>>> Bài 1: Sau lớp vỏ vang bóng một thời
Ngoài ra, các quy định bảo tồn cũng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng
Nỗ lực gìn giữ giá trị gốc
Những xung đột giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn hiện hữu, sự giằng xé giữa chuyện giữ - bỏ đối với các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là các ngôi biệt thự Pháp cổ đã xảy ra thường xuyên.
Thời gian qua, những tranh luận ồn ào về dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm
(Hà Nội) và cả những ý kiến trái chiều cho thấy nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực. Điều tích cực đầu tiên là nó cho thấy xã hội quan tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hóa - kiến trúc nói chung và biệt thự Pháp cổ nói riêng. Những nhận định đúng sai/xấu đẹp như cách “theo tôi thì nên nhạt hơn, trầm hơn; giống cái nọ, cái kia hơn” theo các chuyên gia là mang tính chủ quan.
Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) Emmanuel Cerise cho biết: quan điểm của chúng ta bảo tồn là phải tìm đúng đặc điểm gốc của công trình. Còn rất nhiều công trình gần đây từng làm trùng tu, tôn tạo đi theo hướng chọn những gam màu mang lại cảm giác nhìn thuận mắt nên tôn tạo xong chỉ là tường vàng thêm một vài line trắng. Nhưng trên thực tế lại không phản ánh đúng được đặc điểm gốc của công trình ban đầu.
Theo chuyên gia Emmanuel Cerise, nếu dư luận vẫn rất gay gắt có thể tính đến việc ứng dụng công nghệ. Biệt thự có thể phủ một lớp “áo” làm công trình ưa nhìn, nhuốm màu thời gian hơn. Nhưng Việt Nam hiện giờ chưa có công nghệ đó, nếu đưa từ Pháp sang sẽ rất tốn kém.
“Hơn hết, cũng vì tâm lý đó, mà gần đây có trường hợp vô cùng đáng tiếc khi chúng ta cố tình trùng tu một công trình kiến trúc rất là quan trọng, nhưng lại làm cho nó nhuốm màu thời gian ngay từ lúc vừa kết thúc trùng tu, đấy chính là Nhà thờ lớn. Người ta tạo ra diện mạo mà sau khi được trùng tu công trình vẫn cũ, và sau một thời gian công trình lại cũ hơn lúc chưa trùng tu. Chúng ta cần phải lưu ý về vấn đề này” - ông Emmanuel Cerise cho hay.
Về phía các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị
Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định: "Biệt thự được xây dựng trước năm 1954 là quỹ di sản đặc trưng, là biểu hiện hội nhập văn hóa, một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. TP Hà Nội không chỉ mời chuyên gia trong nước, mà còn mời chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị biệt thự. Gần đây, TP còn đưa ra danh mục các công trình biệt thự có giá trị. Tôi cho rằng đây là quyết tâm lớn trong việc gìn giữ, tạo bản sắc Hà Nội".
Phân loại để bảo tồn
Thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự cũ và 8 công trình kiến trúc khác, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp nhận và quản lý hồ sơ khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng toàn bộ các biệt thự trên địa bàn TP để khai thác, sử dụng, quản lý Nhà nước về biệt thự.
Sở VH&TT Hà Nội sẽ hỗ trợ việc cung cấp thông tin biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin chuyên ngành để thực hiện việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự.
Cho ý kiến về việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ trên địa bàn Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, biệt thự cũ là quỹ di sản đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được hồn cốt của quỹ di sản đó. Không chỉ quan tâm đến vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa.
Việc bảo tồn, tu sửa các biệt thự cũ, cổ là giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân trong các biệt thự. Hiện Hà Nội cũng đã có kế hoạch khảo sát, kiểm định và phân loại các biệt thự cổ này. Vì vậy, cần có phân loại giá trị đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng, phân loại biệt thự có giá trị trung bình cần bảo tồn phong cách của nó nhưng được phép cải tạo nội thất bên trong. Một cách phân loại nữa đó là chỉ cần giữ gìn một số công trình chính, còn có thể cải tạo khu vực xung quanh. Quan trọng là chúng ta cần chú trọng đến đặc điểm của từng loại biệt thự.
Đồng quan điểm với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho rằng, việc chỉnh trang, sửa chữa biệt thự cũ cần phân loại để có cách đối xử khác nhau. Theo đó, việc bảo tồn cần thích nghi với đời sống hiện tại. Trong phân loại đánh giá, cần lưu tâm tới phân loại giá trị kiến trúc, phân loại tình trạng kỹ thuật bền vững. Có căn biệt thự có thể giữ nguyên trạng, tuy nhiên có căn phải cải tạo để thích nghi. Đối với những căn biệt thự xuống cấp quá không bảo tồn được thì phải đập bỏ nếu tình trạng kỹ thuật quá xấu, ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thì cho rằng, đối với các loại di sản cần phải tôn trọng tính lịch sử, để khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn phải giữ được nét lịch sử giá trị của di sản văn hóa. Chẳng hạn như biệt thự xây từ thời Pháp thì phải giữ được nét cổ kính của thời Pháp chứ không phải thời… hiện đại. Cho nên, việc phân loại là đặc biệt quan trọng, cần phải cụ thể, tỉ mỉ đề đưa ra những phương án bảo tồn hợp lý đối với từng di sản.
Để làm tốt việc phân loại giá trị các biệt thự cũ, ngoài việc thực hiện phân loại theo khung pháp lý, chúng ta cần vận động các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia am hiểu để nhận diện từng công trình.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng biệt thự không phải bảo tàng "vật thể chết" mà là "vật thể sống". Cho nên người dân phải thực hiện được mục tiêu sống ở trong biệt thự chứ không nên chia quá nhiều hộ gia đình ra mà mỗi biệt thự là một hộ gia đình. Và người dân cũng phải có trách nhiệm gìn giữ.
Về phía Nhà nước, nên có chính sách hỗ trợ tạo, điều kiện. Bởi bài học kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy, các nước phát triển như Ý, Pháp… đều được Nhà nước hỗ trợ cho người dân để thực hiện bảo tồn biệt thự theo nguyên trạng.
Ngoài ra, Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, Đại học Xây dựng, để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp cổ, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, chúng ta nên học tập theo mô hình “bảo tồn thích ứng”.
Ở một số quốc gia, những công trình thậm chí chưa được công nhận là di sản nhưng trong vùng được bảo tồn, bảo vệ thì được quản lý khá tốt, ý thức chấp hành của người dân cũng rất cao. Họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng, chi tiết.
Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng”, nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội.
"Hiện nay các căn biệt thự Pháp ở Hà Nội có niên đại từ 120 -150 năm mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của TP. Biệt thự cũng giống như con người, người già thì cần được chăm sóc, tức là phải có sự trùng tu, bảo dưỡng thì mới bền được. Nhưng trước khi thực hiện các công việc đó cần phải hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa cốt lõi của biệt thự cũ thì mới có thể bảo tồn vẹn nguyên giá trị của nó." - KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam