Huy động nguồn lực xã hội hóa
Để bảo đảm nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư nêu rõ giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Tuy nhiên, thực tế triển khai, theo nhiều địa phương, nhà đầu tư, đang có những khó khăn, lúng túng.
Giám đốc Khu liên hợp Thể thao quốc gia Nguyễn Trọng Hổ chia sẻ, theo đề án được lãnh đạo Bộ VHTT&DL phê duyệt, Khu Liên hợp được khai thác tài sản dôi dư. Tuy nhiên, Khu Liên hợp thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế rất lớn, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng. Chính vì vậy, khó thu hút tư nhân tham gia đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc nộp thuế sử dụng đất cũng là một khó khăn với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo TS Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn, gồm cả những điểm nghẽn về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Đơn cử, quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin mà không có quy định về PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Để giải quyết thực trạng này ở phạm vi địa phương, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó cho phép thí điểm thực hiện đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Theo đó, TP sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo, đề xuất làm cơ sở quy định chính thức, cũng như pháp lý hoá tại các văn bản luật, văn bản hướng dẫn để áp dụng chính thức ở phạm vi rộng hơn nếu kết quả thực hiện thí điểm theo mô hình này mang lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
Cũng với nội dung này, theo TS Lê Minh Nam, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội đã đề xuất cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao để huy động nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực này. Đồng thời đề xuất quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư như trong lĩnh vực y tế, giáo dục (Điều 38 Dự thảo Luật).
Nếu nội dung đề xuất này tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua thì sẽ có thêm cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng đầu tư PPP đối với các dự án đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao tại các đơn vị sự nghiệp trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, quy định đang dừng lại ở mức dự kiến mà chưa phải cơ sở pháp lý chính thức để tổ chức thực hiện.
Doanh nghiệp chờ đợi
Trong 10 thiết chế làm rạp chiếu phim, chỉ 6 thiết chế có 3 cụm rạp trở lên, trong đó có 1 DN Nhà nước duy nhất là Trung tâm Chiếu phim quốc gia, còn lại đều của nước ngoài và tư nhân. Hàn Quốc chiếm 65% thị phần phòng chiếu, còn lại là các DN Việt Nam.
"Thiết chế rạp chiếu phim tư nhân đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành điện ảnh, thế nhưng, chính sách cho DN nước ngoài và tư nhân còn rất hạn chế" - Tổng Giám đốc Công ty BHD Ngô Bích Hạnh chia sẻ.
Theo bà Ngô Bích Hạnh, Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa có chính sách mới gì về thuế cho các DN làm điện ảnh. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đang đề xuất tăng thuế cho rạp chiếu từ 5% lên 10%, nên các DN thực sự khó khăn.
“Các thiết chế đều đang chịu tiền thuê đất quá cao, trong lúc rạp phải thuê chủ yếu ở trung tâm thương mại với mức giá tương tự thuê quán ăn hay cửa hàng... Nhà nước có chính sách gì để chúng tôi được hưởng một mức thuế phù hợp hơn? Liệu rằng có thể ưu đãi vốn vay cho DN làm văn hóa hay không, những vấn đề này chúng tôi vẫn đang chờ” - bà Ngô Bích Hạnh nói.
GS.TS Thái Kim Lan, Việt kiều Đức, người sáng lập Bảo tàng gốm cổ sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, bảo tàng cũng gặp nhiều khó khăn. “Bảo tàng tư nhân là một nguồn lực ý nghĩa đóng góp vào đời sống văn hóa. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi chính là đất và cơ sở pháp lý để phát triển vững chắc, lâu dài. Như Bảo tàng gốm cổ Sông Hương hiện được xây dựng trên đất của gia tộc. Còn việc phát triển ở cơ sở khác rất khó khăn. Chúng tôi đã xin tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng Bảo tàng Áo dài, nhưng 2 - 3 năm rồi vẫn đợi” - GS.TS Thái Kim Lan trăn trở.
Tại Hội thảo văn hóa 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao gồm: hoàn thiện thể chế; chính sách, quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Thực tế đến nay, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo cơ chế, chính sách đầu tư cho bảo tàng ngoài công lập. Theo Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, từ năm 2020, ngành văn hóa, thể thao tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Chính sách đó có 5 ưu đãi về thuê cơ sở nhà đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, tạo vật phẩm đặc trưng cho bảo tàng, đặc biệt là cơ chế phối hợp công - tư.
“Tuy nhiên, băn khoăn ở chỗ tại sao có chính sách hỗ trợ mà áp dụng thực tiễn lại rất khó khăn? Trên thực tế, khi xây dựng đề án xây dựng bảo tàng tư nhân, ngành tài chính vẫn áp theo quy định chứ không hề có ưu đãi. Tỉnh Thừa Thiên Huế duy nhất có Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn là bảo tàng tư nhân được miễn thuế đất trong 30 năm. Đây là trường hợp đặc biệt” - ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Theo KH&ĐT, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất rộng nên nhu cầu vốn cũng rất lớn. Do đó, thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.
Các chuyên gia nhận định, để thực sự nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân, cần một hướng đi mới - một tư duy khác về phát triển văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, quản trị tư, hợp tác công tư, sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng, hay việc áp dụng các kỹ năng kinh doanh...
Đặc biệt, cần có nguồn nhân lực phù hợp thì mới tạo chuyển biến căn bản cho các thiết chế văn hóa. Muốn có được điều này, cần có một môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ để toàn xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả.
Công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo. Hoạt động của các đơn vị văn hóa, thể thao TP từng bước nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đã hướng mạnh về cơ sở. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP có sự phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của các thiết chế này vẫn còn vướng mắc, chưa hiệu quả, cả về cơ chế, chính sách, khai thác, phát huy công năng. Cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác, quản lý tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa hợp lý...
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng