Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng di tích thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Bài cuối: Nhân rộng các mô hình kiểu mẫu

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế triển khai “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên địa bàn TP cho thấy mô hình có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản.

Qua đó đóng góp cho sự phát triển của ngành văn hóa Thủ đô trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khắc phục những hạn chế

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt, một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội gắn liền với lịch sử giáo dục khoa bảng Việt Nam. Không chỉ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc và nghệ thuật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện còn bảo tồn khối di vật nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại, mang giá trị nghệ thuật cao như: hệ thống 82 bia tiến sĩ, tượng thờ, chuông đồng, long ngai, kiệu rước, hoành phi, câu đối, khám thờ...

Văn Miếu - Quốc Tử Giám điểm đến thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Phạm Hùng
Văn Miếu - Quốc Tử Giám điểm đến thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Phạm Hùng

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay được coi là tài nguyên văn hóa cho du lịch Thủ đô. Nơi đây từ lâu vẫn được coi là một địa danh du lịch quan trọng bậc nhất, một điểm tham quan “không thể bỏ qua” khi đến Hà Nội. Mỗi năm khu di tích đón hàng triệu lượt khách tham quan cả trong nước và nước ngoài.

Triển khai xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đẩy mạnh tuyên truyền về hai bộ Quy tắc ứng xử tại nơi làm việc và tại di tích.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, mặc dù kết quả được rất đáng khích lệ, song vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần có giải pháp khắc phục. Đó là vẫn còn cán bộ, nhân viên chưa thực hiện nghiêm quy định, nội quy nơi làm việc, như vẫn còn đi muộn, về sớm hoặc làm việc riêng trong giờ làm việc.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng ứng xử chưa đúng mực với du khách, chưa thực hiện đúng nội quy, quy định trong việc trông giữ xe máy (thu tiền quá quy định, ứng xử chưa đúng mực khi khách phàn nàn). Ngoài ra, còn hiện tượng chưa thực sự ý thức trong việc giữ gìn di tích sạch, xanh, đẹp…

 

Quận Ba Đình sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ trông coi di tích để kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, quận tăng cường công tác quản lý Nhà nước, không để xảy ra việc thực hành mê tín dị đoan tại các di tích, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân, xâm hại cảnh quan của di tích; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm

Với di tích làng cổ Đường Lâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Hải Anh cũng nhìn nhận, mặc dù đã có sự cải thiện trong hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhưng một số điểm vẫn cần tiếp tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh đó, địa phương chưa phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa, truyền thống địa phương để làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách và tạo sức hấp dẫn lâu dài cho điểm đến.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, một số khu di tích, điểm du lịch chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho vấn đề vệ sinh môi trường.

Việc phân loại rác, xử lý rác thải, nước thải mới chỉ dừng ở mức thô sơ, các thiết bị thân thiện và bảo vệ môi trường chưa được đưa vào sử dụng phổ biến.

Bên cạnh đó, một số khu, điểm du lịch đang được hình thành hoặc mới tham gia vào hoạt động du lịch có cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, sơ sài, chưa tạo được dấu ấn riêng với khách du lịch. Đặc biệt, các loại hình dịch vụ tham quan chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo nên chưa tạo được dấu ấn, hình ảnh riêng trong lòng du khách.

Biến quy tắc thành thói quen

Hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa hiện có là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội mà không địa phương nào có được. Bởi vậy, việc tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” có ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị của các di tích trong thúc đẩy du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát các bộ phận trong thời gian làm việc, nhất là các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách tham quan, làm việc nơi công cộng, kịp thời nhắc nhở, xử lý khi có hiện tượng chưa đúng mực xảy ra.

Cùng với đó, thường xuyên sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quy tắc ứng xử, kịp thời khen thưởng, biểu dương cán bộ viên chức, bộ phận có hành động đẹp trong làm việc, tiếp xúc với khách, trong thực hiện nhiệm vụ.

“Đơn vị sẽ thường xuyên thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về các hành động ứng xử đẹp đúng quy định, nhắc nhở về Quy tắc ứng xử để dần biến những quy tắc nên làm trở thành thói quen trong sinh hoạt của mỗi người” - ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.

Theo Trưởng ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) Phạm Trần Quang, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng góp phần giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ban hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Trong quá trình làm việc, mọi ngưởi luôn tận tình, niềm nở, chuyên nghiệp phục vụ du khách và Nhân dân, xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm đến an toàn, hấp dẫn; đồng thời góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói chung, cũng như huyện Mê Linh nói riêng.

Do đó, thời gian tới, Ban Quản lý di tích tiếp tục đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với mật độ thường xuyên, liên tục, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, để di tích đền thờ Hai Bà Trưng xứng đáng với mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn hấp dẫn”.

 

Thời gian tới, huyện Quốc Oai tiếp tục chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu di tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn điểm du lịch.

Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa trong mọi tầng lớp Nhân dân nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo của các di tích quốc gia đặc biệt và những tiềm năng của huyện Quốc Oai đối với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với các di tích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng

Tại quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Diễm cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” bằng nhiều hình thức, phát huy vai trò của các hội đoàn thể trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đồng thời, quận tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các biện pháp quán triệt, giáo dục, quản lý, giám sát chặt chẽ thái độ ứng xử của cán bộ trông coi di tích, cơ sở kinh doanh buôn bán tại tuyến Đảo Ngọc - Trúc Bạch đối với du khách.

Lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội nhận định, thời gian qua, việc triển khai Quy tắc ứng xử tại các di tích trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tuy vậy, việc tuyên truyền, thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đổi mới bằng nhiều hình thức hấp dẫn, thiết thực và có sự lồng ghép giữa các hoạt động với nhau.

“Trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình, chỉ ra điểm tốt để phát huy, nhân rộng, điểm chưa tốt để khắc phục, phát huy tốt giá trị của di tích. Điều này cũng thể hiện vai trò, đóng góp của ngành năn hóa Thủ đô trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển của Thủ đô, của đất nước” - lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh.

Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi người dân Thủ đô, do đó việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội, coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Để các di tích, danh lam thắng cảnh ngày một văn minh, UBND TP đã chỉ đạo Sở VH&TT phối hợp cùng các ban, ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hiện thực hóa việc đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng đi sâu vào cuộc sống, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhân rộng thêm những mô hình di tích kiểu mẫu trong giai đoạn tới.

 

Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng tiếp tục vận động cán bộ, viên chức, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ; đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, phục vụ Nhân dân và du khách ngày càng tốt hơn.

Trưởng ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) Phạm Trần Quang