Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai môn tích hợp Khoa học tự nhiên: Quyết chí ắt thành công

Bài cuối: Điều không thể sắp trở thành có thể

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khi triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, môn tích hợp Khoa học Tự nhiên được xác định là môn học khó khăn nhất, rắc rối nhất. Dù còn nhiều luồng ý kiến nhưng chương trình đã và đang thực hiện là minh chứng rõ nét thể hiện sự chuyển mình đổi mới của giáo dục.

Giáo viên đã mở lòng

Sau 6 -7 ra đời Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới giáo dục, Chương trình GDPT 2018 mới chính thức được triển khai. Thách thức chồng chất khi Chương trình mới vốn khó lại thực hiện trong bối cảnh dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, toàn ngành giáo dục chuyển trạng thái để ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh.

Học sinh được giao nhiệm vụ khi học môn KHTN cấp THCS (Ảnh: FB THCS Thái Thịnh)
Học sinh được giao nhiệm vụ khi học môn KHTN cấp THCS (Ảnh: FB THCS Thái Thịnh)

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội về dạy học trực tuyến và triển khai Chương trình mới vào cuối tháng 9/2021, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Ý tưởng là nụ, giải pháp là hoa, chỉ có hành động mới ra kết quả. 6 - 7 năm là nụ, là hoa, nay Chương trình mới được triển khai sẽ ra kết quả. Bối cảnh đặc biệt càng đòi hỏi thầy cô giáo phải nỗ lực gấp nhiều lần để tạo nên những sản phẩm chất lượng”.

Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình GDPT 2018 với các môn tích hợp KHTN, dư luận cả nước cùng hàng vạn thầy cô giáo đều bày tỏ sự trăn trở về phương pháp dạy học mới. Tích hợp là đúng, là phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới nhưng công tác chuẩn bị về con người chưa đi trước một bước. Hơn nữa, khi triển khai trong thực tế lại gặp không ít khó khăn về sự chưa đồng bộ, chưa đồng đều về đội ngũ, hạ tầng… dẫn đến nhiều bất cập. Công tác tập huấn giáo viên được các địa phương, nhà trường tích cực đẩy mạnh vẫn không khỏa lấp được khoảng trống kiến thức của giáo viên đơn môn. Nhưng rồi, bằng tinh thần nỗ lực, vượt khó, sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THCS, mọi phần việc dần ổn định, bao gồm đội ngũ ở môn KHTN.

Nhiều người kể lại câu chuyện xúc động về dạy tích hợp của bản thân, của người thân, của học trò, của chính ngôi trường mình đang công tác để chứng minh rằng: Không có gì là không thể, chỉ là mình đã nỗ lực chưa, đã dám thay đổi để trở thành phiên bản tốt hơn chưa.

Có không ít giáo viên đơn môn (Lí, Hóa, Sinh), ngay khi chủ trương dạy tích hợp được ban hành đã không sẵn sàng cho việc dạy môn KHTN. Các thầy cô lo lắng, cho rằng mình không thể đủ chuyên môn để dạy, không muốn thay đổi và muốn ổn định nếp cũ. Thế rồi, khi dạy KHTN là bắt buộc, việc bồi dưỡng chứng chỉ KHTN là yêu cầu thì các thầy cô… ngậm ngùi chấp nhận. Sau trọn vẹn 2 năm vừa học hỏi, vừa thực hành, vừa dự giờ đứng lớp, giờ đây, bản lĩnh dạy học của nhiều thầy cô đã đổi khác hoàn toàn. Từ những tình huống lúng túng, xấu hổ khi học sinh hỏi mà phải khất câu trả lời, các thầy cô đã tự tin hơn, chịu khó học hỏi hơn ở mọi kênh, mọi lúc, mọi nơi với phương châm: "Đã quyết tâm là phải làm bằng được, vì danh dự với học sinh và vì sự tin yêu của phụ huynh".

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Khi Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn về công tác bồi dưỡng giáo viên tích hợp, Trường THCS Thái Thịnh đã hỗ trợ tối đa cho thầy cô tham gia bồi dưỡng và chi trả toàn bộ chi phí khóa học. Đến nay, với riêng môn KHTN, 100% giáo viên nhà trường đã có thể tự tin 1 người dạy được 1 môn KHTN lớp 6, 7. Các thầy cô đánh giá, kiến thức liên môn không quá phức tạp, thầy cô đã bồi dưỡng và có quá trình tích lũy, học hỏi là có thể dạy được. Quan trọng hơn là thầy cô đều xác định tinh thần sẽ vượt qua khó khăn để thực hiện chương trình KHTN trong khả năng tốt nhất của mình, hướng đến việc không thiệt thòi cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Tươi, giáo viên dạy KHTN tại một trường THCS Quận 11, TP Hồ Chí Minh cũng đồng quan điểm cho biết, dạy tích hợp KHTN lớp 6, 7 kiến thức khá nhẹ nên không hề gây khó với giáo viên đào tạo đơn môn và đã có thời gian đi bồi dưỡng chứng chỉ KHTN. “Vốn là cử nhân ngành Công nghệ sinh học, sau học thêm chứng chỉ Sư phạm và đi dạy; các kiến thức Lí, Hóa đã từng được học ở bậc THPT, hầu hết giáo viên thi khối A, B trước đây đều còn nhớ. Do vậy, cá nhân tôi thấy không gặp khó khăn gì nhưng điều kiện tiên quyết là giáo viên phải chịu khó tìm tòi qua các kênh thông tin cũng như học hỏi đồng nghiệp”, cô Tươi chia sẻ; đồng thời cho hay, thời gian tới, cô và các đồng nghiệp sẽ tham gia khóa bồi dưỡng nâng cao để có thể dạy KHTN lớp 8, 9.

Giải pháp căn cơ

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường thừa nhận, với lớp 6 và 7, môn KHTN có phần đơn giản hơn nhưng mọi việc không còn thuận lợi khi bắt đầu vào chương trình KHTN lớp 8 và 9. Ở bậc học cao hơn, kiến thức môn học đã tăng cấp độ chuyên sâu, phức tạp nên có thầy cô sẽ khó tự tin khi chủ đề bài học không thuộc chuyên môn, sở trường của mình.

Giáo viên cùng học sinh hòa mình vào các nội dung thực hành của môn KHTN
Giáo viên cùng học sinh hòa mình vào các nội dung thực hành của môn KHTN

Trước tình huống này, nhà trường có giải pháp song song, đó là thầy cô nào tự tin thì 1 thầy cô phụ trách 1 môn; còn lại thì bố trí thầy cô đơn môn trước đây dạy theo từng phân môn.

“Nhà trường nhận thức được rằng, nếu đào tạo kiến thức nền tảng KHTN cho học sinh ở bậc THCS không vững thì lên THPT, khi các môn KHTN lại tách về đơn môn, học sinh sẽ vất vả trong việc bổ sung, rà soát kiến thức”- Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh Nguyễn Cao Cường cho biết.

Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, ngoài bồi dưỡng giáo viên để được cấp chứng chỉ thì phải có bồi dưỡng thường xuyên. Các nhà trường, địa phương cần tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng thường xuyên, liên tục trong năm để giáo viên được tham gia học tập, từ đó có thể tự tin khi giảng dạy chủ đề không thuộc chuyên môn của mình trước đây.

Ngoài ra, cần động viên, khuyến khích thầy cô tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, hỗ trợ đồng nghiệp, giúp nhau tiến bộ hơn mỗi ngày.

Thêm nữa, giải pháp căn cơ hơn là Sở GD&ĐT các địa phương khẩn trương rà soát đội ngũ, nhu cầu giáo viên môn tích hợp, trong đó có môn KHTN; sau đó tiến hành đặt hàng các trường đại học Sư phạm để thời gian tới có thể bổ sung giáo viên chuyên sâu, được đào tạo bài bản về môn KHTN.

Tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tổ chức ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng triển khai môn tích hợp là điểm mới, điểm khó, điểm vướng, điểm nghẽn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018.

"Căn cứ vào thực tế, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thống nhất, thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS. Có thể vẫn kiên trì ở tiểu học nhưng với THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với môn tích hợp. Tuy nhiên, dù điều chỉnh thế nào cũng cố gắng để không gây xáo trộn đội ngũ hiện nay, nhất là đội ngũ đã được đào tạo, bồi dưỡng. Việc thay đổi chỉ tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc đổi mới. Nếu có, đó sẽ là điều chỉnh lớn nhưng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin. 

 

"Với Chương trình GDPT 2018, những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.….

Nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ quyết định chất lượng đổi mới của ngành giáo dục..." - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.