Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tết Việt theo dòng chảy thời gian]

Bài cuối: Tết không bao giờ nhạt màu

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, thường trải qua nhiều biến cố khốc liệt. Với hoàn cảnh nào, người ta có những ứng xử phù hợp với hoàn cảnh đó.

Tết thiên tai mất mùa đói kém, Tết chiến tranh đằng đẵng hàng thế kỷ, Tết hậu chiến gian nan, Tết mở cõi rừng sâu nước độc... thì lịch sử từng trải qua cả.

Chợ hoa Hàng Lược Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Trần Hải
Chợ hoa Hàng Lược Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Trần Hải

Đại dịch Covid-19 là một thử thách nhưng cũng cho ta thấy Tết không bao giờ phai nhạt trong tâm thức người Việt. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ xung quanh vấn đề giữ gìn nét đẹp của Tết Việt theo dòng chảy thời gian.

Chứa đựng điều tốt đẹp

Vài năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng nên gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch hoặc bỏ Tết, theo ông điều gì trong nét đẹp văn hóa bắt nguồn từ Tết của người Việt khiến chúng ta phải giữ gìn?
- Quan sát Tết như một di sản văn hóa truyền thống quan trọng hàng đầu trong các lễ tiết, chúng ta sẽ thấy Tết là dịp bùng nổ các giá trị rất nhân văn. Tết dành cho tất cả mọi người, có Tết là cái quyền hiển nhiên của tất cả dù điều kiện về Tết là rất khác nhau. Tết là ý thức về thời gian theo chu kỳ năm, là tính tuổi cho từng người.

Người xưa gọi người sống thọ là "thiên tước" tức là cái danh vị trời ban cho chứ vua chúa không phong được. cái "đại đạo hiếu sinh" của con người và vạn vật thì thêm một tuổi sống là một hạnh phúc tốt lành. Ai cũng hướng đến để hưởng cái phúc trời ấy cả.
Tết Việt dành cho mọi tộc người trong cộng đồng Tổ quốc Việt Nam. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài để cố kết dân tộc từ những nguồn riêng đi đến dòng chung của vận mệnh quốc gia. Không một lễ tiết tôn giáo nào có độ phổ biến nhân gian như là Tết cả.
Tết trong văn hóa Việt Nam trước hết dành cho gia đình, sau đó là họ tộc, làng nước. Văn hóa gia đình ngày càng chứng minh vai trò của nó trong xã hội hiện đại. Sự lỏng lẻo của mối ràng buộc gia đình, sự thiếu ý thức của giáo dục gia đình (gia giáo) đang tạo nên rất nhiều bất cập trong việc hình thành nhân cách từng cá nhân từ thủa ấu thơ. Tết trước hết là mong muốn đoàn viên của từng nhà trước bàn thờ tổ tiên để uống nước nhớ nguồn, để bất vong bản như các cụ xưa đã nói.
Ứng xử Tết luôn luôn hướng đến những điều tử tế: Thanh toán nợ nần, chỉnh trang không gian sống, chuẩn bị ẩm thực ngon và lành, không nói năng nặng lời, chúc sức khỏe tất cả mọi người, kỳ vọng một tương lai sáng sủa, làm từ thiện cho những người thiếu may mắn hơn... Chỉ những điều đó thôi cũng đã thấy Tết chứa đựng biết bao nhiêu điều tốt đẹp.
Ứng xử với Tết ra sao?
Do dịch bệnh Covid-19, một số phong tục đón Tết biến chuyển như chúc Tết online, đoàn viên online... Ông có quan niệm điều này có làm phai màu văn hóa Tết, phải chăng Tết đã nhạt dần?
- Lịch sử Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, thường trải qua nhiều biến cố khốc liệt. Với hoàn cảnh nào, người ta có những ứng xử phù hợp với hoàn cảnh đó. Tết thiên tai mất mùa đói kém; Tết chiến tranh đằng đẵng hàng thế kỷ; Tết hậu chiến gian nan; Tết mở cõi rừng sâu nước độc...

Đại dịch Covid-19 cũng là một thử thách. Nó có thể khác đi, lạ lẫm chút ít khi Tết online, đoàn viên online nhưng trong tâm hồn từng người thì làm sao nhạt được, thậm chí nó lại càng quý hơn khi chúng ta nghĩ đến những khi cuộc sống thuận buồm xuôi gió.

Ứng xử phù hợp để vượt qua thử thách là quy luật của tồn tại. Vậy trong cái Tết qua phương tiện mạng đó, ta vẫn thấy nó ấm cúng, vui vẻ như thường, ta cảm ơn khoa học công nghệ đã cho ta một phương tiện truyền thông mà mới đây thôi, nó chỉ có trong thần thoại. Thế là cái Tết đâu có nhạt trong tâm thức chúng ta!
Ông đánh giá gì về Tết thời nay so với ngày xưa?
- Ký ức cộng đồng cũng như ký ức cá nhân thường có xu hướng tích tụ những điều tốt đẹp của quá khứ để mà vui sống, mà kỳ vọng. Nói là "xưa" tức là đằng đẵng thời gian quá khứ, nói là "nay" có nghĩa Tết này, cái đang diễn ra trước mắt hôm nay. Thật khó so sánh.

Nếu xưa là ký ức của những người trên 50 tuổi, từng sống qua chiến tranh và gần hai mươi năm hậu chiến thì sẽ không ai muốn con cháu mình trải qua những cái Tết như vậy cả. Nó đầy nước mắt và ngập tràn đói khổ. Quý những ngày hôm nay thì chúng ta mới cố gắng cho những cái Tết đẹp hơn.
Chúng ta dựa vào đâu để khẳng định Tết cổ truyền vẫn còn mang nhiều giá trị đời sống người dân Việt?
- Với nhiều những giá trị của Tết như là một di sản văn hóa truyền thống từng tồn tại hàng ngàn năm thì tôi thấy sức sống của Tết càng ngày càng mạnh mẽ, càng ngày càng phong phú trong hội nhập văn hóa. Bởi vậy, giá trị của văn hóa Tết ngày càng được bồi đắp trên nền tảng của phát triển kinh tế được cải thiện, tiện nghi ngày càng thuận lợi. Chính điều đó làm cho giá trị Tết ngày càng được phát huy.

Về quê đón Tết thời chiến, 300 km đường, đạp xe mất 3 - 4 ngày ròng qua lối tắt, đường lận, đường "chiến lược", thời hậu chiến đi tàu hỏa mất đủ 24 tiếng chen chúc khốn khổ. Bây giờ thì khác lắm rồi. Gửi chút hương vị Tết làm quà cho bè bạn qua 600 km chỉ trong thời gian ngắn. Giá trị Tết được nhân lên nhiều lần qua truyền thông mạng. Thật là tuyệt vời. Vấn đề là chúng ta ứng xử với Tết ra sao thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Mỗi khi Tết đến Xuân về cảm giác Tết của tôi vừa như trẻ thơ vừa như cụ già. Tôi luôn luôn là "vị thành niên" của ông, bà, cha, mẹ và đã "lên ông" của cháu chắt. Vừa hứng khởi vừa lo toan, và may mắn thay vẫn còn nhiều dự cảm để cố gắng. Ký ức một thời gian nan vất vả cũng là một tài sản tinh thần đáng giá để chúng ta sống trong cõi đời này và lại mong về Tết để Đoàn viên.