp với nhà trường, với ngành giáo dục để dạy thêm, học thêm được điều tiết và là một hoạt động thực sự lành mạnh.