Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa:

Bài cuối: Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), các quốc gia trên thế giới đều phải trải qua giai đoạn chuẩn bị tích luỹ năng lực, đào tạo gian khổ, đòi hỏi sự đồng hành và học hỏi lẫn nhau từ nhiều phía.

Vì vậy, để phát triển thành CNVH, Việt Nam cần tăng cường đào tạo, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế.

Đào tạo, phát huy nguồn nhân lực

Hàn Quốc là quốc gia phát triển, với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á. Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền CNVH với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới.

Thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc hiện nay là xu hướng phi tập trung hóa. Xu hướng chuyển từ “Chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa Chính phủ và các khu vực tư nhân”. Việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ T.Ư đến địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, giáo sư, nghệ sĩ và cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách văn hóa đang được khuyến khích.

>>> Bài 2: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn

Một chương trình nghệ thuật tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Ảnh Thanh Hải 
Một chương trình nghệ thuật tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Ảnh Thanh Hải 

Xu hướng này đảm bảo cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa có thể làm cho khu vực văn hóa - nghệ thuật (VHNT) tự chủ và năng động hơn, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của khu vực này.

Còn tại Trung Quốc, năm 2018, tổng giá trị CNVH Trung Quốc đạt hơn 4.117 tỷ nhân dân tệ (khoảng 600 tỷ USD), gấp 10,3 lần so với năm 2004. Từ năm 2005 đến năm 2018, hằng năm CNVH bình quân tăng trưởng đạt 18,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc là 7,9%; tỷ trọng CNVH trong nền kinh tế quốc dân năm 2004 chiếm 2,15%, 2012 chiếm 3,36% và đến năm 2018 là 4,30% GDP.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đều đã tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của ngành CNVH, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, nghệ sĩ, tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, DN tư nhân. Đồng thời, theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL Nguyễn Phương Hòa: Trung Quốc đã chú trọng xây dựng đội ngũ nhân tài, xây dựng cơ chế bồi dưỡng nhân lực tạo nền móng cung cấp nhân lực cho xây dựng văn hóa.

Còn tại các nước châu Âu như Pháp, Nhà nước chịu trách nhiệm đào tạo trong các trường hợp đặc biệt với mục đích duy trì lực lượng lao động trong ngành VHNT tại Pháp có chất lượng cao. Bên cạnh giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước quan tâm đến giáo dục nghệ thuật tại trường tiểu học thông qua các tổ chức của vùng (trường âm nhạc, phòng hòa nhạc). Việc giáo dục nghệ thuật nói chung giúp giới trẻ nhận thức hiểu biết về lịch sử nghệ thuật và các tác phẩm văn hóa, giúp định hướng sở thích nghệ thuật và thực hành các hoạt động văn hóa khi trưởng thành.

Tại nước Anh, Chính phủ tin rằng VHNT đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em cả trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu hệ thống trường công phải xây dựng chương trình giáo dục cân bằng, tăng cường cả tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất đối với học sinh. Bên cạnh việc học và trải nghiệm các tác phẩm, tác giả vĩ đại, học sinh cũng được học để biết chơi nhạc cụ, vẽ tranh, múa, diễn xuất. Tất cả những kỹ năng đó sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê, mở những cánh cửa sự nghiệp cho các tài năng trong lĩnh vực VHNT, đồng thời cũng tạo dựng tầng lớp khán giả, công chúng tiêu thụ VHNT.

Một số chương trình tiêu biểu được Chính phủ Anh hỗ trợ như Artsmark (ghi nhận các chương trình giáo dục nghệ thuật xuất sắc tại trường học), mạng lưới quốc gia 123 Music Education Hub (nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc tại các địa phương). Chính phủ cũng tài trợ cho các công ty múa và nhạc kịch dành cho thiếu nhi, chương trình Trường học Di sản (giúp trẻ em học về lịch sử khu vực mình sinh sống), chương trình Câu lạc bộ Nghệ thuật và Thiết kế thứ Bảy của Quỹ Sorrell (cung cấp các buổi học nghệ thuật và thiết kế miễn phí cho trẻ 14 - 16 tuổi)… Hầu hết các tổ chức văn hóa và di sản tại Anh đều xây dựng và triển khai các sáng kiến giáo dục.

Tăng cường chính sách hỗ trợ

Theo các chuyên gia, để xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, dẫn dắt và phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách giáo dục toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm, nhìn nhận sự tiến bộ theo khả năng, năng lực của từng trẻ, khuyến khích “sự sáng tạo” và tư duy phản biện, cải tiến phương pháp và nội dung giảng dạy các bộ môn “nghệ thuật” trong trường phổ thông, đưa mô hình STEAM (bổ sung yếu tố Nghệ thuật “Art”) vào chương trình giáo dục phổ thông.

Ở các cấp cao đẳng, đại học chuyên ngành VHNT, hệ thống giáo dục, đào tạo cần cung cấp cho học viên các kiến thức, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để gia nhập các ngành CNVH, bao gồm các kỹ năng kinh doanh (như marketing, vận động tài trợ, tổ chức sự kiện), các kỹ năng quản lý (nhân sự, quản lý tài chính, lập kế hoạch, quản lý rủi ro và xử lý khủng hoảng), kiến thức về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, kỹ năng vi tính, công nghệ thông tin và bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ để có thể tiếp cận với các tri thức mới.

Các cơ sở đào tạo cần tăng cường sự liên kết với ngành CNVH sáng tạo, mời những người hoạt động trong ngành lên lớp thỉnh giảng hoặc tổ chức đi thực tế tại các DN, tổ chức VHNT. Chương trình thực tập cho các học viên tại các tổ chức VHNT, DN hoạt động trong lĩnh vực VHNT cần thực hiện nghiêm túc để sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, làm hành trang phát triển nghề nghiệp.

Đồng thời, cần khẩn trương có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền có hiệu quả nhằm bảo vệ phong tục, tập quán văn hóa lành mạnh của dân tộc. Qua những kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc cho thấy, sở dĩ sản phẩm ngành công nghiệp nội dung số của Hàn Quốc xuất ra nước ngoài đem lại hiệu quả kinh tế to lớn cho nước này là do Chính phủ Hàn Quốc đã sớm có chính sách đúng về đào tạo nhân tài.

Mặt khác, để rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa nhân lực của ngành công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế, theo nhạc sĩ Quốc Trung và TS Ngô Phương Lan, chúng ta cần tổ chức những hoạt động có quy mô quốc tế, để nghệ sĩ Việt sớm được cọ xát, học hỏi từ nghệ sĩ quốc tế.

“Sẽ phải kết hợp rất nhiều cách cùng lúc. Có thể bắt đầu từ những lò đào tạo trong nước, cách này Iran đã từng làm. Họ có những gia đình nhiều thế hệ cùng làm nghệ thuật. Chúng ta cũng nên tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, kéo những nhà làm phim thế giới về đây, đồng thời đưa các nhà làm phim Việt Nam vào quỹ đạo của quốc tế để rút ngắn khoảng cách nhanh chóng. Tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản, cuộc thi phim, giải thưởng cho những cuộc này là sang Mỹ du học, hoặc là những bộ thiết bị làm phim hiện đại” - tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ.

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng, Nhà nước cần mở cửa đón nhận nền văn hóa khác, từ đó học hỏi kỹ năng, chiến lược từ các nước phát triển. Chúng ta cứ nói về Hàn Quốc về Kpop, nhưng chưa thấy ai sang đó học hỏi. Ở những nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Mỹ hay các quốc gia châu Âu họ đều có công thức, quy luật để thành công”.

Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ và tăng trưởng nhanh, có năng lực sáng tạo tốt và nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu. Một số cá nhân tài năng như các nghệ sĩ, các nhà sản xuất văn hóa và kinh doanh, tổ chức các hoạt động văn hóa có tâm huyết đang hình thành, đây chính là những nhân lực quan trọng cho sự tăng trưởng trong CNVH của đất nước.

 

Phát triển nguồn nhân lực về CNVH thông qua hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Nhân lực là yếu tố mang tính quyết định trong phát triển CNVH, song hiện nay, lực lượng này ở Việt Nam còn tương đối mỏng, chưa có chuyên ngành hoặc bộ môn riêng về CNVH. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh thành lập các chuyên ngành đào tạo về CNVH tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Ngoài ra, việc khuyến khích thanh niên Việt Nam khởi nghiệp từ lĩnh vực CNVH cũng là một cách làm phong phú hơn lực lượng lao động của ngành này.
TS Trần Thị Thủy - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Nhân dân ta có truyền thống cần cù lao động, luôn dễ dàng thích ứng với những đổi mới. Tăng trưởng trong công nghiệp văn hóa sẽ đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, gia tăng lợi ích kinh tế và thúc đẩy phát triển công nghệ số.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
của Quốc hội