[Chuyển nguồn lực sáng tạo thành sức mạnh văn hóa]

Bài cuối: Hà Nội thúc đẩy văn hóa sáng tạo cả nước

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 10/2019, Hà Nội đã gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Mục tiêu của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, là tiền đề thúc đẩy các TP khác của Việt Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Hội An… tham gia mạng lưới TP sáng tạo.

Hình mẫu của cả nước

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ra đời vào năm 2004. Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 TP thuộc mạng lưới này về lĩnh vực thiết kế. Không thể không vui khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố thiết kế sáng tạo” nhưng thời điểm đó, nhiều người cũng ưu tư, nghĩ đến việc Hà Nội sẽ làm những gì để thực sự tự tin với danh hiệu đã đạt được.

Tòa nhà trụ sở mới của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với thiết kế kiến trúc sáng tạo, đổi mới. Ảnh Phạm Hùng
Tòa nhà trụ sở mới của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với thiết kế kiến trúc sáng tạo, đổi mới. Ảnh Phạm Hùng

Những ưu tư, suy nghĩ đó đã sớm trở thành mục tiêu, động lực của TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Đặt biệt, Hà Nội hiện có hơn 100 địa điểm hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công, điển hình như: Hanoi Creative City, Complex 01, 282 Workshop, AGOhub, VUUV, Ơ kìa Hà Nội, Matca, Manzi, Bar bầu. Đồng hành còn có rất nhiều các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như: Vì một Hà Nội đáng sống, UN Habitat, Vicas, Heritage Space, Hanoi Grapevine, Hội Kiến trúc sư Việt Nam…; và nhiều chương trình sự kiện khác: VietNam Design Week, VietNam Festival Creativity Design, Ashui Awards… Đây là những điểm sáng, “mạng lưới sáng tạo con” của Thủ đô.

Mới đây, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp cùng một số đơn vị phát động cuộc thi "Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022". Đây là một hoạt động triển khai nội dung cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia UCCN. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng.

Tiềm năng phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo

Việc Hà Nội trở thành thành viên của UCCN đã tạo động lực cho một số TP có khả năng khác như TP Hồ Chí Minh, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) phấn đấu nhằm hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống của UNESCO.

Sau khi Hà Nội gia nhập UCCN vào tháng 10/2019, tháng 8/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất để TP Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong UCCN về lĩnh vực âm nhạc. Đây là TP được đánh giá là tạo ra ấn tượng khác biệt nổi trội với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc dân cư, quy hoạch, kiến trúc.

Đặc biệt, Đà Lạt đang sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO ghi danh: Di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (năm 2005), Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” (năm 2009) và “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang” (2015). Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sĩ tài năng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Đà Lạt sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký vào tháng 4/2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm TP hình thành và phát triển (1893 - 2023).

Sau TP Đà Lạt, một số địa phương cũng đang trong quá trình khảo sát, có kế hoạch tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam, tiêu biểu như: TP Hạ Long, đô thị cổ Hội An, TP Huế. Theo các chuyên gia, TP Hạ Long (Quảng Ninh) có rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, di sản, vị trí địa lý, văn hóa với lễ hội Carnaval Hạ Long đặc sắc.

Trong khi đó, đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) có nhiều thế mạnh về lĩnh vực ẩm thực, thủ công và nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, đô thị cổ này có nhiều thiết chế văn hóa đặc sắc, tiêu biểu như bảo tàng gốm sứ Hội An, làng gốm Thanh Hà, làng mộc tái chế rác thải gỗ thành tác phẩm nghệ thuật Coco Casa, xưởng tre trang trí nội thất “Taboo Bamboo Workshop”, phố cổ Hội An, khu phức hợp tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch.

Mặc dù mỗi TP đều có lợi thế riêng, nhưng theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương: Để tham gia mạng lưới, các TP cần xác định một lĩnh vực thế mạnh dựa trên các tiêu chí như chính sách, biện pháp lồng ghép văn hóa, sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác công - tư, không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người thực hành sáng tạo, nâng cao việc tiếp cận, tham gia đối với các nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các TP cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đăng ký tham gia UCCN, tăng cường kết nối quốc tế, tạo dựng thương hiệu sáng tạo cho TP phát triển bền vững trong tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế

Tiếp tục thực hiện các cam kết khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo, TP Hà Nội đang nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng cộng đồng, trung tâm thiết kế sáng tạo. Vừa qua, tại Tòa Nhà xanh Liên Hợp quốc, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tổ chức Hội thảo “Xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo - Kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”. Hội thảo đã tạo cơ hội để TP Hà Nội nói riêng và các TP có định hướng tham gia UCCN có thể học tập kinh nghiệm quý báu được chia sẻ từ quốc tế.

Đến từ một quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, TS Dwinita Larasati - Tổng Thư ký, một trong những người sáng lập Diễn đàn thành phố sáng tạo Bandung, Indonesia chia sẻ: Là nơi tập hợp nhiều trường đại học, TP chú trọng tận dụng nguồn lực trẻ cho thúc đẩy sáng tạo. Nhiều sinh viên đã xây dựng thương hiệu riêng của mình ngay từ khi còn trên ghế giảng đường. Sinh viên không có tiền thuê văn phòng trung tâm TP nên họ đã xây dựng các văn phòng ảo, tận dụng doanh trại cũ, địa điểm bỏ hoang của TP, cải tạo và biến đó thành nơi trưng bày ý tưởng sáng tạo.

Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng công trình của Nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả. Từ đó, chúng tôi đối thoại với chính quyền và liên kết các khu vực tư nhân, bên liên quan để đưa những không gian đó sôi nổi trở lại.
Kobe là một TP nằm ở phía Nam của Nhật. Sau khi trở thành TP Thiết kế Sáng tạo, Trung tâm thử nghiệm Tơ thô trước đây đã được cải tạo và chuyển đổi thành “Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe”, với chức năng như một trung tâm sáng tạo và xây dựng các dự án phù hợp với chương trình thành phố sáng tạo của Kobe. Với mong muốn trở thành một TP thiết kế hiện đại, tập trung vào tăng trưởng và phúc lợi của người dân. Kobe cam kết sử dụng thiết kế như một công cụ để giải quyết những thách thức mà xã hội ngày nay phải đối mặt.

Với những quyết tâm đã thực hiện, Hà Nội đã tạo một sinh lực mới để TP phát triển, huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng sáng tạo; đưa Thủ đô trở thành đầu tàu phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước, là hình mẫu cho các TP khác phát triển. Hy vọng trong tương lai không xa, với những giá trị văn hóa đã tích luỹ, kinh nghiệm học tập được ở trong nước và quốc tế, các địa phương khác trong cả nước sẽ hình thành một mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Tuy nhiên, các TP cần lựa chọn lĩnh vực thế mạnh, hạng mục cụ thể để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo. Đây sẽ là yếu tố dẫn dắt TP phát triển trong thời gian tới cũng như việc xây dựng nên thương, góp phần thay đổi hoàn toàn tư duy phát triển của một địa phương.

 

Không chỉ là thương hiệu/ danh hiệu, mà điều quan trọng là khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các TP đó đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các TP an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL Nguyễn Phương Hòa

Hà Nội có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm và lời khuyên tư vấn cho các TP khác. Hiện nay, một số TP của Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng tham gia mạng lưới theo đề án của Bộ VHTT&DL. Tầm nhìn đầy khát vọng này sẽ góp phần thiết lập một vành đai sáng tạo của các TP năng động, ở đó văn hóa được chú trọng trong các chiến lược phát triển trên khắp cả nước.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart