Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áo dài Việt trong dòng chảy công nghiệp văn hóa:

Bài cuối: Khai thác tiềm năng kinh tế từ áo dài

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áo dài Việt Nam với giá trị văn hóa, bản sắc thể hiện về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi trong đời sống đương đại, không chỉ khẳng định giá trị truyền thống mà còn cho thấy tiềm năng về phát triển kinh tế.

>>> Bài 1: Biểu tượng vững bền của văn hóa Việt

Phụ nữ Việt hiện nay trong tà áo dài truyền thống. Ảnh Công Hùng
Phụ nữ Việt hiện nay trong tà áo dài truyền thống. Ảnh Công Hùng

Giá trị thời trang

Áo dài là sản phẩm thời trang truyền thống có mặt tại khắp mọi miền trên mảnh đất hình chữ S. Tuy nhiên, ở Hà Nội, chiếc áo dài lại mang hồn cốt riêng. Ấy là sự hòa hợp của không gian phố cổ, phố cũ, của thời gian lịch sử nghìn năm, của con người đặc trưng thanh lịch của người Hà thành.

Cũng ở Thủ đô, áo dài từng trở thành sản phẩm kinh doanh chủ lực của cả một con phố như phố Cầu Gỗ với những cửa hàng có chung chữ “Trạch”, cả một làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội)… Chiếc áo dài đã và đang đồng hành với lịch sử Thăng Long - Hà Nội như một thực thể không thể tách rời.

 

Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Chiếc áo dài không đơn giản chỉ là một trang phục mà nó còn là một dạng lễ phục tượng trưng cho sự nghiêm túc và chân thành với giá trị truyền thống dân tộc. Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt.
TS Hồ Minh Quang - Trưởng Khoa Đông phương học
(Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

Trước đây, áo dài thường xuất hiện trong các dịp lễ trọng, khi người phụ nữ xuất hiện một cách chỉn chu, cộng thêm một chút yểu điệu, từ tốn. Giờ đây, áo dài xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt khi Hà Nội xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, khi du lịch Hà Nội lấy truyền thống làm vốn quý để phát triển, sự xuất hiện của chiếc áo dài trên phố phường thường xuyên hơn.

Thực tế, từ nhiều năm nay, khi thiết kế chương trình du lịch Hà Nội, các DN đã đan xen, kết hợp giới thiệu vẻ đẹp của áo dài truyền thống. Đơn cử như tour “Cảm xúc Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội và một số DN đón khách từ tháng 6 cũng thiết kế chương trình tham quan, xem quy trình dệt may áo dài, tư vấn cho khách mua hoặc may áo dài tại làng lụa Vạn Phúc.

Áo dài cũng xuất hiện trong nhiều dự án, chương trình liên quan đến du lịch khác như “Không gian triển lãm Áo dài và điểm đến du lịch”, “Hành trình quảng bá Du lịch Việt Nam - Áo dài và những di sản văn hóa”... Tại đây, áo dài được chu du khắp cả nước, đi qua các danh lam thắng cảnh, địa điểm có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Từ đó, tà áo dài trở thành "đại sứ văn hóa", giới thiệu những địa danh ấn tượng của Việt Nam tới du khách thập phương.

Ngoài ra, áo dài cũng xuất hiện nhiều trong các ấn phẩm du lịch, tem phiếu, post card, tranh ảnh, truyền hình cùng những danh lam thắng cảnh của

Việt Nam để quảng bá ở khắp nơi trên thế giới. Du khách đến Việt Nam cũng được khuyến khích diện áo dài để trải nghiệm, check-in tại các địa điểm mang tính đặc trưng cho văn hóa truyền thống dân tộc.

Không chỉ du lịch, điện ảnh và áo dài tưởng chừng như không có điểm chung bởi thuộc hai lĩnh vực khác nhau, kỳ thực lại có thể gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong việc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, và có thể tạo ra những giá trị rất lớn, trên nhiều phương diện.

Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như “Lều chõng”, “Long Thành cầm giả ca”, “Áo lụa Hà Đông”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Lý áo dài”... đã tạo ra những cơn sốt trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc.

Trình diễn áo dài trong khuôn khổ chương trình ''Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam'' tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Lại Tấn
Trình diễn áo dài trong khuôn khổ chương trình ''Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam'' tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Lại Tấn

Có thể nói, trên một góc độ nào đó, chính điện ảnh đã đưa áo dài Việt đến với cả thế giới và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp về bộ quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, áo dài đã làm cho điện ảnh thêm mềm mại, quyến rũ và mang đậm bản sắc độc đáo, riêng có.

 

Chiếc áo dài không đơn giản chỉ là một trang phục mà nó còn là một dạng lễ phục tượng trưng cho sự nghiêm túc và chân thành với giá trị truyền thống dân tộc. Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt.
TS Hồ Minh Quang - Trưởng Khoa Đông phương học
(Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, áo dài Việt Nam còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều họa sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Tiêu biểu như họa sĩ Tô Ngọc Vân với "Thiếu nữ bên hoa huệ," "Hai thiếu nữ và em bé"; họa sĩ Nguyễn Gia Trí với "Vườn Xuân Trung Nam Bắc," "Thiếu nữ bên hoa phù dung"; họa sĩ Dương Bích Liên với tác phẩm "Cô Mai"; họa sĩ Lê Phổ với "Hoài cố hương"…

Trong lĩnh vực thiết kế, nhiều nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ truyền thống để tạo ra những trang phục mới lạ, hấp dẫn mà vẫn mang bản sắc dân tộc, nhà thiết kế Lê Ngọc Hân lấy cảm hứng sáng tác bộ sưu tập áo dài từ tranh dân gian Hàng Trống. Các nhà thiết kế đã khéo léo hòa trộn những yếu tố thủ công làng nghề với các nét hiện đại.

Mở cánh cửa công nghiệp văn hóa

Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt… thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Từ “Áo dài” đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước.

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch. Có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy.

Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối,” là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến

Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Các nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung… là những người đã góp phần làm rạng rỡ thêm tên tuổi trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế.

Các chuyên gia văn hóa nhận định, ở thời đại toàn cầu hóa, khi công nghệ thông tin đặt mọi quốc gia trên một thế giới phẳng, những gì là bản sắc càng phải giữ gìn và phát triển. “Bản sắc văn hóa, sự riêng biệt, không trộn lẫn chính là chìa khóa dẫn đến mọi cánh cửa hội nhập” - NTK Minh Hạnh chia sẻ. Theo đó, áo dài là một biểu tượng văn hóa, nhưng chưa có được vị thế xứng tầm. Áo dài và bản sắc riêng biệt vốn có sẽ giúp Việt Nam mở ra nhiều cánh cửa - mà chúng ta chưa chạm tới.

NTK Minh Hạnh từng giúp vải zèng, thổ cẩm trở nên nổi tiếng thế giới khi được thiết kế trên áo dài. Trong gần một thập kỷ, những chiếc áo dài thổ cẩm, lụa tơ tằm của NTK Minh Hạnh đã ra mắt và gây ấn tượng mạnh ở nhiều sàn diễn quốc tế. NTK Minh Hạnh kể: “Không chỉ yêu thích, khách quốc tế còn kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh tế của thổ cẩm, và cách người Mông, người Tà Ôi của Việt Nam dệt nên thổ cẩm”.

Có thể thấy, áo dài đã vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

 

Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh này đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc. Các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm. Áo dài là sự tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng. Và bản thân “Áo dài Huế” đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích.

Trình diễn áo dài Việt tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh Quang Tám
Trình diễn áo dài Việt tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh Quang Tám

Tháng 8/2021, Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa ThiênHuế chính thức phê duyệt. Qua đó, địa phương hướng đến phục hưng di sản văn hóa truyền thống - áo dài Huế, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế; để trang phục này trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương. Từ đó, phát triển Cố đô Huế thực sự là kinh đô của áo dài Việt Nam và Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Thừa Thiên Huế đề cao vai trò của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản của áo dài Huế một cách bền vững” - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải chia sẻ.

Là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành, tổ chức xã hội nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", Sở VH&TT tỉnh đã có nhiều hành động cụ thể lan tỏa mạnh mẽ nội dung của đề án đến với đời sống cộng đồng; đặc biệt là quảng bá, truyền thông về giá trị, xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”.

Đơn vị đã đi tiên phong không chỉ trong việc tổ chức hội thảo khoa học, sưu tầm, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản, mà còn đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, lễ chào cờ nơi công sở, trong đón tiếp khách ngoại giao.

Nhờ đó, phong trào khôi phục, chấn hưng và phát triển áo dài truyền thống Huế, tiêu biểu là các loại cổ phục như áo ngũ thân tay chẽn, ngũ thân tay rộng, áo nhật bình... đã đạt được những tín hiệu đáng mừng, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng Nhân dân và trong khối cơ quan Nhà nước, trường học.

Đi khắp các nẻo đường xứ Huế, nơi nông thôn hay thành thị hoặc trên các trang mạng xã hội, người dân cố đô trong tà áo dài đã không còn là hình ảnh xa lạ. Có thể nói, phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã và đang được đông đảo giới trẻ Thừa Thiên Huế quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Nó cho thấy thế hệ trẻ đã nhận thức được giá trị di sản văn hóa và nét riêng dân tộc trong dòng chảy văn hóa nhân loại từ áo dài.

Minh An