Chính sách hỗ trợ nghệ nhân: Sự sống còn của di sản phi vật thể

Bài cuối: Gỡ vướng cho công tác hỗ trợ

Linh Anh - Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nhờ sự đồng lòng quan tâm nên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách, cơ chế tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

>> Bài 1: Báu vật sống mòn mỏi chờ đợi, di sản phai màu

>>> Bài 2: Tạo động lực để bảo tồn

Đừng để nghệ nhân gặp khó mới hỗ trợ

Ngày 28/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109 về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể đối tượng áp dụng theo Nghị định 109: NNND, NNƯT được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng), gồm: Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày. Mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng tùy theo đối tượng để được hưởng các mức: 1.000.000 đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng/tháng.

Biểu diễn ca trù trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh
Biểu diễn ca trù trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh

Sau hơn 7 năm triển khai thực tế, có thể thấy việc áp dụng đối tượng cũng như mức kinh phí hỗ trợ theo nghị định này cũng rất hạn chế. Chính điều này khiến cho việc triển khai nghị định trên địa bàn Khánh Hòa dù đã thực hiện từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, và vẫn chưa có trường hợp nghệ nhân nào được hưởng kinh phí hỗ trợ từ chính sách trên.

“Ở Khánh Sơn có trường hợp NNƯT thuộc diện được hưởng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 109. Tuy nhiên, người này lâu nay vẫn đang nhận trợ cấp hàng tháng theo chính sách an sinh xã hội khác như: hộ nghèo, người cao tuổi… Chính vì thế, chúng tôi không biết họ có được hưởng thêm chính sách dành cho nghệ nhân nữa hay không?”, bà Phan Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết.

Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, tháng 10/2016, địa phương đã rà soát, xác minh trường hợp hai nghệ nhân Trần Thị Tâm (đã mất) và Kiều Thị Hương đều không có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (mặc dù gia đình nghệ nhân Trần Thị Tâm thuộc diện hộ cận nghèo vào năm 2016) nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 109.

Ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), trường hợp NNƯT Lê Bộc đã mất từ trước thời điểm Nghị định 109 có hiệu lực; NNƯT Trần Rí gia đình không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, bản thân ông đang hưởng chế độ trợ cấp dành cho người khuyết tật nặng nên cũng chưa được hưởng chính sách theo Nghị định 109.

Các nghệ nhân trẻ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì chuẩn bị cho lễ biểu diễn múa ''Con đĩ đánh bồng''. Ảnh: Công Hùng
Các nghệ nhân trẻ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì chuẩn bị cho lễ biểu diễn múa ''Con đĩ đánh bồng''. Ảnh: Công Hùng

Theo ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Khánh Hòa, sở đã đề nghị các địa phương có NNƯT thực hiện việc rà soát, đánh giá để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Theo quy định, một người không thể cùng lúc vừa hưởng chế độ nghệ nhân vừa hưởng chế độ trợ cấp thuộc diện khác. Đây chính là bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị định 109. Và không chỉ có tỉnh Khánh Hòa gặp vướng mà rất nhiều địa phương khác cũng khó triển khai hỗ trợ nghệ nhân.

Nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì Nghị định hỗ trợ nghệ nhân mới chỉ cho nghệ nhân gặp khó khăn và trong hoàn cảnh nghèo khó. Trong khi nghệ nhân cần rất nhiều thứ. Không chỉ đến khi họ gặp khó khăn thì chúng ta mới hỗ trợ mà phải hỗ trợ họ ngay từ khi họ có điều kiện thuận lợi truyền nghề. Từ đó, họ phát huy hơn nữa tài năng của mình.

Tìm thêm nguồn kinh phí

Với Nghị quyết về hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ di sản mới ban hành ở Hà Nội vừa là cách cụ thể hóa hơn các chính sách hỗ trợ, vừa để lấp khoảng trống của Nghị định 109. Người ta quan tâm đến việc liệu chính sách có khó triển khai xuống thực tế, hoặc lại gặp vướng như Nghị định. Tuy nhiên, Hà Nội đã quy định rất rõ các điều kiện để được hỗ trợ. Với NNND, NNƯT thì căn cứ vào quyết định công cộng.

Với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là có Quyết định thành lập câu lạc bộ do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã ban hành; có ban chủ nhiệm và ít nhất từ 20 hội viên trở lên, có địa điểm, kế hoạch sinh hoạt định kỳ, với ít nhất 2 kỳ/tháng; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản... Việc chi trả chế độ hỗ trợ được giao về các quận, huyện, thị xã theo phân cấp quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ nhân bảo tồn di sản.

“Có thể thấy rằng, 30 triệu hay 40 triệu đồng với mỗi cá nhân là số tiền không lớn nhưng đây là chính sách của TP đối với tất cả nghệ nhân trên địa bàn Thủ đô. Với hàng trăm nghệ nhân, đó là một khoản chi lớn của TP, thể hiện sự quan tâm, động viên của chính quyền TP Hà Nội đối với nghệ nhân” - NNƯT lĩnh vực di sản tính ngưỡng thờ Mẫu Phùng Văn Thanh chia sẻ.

Bày tỏ về việc sử dụng thế nào tiền hỗ trợ cho CLB, NNƯT Lương Văn Tạo - lĩnh vực di sản Hò cửa đình và múa hát bài bông (làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) cho biết: “Hà Nội quyết định hỗ trợ 20 - 30 triệu đồng cho mỗi CLB là rất quý. Nhưng số tiền ấy chỉ đủ để hướng dẫn một lớp mới; mua sắm, sửa chữa khăn áo.

Tuy nhiên, hoạt động của CLB không chỉ có tư trang, còn nhiều vật dụng nhanh hỏng. Chính vì vậy, tôi đề nghị TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, động viên, có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động của các CLB, mỗi năm có 20 - 30 triệu đồng có thể không phải do TP cấp nhưng mà huy động các mạnh thường quân, các hội nghệ sĩ, Sở VH&TT hay các tổ chức liên quan đến văn nghệ dân gian quan tâm, giúp đỡ các CLB trên địa bàn TP”.

Những mong muốn trên của các nghệ nhân, chủ nhiệm CLB cũng là nhằm mục tiêu chung vì sự nghiệp bảo tồn nghệ thuật dân gian và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

 

"Khi Hà Nội mong muốn những giá trị văn hóa được kết tinh ở Thủ đô, được tỏa sáng ở các nước thì phải tập trung cho nhân lực. Cụ thể là các tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và cụ thể hơn nữa là những nghệ nhân. Khi làm được điều này, chúng ta không chỉ tạo ra niềm tin, tâm huyết, cố gắng của nghệ nhân mà còn hình thành môi trường thuận lợi để nghệ nhân tỏa sáng tài năng của mình, giúp cho không chỉ lĩnh vực nghề của họ mà lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Chứng minh cho những chính sách đúng đắn của chúng ta trong phát triển đất nước." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn

----

"Tôi rất vui mừng khi được biết HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về chế độ đãi ngộ, hỗ trợ với các nghệ nhân và CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP. Đây tiếp tục là nguồn động viên, khích lệ của các cấp, các ngành, sự ghi nhận của cộng đồng với chúng tôi. Chúng tôi luôn ý thức cao về việc giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vì vậy, chúng tôi không ngừng trau dồi, củng cố các kỹ năng thực hành di sản, tích cực truyền dạy cho các thế hệ trẻ tiếp nối việc gìn giữ, góp phần bảo vệ, tranh nguy cơ mai một của di sản." - NNND Lưu Ngọc Đức - di sản tín ngưỡng thờ Mẫu