Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau 7 năm thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử: Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bài cuối: Để Quy tắc ứng xử thấm vào từng người dân

Minh An - Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP và người dân phát huy hiệu quả cần có những đổi mới, lựa chọn từng đối tượng, cụ thể hóa thành những điều dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thấy, qua đó dễ thực hiện.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện QTƯX, thời gian qua, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi như “Nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền QTƯX nơi công cộng”; Cuộc thi “Vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”… Qua đó, các cuộc thi này góp phần khích lệ cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, văn minh.

Trong Cuộc thi “Vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”, nhiều tác phẩm đoạt giải được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa TP (phố Phùng Hưng, quận Hà Đông) đã gây bất ngờ với hầu hết khách tham quan. Trái với hình dung của mọi người về những tác phẩm mang tính “tuyên truyền”, “cổ động” thông thường, những tác phẩm tham gia cuộc thi chứa đựng ngôn ngữ tạo hình hết sức đa dạng; nhiều tác phẩm có cách thể hiện nội dung thú vị, dí dỏm và các gam màu đầy tươi sáng.

Điển hình như tác phẩm “Không chen lấn xô đẩy nơi tập trung đông người” thể hiện một “đám” người mà người đứng sau kéo áo người đứng trước, có người bị ngã dúi dụi vì chen lấn, phía trước là một quầy vé. Tác phẩm “Không chở hàng cồng kềnh” của tác giả Hồ Minh Thu lại thể hiện một chiếc xe buýt, cụm từ “chở hàng cồng kềnh” được “biến hóa” thành đống hàng chất lên nóc xe, trong khi đó, chữ “g” của từ “cồng” đang rơi xuống đầu một người đi bên cạnh.

Thành viên đội huyện Thanh Oai tham dự chung khảo Hội thi tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2023. Ảnh: Thư Ngọc
Thành viên đội huyện Thanh Oai tham dự chung khảo Hội thi tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2023. Ảnh: Thư Ngọc

Quách Minh Hùng - sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tác giả của tác phẩm “Hãy yêu thương và hết lòng giúp đỡ người khuyết tật - Sự tử tế dù nhỏ thế nào cũng không bao giờ lãng phí” chia sẻ: “Văn hóa ứng xử là một đề tài khó, làm thế nào để có cách biểu đạt gây ấn tượng với người xem thì ngoài việc phản ánh thông tin, cần tạo được cảm xúc cho tác phẩm. Em chọn thông điệp kêu gọi sự quan tâm chia sẻ dành cho người khuyết tật - những người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Em mong rằng tác phẩm của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào tuyên truyền giúp mọi người nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng”.

Về Hội thi "Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền QTƯX nơi công cộng” năm 2023, theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh - Trưởng ban Tổ chức cho biết, Hội thi được tổ chức nhằm đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP, góp phần đưa Quy tắc trở thành nền nếp trong đời sống. Qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, xây dựng TP văn minh, hiện đại. Đồng thời, qua hội thi, nhằm tạo sân chơi để các quận, huyện, thị xã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền QTƯX, đặc biệt là các mô hình đã, đang tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương.

Tại hội thi, các đội thi đến từ các quận, huyện đã đưa ra được nhiều giải pháp trong công trác tuyên truyền triển khai thực hiện QTƯX nơi công cộng. Những mô hình hay được phổ biến như: mô hình “Chợ văn minh sạch đẹp, an toàn, thực hiện tốt bộ QTƯX nơi công cộng”; “Di tích lịch sử văn hóa, điểm đến an toàn, văn minh, hấp dẫn”; “Trường học xanh, thân thiện, thanh lịch, văn minh thực hiện tốt QTƯX nơi công cộng”; “Chung cư văn hóa ứng xử lịch thiệp”; “Khu dân cư thân thiện với môi trường”; “Thôn, tổ dân phố an toàn, văn minh, sạch đẹp”…

 

Các địa phương nên lồng ghép nội dung QTƯX một cách linh hoạt các phong trào, cuộc vận động. Cần xây dựng các hình thức tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng cho phù hợp, quan tâm tới những nơi trọng điểm, dễ xảy ra bất cập như khu chợ, bến xe, vườn hoa…

Đối với công sở, cần duy trì định kỳ đánh giá, nêu gương cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện 2 QTƯX; phê bình thẳng thắn những hành vi, thái độ đi ngược lại chuẩn mực ứng xử.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng

Qua hơn 7 năm, bằng việc triển khai các hội thi, cuộc thi cho thấy việc triển khai, thực hiện QTƯX đã được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền triển khai thực hiện. Bộ QTƯX đã và đang được duy trì thành nền nếp, thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương, hướng đến mục tiêu làm sao để mỗi cá nhân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng người Hà Nội hào hoa - thanh lịch - nghĩa tình - văn minh.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành TP tiếp tục kiểm tra việc triển khai thực hiện 2 bộ QTƯX tại các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng chia sẻ, qua đợt kiểm tra này cho thấy, cơ bản trên địa bàn TP từ các trường học, bệnh viện, chợ, trụ sở của cơ quan xã, phường, xã, thị trấn, quận, huyện đã tổ chức niêm yết, quán triệt và tuyên truyền rất tốt 2 bộ QTƯX.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, để bộ QTƯX tiếp tục phát huy được giá trị, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao mỗi quy tắc ứng xử phải được thấm nhuần, được lan tỏa đến từng công dân Thủ đô; trở thành nếp sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, đánh giá, bình xét, từ đó, tôn vinh những hình ảnh đẹp của tập thể, cá nhân trong việc thực hiện tốt bộ QTƯX.

“Qua công tác kiểm tra, chúng tôi nhận thấy cần phải tăng cường các biện pháp xử lý đối với những đơn vị, cá nhân, tập thể thực hiện chưa tốt việc này. Đồng thời, cũng phải phê phán những hình ảnh, ứng xử chưa đẹp, chưa thực sự văn minh để thực hiện nguyên tắc “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”. Khi cái đẹp được lan tỏa, nhân rộng, phổ biến thì cái xấu sẽ bớt đi” - ông Bùi Minh Hoàng chia sẻ.

Mặt khác, để 2 bộ QTUX tiếp tục phát huy được hết hiệu quả, theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng, chúng ta phải biết lựa chọn đối tượng tác động. Đơn cử với đối tượng học sinh, sinh viên, không thể lúc nào cũng áp dụng trực quan, pano, áp phích được mà phải áp dụng cả Zalo, Facebook, những phương tiện và công nghệ thông tin để tiếp cận.

Tại các khu di tích, người đến thường lớn tuổi, trung niên, phải lựa chọn hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp. Bởi cuối cùng, hiệu quả mới là câu trả lời cho tất cả. QTƯX rất rộng nhưng chúng ta có thể gom lại thành những điều khoản rất cụ thể, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thấy để dễ thực hành. Từ đó, bộ QTƯX mới được lan tỏa, được thực hành một cách hiệu quả.

 

Việc thực hiện 2 QTƯX trên địa bàn TP thời gian qua đã có sự chuyển biến sâu rộng. Nhiều mô hình đã đi vào thực chất, mang đến hiệu quả cao trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các cơ quan, công sở đã hình thành môi trường làm việc, tiếp xúc Nhân dân thân thiện, hiệu quả.

Nhiều trường học đã quan tâm giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, xây dựng các thư viện xanh để phát triển văn hóa đọc. Các mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và Thành đoàn Hà Nội về ứng xử văn minh tại các di tích, chợ... đang mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân.

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình -
Sở VH&TT Hà Nội Nguyễn Thị Việt Hà