Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian công cộng - bản sắc văn hóa Thủ đô

Bài cuối: Kiến tạo những không gian văn hóa sáng tạo

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát huy hết công năng, không gian công cộng (KGCC) cần thể hiện được đặc tính không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí mà còn là địa điểm để gặp gỡ, giao tiếp, tương tác xã hội.

Dù nhỏ hẹp hay với quy mô rộng lớn, KGCC phải được kiến tạo như là một không gian văn hóa, một môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cá nhân và cộng đồng.

Tận dụng không gian quy mô nhỏ

KGCC tại Hà Nội chưa bảo đảm về quy mô và chất lượng, chưa phát huy được vai trò trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, theo các chuyên gia, để phát huy hiệu quả và giữ quỹ đất, TP cần coi trọng định hướng phát triển KGCC ở các quy mô khác nhau trong các đồ án quy hoạch, nhất là đồ án quy hoạch chi tiết. Trong đó, TP cần ưu tiên quỹ đất chuyển đổi, đất xen kẹt cho phát triển KGCC quy mô nhỏ.

Đơn cử, các tuyến phố thuộc khu phố cổ Hà Nội vẫn đang phát huy vai trò phát triển kinh tế nhưng chủ yếu theo đặc thù kinh doanh mặt hàng. Những di sản vật thể như 131 vòm cầu phố Phùng Hưng, cầu Long Biên... có thể trở thành những KGCC hấp dẫn.

Để khai thác hiệu quả các không gian này, Hà Nội cần xây dựng kịch bản thu hút thêm các hoạt động trải nghiệm về đêm. Qua đó tạo thành chuỗi các tuyến trải nghiệm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế đêm; gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, hướng đến sự bền vững môi trường, cảnh quan, văn hóa, xã hội, khai thác hiệu quả KGCC.

Không gian sáng tạo được phục dựng từ Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Không gian sáng tạo được phục dựng từ Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: TP cần đẩy mạnh khai thác loại hình công viên bỏ túi (porket park) tại các khu đất xen kẹt trong khu dân cư, nhất là khu vực nội thành, nhằm tạo tính đa dạng và tối ưu sự phân tán của các KGCC.

Những KGCC nhỏ này có vai trò rất lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa đô thị, hỗ trợ sức khỏe tinh thần, thể chất và gắn kết cộng đồng. Mặt khác, đây cũng là giải pháp quan trọng giúp chính quyền địa phương tạo ra KGCC dễ tiếp cận ở những khu vực đông dân, không có quỹ đất phát triển KGCC có quy mô lớn. Chúng dễ dàng bổ sung, rải rác khắp cấu trúc không gian đô thị và phục vụ trực tiếp người dân trong khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, TP có thể chuyển đổi các khu công nghiệp cũ thành KGCC. Bởi hiện nay, trải qua hàng chục năm, nhiều công trình công nghiệp đã hết niên hạn sử dụng. Chính vì vậy, việc di chuyển các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm TP là tất yếu.

Chuyển đổi các nhà máy, xí nghiệp này thành các công viên, không gian sáng tạo trở thành phương án tối ưu trong việc giải quyết vấn đề môi trường và mở rộng quỹ đất cho phát triển KGCC vốn đang gặp nhiều thách thức về khả năng mở rộng quy mô cũng như đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cư dân đô thị.

Dẫn chứng về hiệu quả của hình thức chuyển đổi các khu công nghiệp cũ thành các KGCC có thể thấy rõ qua việc Nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành nơi thu hút, hấp dẫn công chúng trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với hơn 200.000 lượt khách trải nghiệm trong vòng 12 ngày. Nhiều chuyên gia đánh giá, sức hút của Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Bùi Văn Tuấn - Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, đối với hầu hết các khu vực công cộng ở Hà Nội, chợ truyền thống cũng là một không gian quen thuộc và thấm đẫm hồn người đô thị.

Bởi lẽ, chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao tiếp, tương tác, liên kết của cư dân đô thị. Hiện nay, Hà Nội đang dành nhiều ưu tiên cho việc quy hoạch các siêu thị, trung tâm thương mại mà lãng quên việc quy hoạch chợ. Nếu các chợ được quy hoạch hợp lý sẽ không chỉ tiện ích cho sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng vốn là tập quán truyền thống của người dân.

Kinh nghiệm từ thế giới

Tại nhiều quốc gia, phát triển KGCC là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị hiện đại, tạo ra môi trường sống lành mạnh, cải thiện chất lượng sống của cư dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Công viên Central Park (TP New York, Mỹ) là một trong những KGCC nổi tiếng nhất thế giới, đóng vai trò là “lá phổi xanh” của TP New York. Không gian này được thiết kế với sự kết hợp giữa cảnh quan tự nhiên và khu vực dành cho hoạt động cộng đồng. Sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và kiến trúc nhân tạo giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của cư dân.

Trong khi đó, Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) nổi tiếng với hệ thống giao thông thân thiện với xe đạp và các công viên, quảng trường xanh rải rác khắp TP. Chính quyền TP đã xây dựng các tuyến đường xe đạp an toàn, tiện lợi, đồng thời phát triển các KGCC đa dạng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của cư dân.

Điều này cho thấy, quy hoạch đô thị cần lấy con người làm trung tâm. Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và phát triển không gian xanh giúp cải thiện chất lượng không khí.

Thủ đô Paris (Pháp) là một trong những TP tiên phong trong việc tạo ra không gian đi bộ thân thiện, đồng thời phát triển các công viên như Parc des Buttes-Chaumont và Jardin du Luxembourg, mang lại sự thoải mái, không gian xanh cho cư dân. Hay Tokyo (Nhật Bản) là một trong những TP đông dân nhất thế giới nhưng vẫn có nhiều KGCC sáng tạo.

Những khu vườn nhỏ, công viên trên cao, các quảng trường được tối ưu hóa để tận dụng những diện tích nhỏ hẹp trong lòng TP. Các đô thị có mật độ dân cư cao có thể học hỏi từ cách tối ưu hóa không gian của Tokyo. Các không gian nhỏ nhưng được quy hoạch cẩn thận vẫn có thể mang lại giá trị lớn cho cộng đồng. Thiết kế sáng tạo giúp tận dụng tối đa diện tích và vẫn cung cấp không gian xanh, tạo ra sự cân bằng trong đô thị.

Theo TS Bùi Văn Tuấn - Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, qua bài học kinh nghiệm về phát triển KGCC của một số TP trên thế giới cho thấy, phát triển KGCC cần xác định những đặc trưng riêng để khẳng định và phát triển thì mô hình Thành phố Sáng tạo rất phù hợp với định hướng của Hà Nội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các KGCC - nơi con người được tự do thể hiện bản thân, kết nối với cộng đồng. Mặt khác, việc phát triển KGCC đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và cách tiếp cận bền vững. Các đô thị trên thế giới đã chứng minh rằng KGCC có thể không chỉ là nơi thư giãn, giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, môi trường và sự gắn kết xã hội.

Những kinh nghiệm từ các đô thị trên thế giới cho thấy, việc phát triển KGCC đòi hỏi sự kết hợp giữa quy hoạch thông minh, sáng tạo và bền vững. Các TP cần tạo ra những không gian không chỉ là nơi giải trí, mà còn giúp gắn kết cộng đồng, cân bằng môi trường và phát triển kinh tế.

 

Tại tất cả các đô thị của phương Tây, KGCC luôn là một bộ phận cấu thành quan trọng tạo nên bố cục không gian đô thị, đặc biệt các quảng trường còn được coi là những không gian biểu đạt tính dân chủ. Riêng với châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, các KGCC luôn được xác định là một yếu tố hoàn toàn đối lập với những không gian riêng tư, cho dù chức năng của chúng chỉ có tính thương mại hay dùng cho mọi sinh hoạt…

Ở châu Á thì hoàn toàn khác, định nghĩa về không gian không phụ thuộc vào sự khác biệt giữa công cộng và riêng tư nên việc sử dụng và khai thác KGCC cho thấy sự chồng chéo của mọi loại hình hoạt động: thương mại, sinh hoạt, thậm chí hành chính, tôn giáo, chính trị. Vì vậy, có thể nói KGCC và cách thức sử dụng chúng chính là một hình thức biểu hiện các đặc điểm văn hóa của xã hội.

Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) Emmanuel Cerise