Tây Hồ và tư tưởng của lời thề Trung Hiếu trong xây dựng phát triển

Bài cuối: Sẵn sàng tâm thế để Tây Hồ cất cánh

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 28 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, quận Tây Hồ đã vươn mình trở thành một trong những quận đáng sống nhất Thủ đô, địa điểm không thể bỏ qua đối với du khách trong nước cũng như quốc tế mỗi dịp ghé thăm Hà Nội.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng về những kết quả của quận đã đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới.

 Bài cuối: Sẵn sàng tâm thế để Tây Hồ cất cánh - Ảnh 1

Với cương vị là người đứng đầu địa phương, xin bà chia sẻ đôi chút thông tin về hành trình 28 năm xây dựng và phát triển của quận Tây Hồ?

- Ngày 27/12/1995, quận Tây Hồ chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La của huyện Từ Liêm (cũ). Ngày đầu mới thành lập, hạ tầng đô thị của quận rất lạc hậu, đường làng, ngõ xóm nhỏ, hẹp, xuống cấp, hệ thống điện sinh hoạt do các hợp tác xã quản lý cho nên chất lượng yếu và có giá cao. Người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi để sinh hoạt. Các trường học chủ yếu là nhà cấp bốn, nhiều nơi học sinh mầm non, tiểu học phải học nhờ trong các đình, chùa…

Song, sau 28 năm xây dựng và phát triển, đến thời điểm này, Tây Hồ đã sở hữu hệ thống giao thông ấn tượng với các tuyến đường huyết mạch từ 8 - 10 làn xe kết nối thẳng quận Tây Hồ đến các quận, huyện lân cận như: đường Võ Chí Công nối từ đầu Nam cầu Nhật Tân đến ngã tư đường Hoàng Hoa Thám – Hoàng Quốc Việt và đường Bưởi; đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài chạy xuyên qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, chạy qua các phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Xuân La (Tây Hồ); đường nối cầu Nhật Tân – cầu Thăng Long… Những tuyến đường này được coi là trục liên thông kết nối hệ thống giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô. Cùng với đó, sự xuất hiện của các Khu đô thị Tây Hồ Tây, Ciputra, hay gần đây nhất là trung tâm tâm thương mại Lotte Mall… đã từng bước cải thiện bộ mặt đô thị và vị thế của quận Tây Hồ.

Đến năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của quận ước đạt 1.106,8 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch ước đạt 91.745,4 tỷ đồng tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý đạt 14,6%. Đặc biệt, sau 28 năm xây dựng và phát triển, lần đầu tiên ngành GD&ĐT quận đạt 13/13 (100%) chỉ tiêu thi đua, được Sở GD&ĐT xếp loại Xuất sắc. Được UBND TP tặng Cờ thi đua Xuất sắc và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến những thành công trên?

- Trong suốt hành trình 28 năm xây dựng và phát triển, quận Tây Hồ đã vinh dự nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Những đóng góp đó đã góp phần định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho quận Tây Hồ ngày càng phát triển bền vững.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của TP, một trong những yếu tố then chốt đem lại một Tây Hồ như ngày hôm nay đó chính là tinh thần đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung của các lớp thế hệ lãnh đạo và toàn thể Nhân dân trên địa bàn. Ở bất cứ giai đoạn nào, cán bộ và Nhân dân quận luôn nhấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ trong câu nói: “Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công”.

Và “Vũ điệu kết đoàn” - kỷ lục "Màn múa Vũ điệu kết đoàn có số lượng người tham gia biểu diễn đông nhất Việt Nam” được tổ chức tại quận Tây Hồ trong tháng 11 vừa qua là một trong những ví dụ điển hình; là cầu nối để cấp ủy, chính quyền các cấp trong quận gần dân, sát dân và ngày càng hiểu dân hơn. Qua đó củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất cao trong toàn quận. Bởi, trong tổng số 1.200 diễn viên tham gia “Vũ điệu kết đoàn”, không phải ai có năng khiếu văn nghệ… thế nhưng, với tình yêu Tây Hồ, khát vọng Tây Hồ - khát vọng được cống hiến cho Tây Hồ, cho Thủ đô, 1.200 con người đã hòa chung một nhịp đập, đồng lòng cố gắng hết mình cho thành công của ngày hội.

Để duy trì những kết quả đã đạt được, xin bà cho biết, Tây Hồ sẽ phải làm những gì trong thời gian tới?

- Ở bất cứ giai đoạn, lĩnh vực nào, con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định cho sự thành công hay thất bại của một kế hoạch, một chương trình. Do đó, trong những năm tới, công tác phát triển, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là những cán bộ trẻ đủ cả tài và đức sẽ là việc quận Tây Hồ quan tâm thực hiện. Đồng thời, quận sẽ đẩy mạnh việc đăng ký nhận, đảm nhiệm nhiệm vụ khó theo Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đến người đứng đầu, từ các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ quận đến trưởng các đoàn thể chính trị xã hội, Bí thư cấp ủy Đảng trực thuộc Quận ủy, trưởng các phòng, ban và đơn vị sự nghiệp…

Một góc Hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Trình
Một góc Hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Trình

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục rà soát, xử lý những tồn đọng phát sinh trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền chỉ ra. Đồng thời, sẵn sàng các phương án quản lý, sử dụng, khai thác giá trị của Hồ Tây khi dự thảo Quy định về quản lý, khai thác Hồ Tây và đề án thành lập Ban Quản lý Hồ Tây được TP thông qua. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy hết các giá trị lịch sử văn hóa mà thiên nhiên đã ưu ái ban cho quận Tây Hồ… sẵn sàng tâm thế để Tây Hồ cất cánh, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, thương mại và du lịch của Thủ đô.
Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Trong năm 2023, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số SIPAS của quận Tây Hồ xếp thứ 4/30 quận/huyện/thị xã, xếp thứ 3/30 quận/huyện/thị xã về chỉ số hài lòng của người dân. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được chỉ đạo triển khai bảo đảm đúng quy định. Cơ bản 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Cắt giảm thời gian giải quyết đối với 22 thủ tục hành chính cấp quận và 23 thủ tục hành chính cấp phường. Thực hiện nghiêm túc việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai cơ bản hiệu quả 2 dịch vụ công liên thông theo Đề án 06 của Chính phủ…
Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Tây Hồ Phạm Việt Hùng