Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Thủ đô và đất nước; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Để có cái nhìn toàn diện về quá trình triển khai, hiệu quả mang lại và phương hướng trong thời gian tới, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn xung quanh vấn đề này.
Cách đây gần 15 năm, Ban Dân vận T.Ư chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước. Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà Đảng bộ TP Hà Nội đạt được trong việc triển khai phong trào thi đua ý nghĩa này?
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn: Cách đây 15 năm, Ban Dân vận T.Ư chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước. Đây là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, là hành động thiết thực, cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận. Từ đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai rộng khắp, được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân Hà Nội.
Thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận T.Ư, Thành ủy Hà Nội đã ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn Đảng bộ TP với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”. Lấy cơ sở làm địa bàn, lấy truyền thống văn hóa, cách mạng của Hà Nội và niềm tin yêu của Nhân dân Thủ đô với Đảng quang vinh làm điểm tựa; xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở làm nòng cốt để tập trung “Dân vận khéo” trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huy động sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận và tinh thần tự nguyện của người dân, từ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, cùng chung sức, đồng lòng với khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP được triển khai gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do T.Ư, TP và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Công tác đăng ký và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện đồng bộ trên 4 lĩnh vực: kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và theo 3 cấp: TP; quận huyện, thị xã và tương đương; cấp cơ sở. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, các lĩnh vực mà các cấp ủy đảng, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Từ những ngày đầu phát động phong trào còn bỡ ngỡ, đến nay, việc thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, được thực hiện ngày càng bài bản, khoa học, thực sự là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Qua đó, đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn của Thủ đô đã đạt được trong 15 năm qua, nhất là trong việc nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp nối truyền thống, thành quả và kinh nghiệm công tác dân vận của các nhiệm kỳ trước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Đảng bộ TP có nhiều sáng tạo và đạt kết quả nổi bật. Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã ban hành hơn 300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; đã có gần 70.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai có hiệu quả, hàng nghìn mô hình được biểu dương, khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp TP.
Quá trình triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn Thủ đô cho thấy đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực tại cơ sở, được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Xin đồng chí chia sẻ thêm về những mô hình này?
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn: Với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ TP đến cơ sở cùng cách làm bài bản, bám sát thực tiễn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự thấm sâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Tiêu biểu như trong lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình “Dân vận khéo” về phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi, khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu chính đáng; “khéo” vận động để người lao động hăng say sản xuất; “khéo” vận động DN tập trung xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cải tiến chế độ tiền lương, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân... được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai hiệu quả và có sức lan tỏa.
Các mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất làm đường, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân khu vực nông thôn đã giúp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã đã đạt.
Thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM với toàn bộ 382/382 xã đã đạt chuẩn NTM, 188 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 76 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 7/17 huyện đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của huyện NTM nâng cao. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế nhưng đời sống Nhân dân Thủ đô được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2023 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của TP hiện còn 0,03%, trong đó có 19 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút được nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia, nhân rộng.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã tập trung vào 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Nổi bật là mô hình vận động xã hội hóa xây dựng thư viện, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội, thể dục thể thao; chỉnh trang đô thị, xóa điểm đen chân rác thành vườn hoa; tặng thẻ BHYT cho hộ nghèo, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Mô hình “Dân vận khéo” trong việc vận động Nhân dân tại các quận, huyện, thị xã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thu được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai, tạo chuyển biến rõ nét. Theo đó, xuất hiện ngày càng nhiều đám cưới được thực hiện theo nếp sống mới, tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức tiệc trà, báo hỷ, không ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, đám cưới không có thuốc lá.
Trong việc tang, hầu hết các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức tang lễ thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với điều kiện của địa phương, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Các hủ tục trong tang lễ (lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc…) hầu như không còn. Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hình thức tang hỏa táng với tỷ lệ rất cao và có thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ 100%.
Các mô hình vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo tiết kiệm trong tổ chức các nghi lễ tôn giáo, vận động hội viên, Nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mô hình “Họ giáo không có người nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội”… đã phát huy tác dụng, hiệu quả, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn TP. Phong trào “Dân vận khéo” đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với đồng bào sinh sống tại các xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tập trung vào việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; hỗ trợ vay vốn cho các hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo và làm giàu.
Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, nhiều mô hình “Dân vận khéo” giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai hiệu quả như: mô hình “Dân vận khéo” trong vận động Nhân dân lắp đặt camera an ninh đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mô hình “Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”; mô hình “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn và tội phạm ma túy”, “An ninh tự quản trong dòng họ”, “An ninh tự quản trong họ giáo”, “Cổng trường an toàn”… được các đơn vị triển khai hiệu quả. Các lực lượng quân đội đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, tiêu biểu là mô hình “Huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận” của Bộ Tư lệnh Thủ đô…
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhiều mô hình “Dân vận khéo” xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế để tăng cường đối thoại, cầu thị tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết các kiến nghị chính đáng của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hằng năm, đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND từ TP đến xã, phường, thị trấn đều tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Theo đó đã có hàng chục nghìn ý kiến tại các hội nghị được tiếp thu, giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình từ cơ sở, giảm khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, đóng góp những ý kiến quý báu đối với cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và phát triển địa phương, Thủ đô, đất nước.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua cũng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của TP. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả quan trọng này?
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn: Thực tế thời gian qua cho thấy, vai trò của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được khẳng định khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong những hoàn cảnh cam go, thử thách; trở thành bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tiêu biểu là “Dân vận khéo” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 đã phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Theo đó, đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia hơn 26.000 “Tổ Covid-19 cộng đồng” ở 579 xã, phường, thị trấn. Vận động Nhân dân thực hiện quy định phòng, chống dịch; vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo tạm dừng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung để phòng chống dịch. Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, huy động nguồn lực to lớn từ Nhân dân để cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, kéo dài.
Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm của TP, nhất là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác dân vận đã vào cuộc tích cực từ sớm, với cách làm chủ động, khoa học, bài bản, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Thường xuyên nắm tình hình, tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của TP. Đồng thời, kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Những hoạt động trên đã đóng góp quan trọng vào việc khởi công dự án đúng tiến độ, trong thời gian ngắn.
Gần đây nhất, trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) gây ảnh hưởng nặng nề tại một số tỉnh, TP phía Bắc trong đó có Hà Nội, cán bộ dân vận, các tổ dân vận đã thể hiện vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống bão lụt, nhất là di chuyển cây xanh gẫy đổ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, di rời người và tài sản khỏi các khu vực nguy hiểm... Từ đó, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân qua khó khăn, thử thách lại càng được củng cố, tăng cường. Bầu không khí đoàn kết, gắn bó, chia sẻ bao trùm toàn TP với quyết tâm cao và niềm tin chiến thắng mọi khó khăn, thử thách.
Qua 15 năm, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được TP quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” như thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa đồng chí?
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn: Tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong thời gian tới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô và từng địa phương, đơn vị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác dân vận, nhất là đối với những vấn đề phức tạp phát sinh, những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Đồng thời, được triển khai đồng bộ, từ sớm, từ đầu, có cơ chế để đảm bảo sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị với vai trò lãnh đạo tập trung, quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng.
Cùng với xây dựng các mô hình, điển hình trong bối cảnh mới, Hà Nội tiếp tục quan tâm duy trì hiệu quả, nhân rộng và phát huy các mô hình, điển hình đã có. Tăng cường tuyên truyền về cách làm hiệu quả của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng các hình thức phong phú, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng. Ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông hiện đại để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Bên cạnh đó, kịp thời khảo sát, đánh giá, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả. Qua đó khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng phong cách người cán bộ dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “thật thà nhúng tay vào việc” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, công tác dân vận của Đảng bộ TP Hà Nội nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng sẽ không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh là cầu nối xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vận động và tập hợp Nhân dân, phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến, văn minh, hiện đại”./.
Xin cảm ơn đồng chí!
11:04 25/11/2024