“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững”. Thống nhất quan điểm trên, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục. Điều này cũng được cụ thể hoá tại Luật Thủ đô 2024 khi xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập để Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Thúc đẩy thi hành Luật Thủ đô, đưa Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống là việc cần làm hiện nay để không chỉ quy mô mạng lưới trường lớp mà chất lượng của giáo dục Thủ đô tiếp tục được củng cố, khẳng định và phát triển.
Cuối tháng 6/2024, Luật Thủ đô 2024 chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện có nghĩa rất quan trọng, tạo cơ chế vững chắc để Hà Nội tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện, trong đó có việc phát triển GD&ĐT.
Luật Thủ đô 2024 có 7 chương, 54 Điều, trong đó dành trọn vẹn Điều 22 để đưa ra những kế sách phát triển GD&ĐT, đồng thời khẳng định: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”.
Luật Thủ đô cũng nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời yêu cầu bảo đảm quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Để rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục công lập và tư thục, Luật Thủ đô quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.
Tại Điều 22 cũng nêu rõ nhiệm vụ của HĐND và UBND trong thực hiện chính sách giáo dục; trong đó HĐND TP quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn TP.
UBND TP quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao; điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Cùng với đó, UBND TP là đơn vị quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Với nội dung ngắn gọn, Điều 22 - Luật Thủ đô 2024 chỉ ra vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu của giáo dục Hà Nội, đó là xây dựng hệ thống trường công lập và bố trí quỹ đất xây dựng trường. Thực tế cho thấy, không phải khi có Luật Thủ đô, vấn đề trên mới được quan tâm mà đây là nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt được Thành uỷ, HĐND, UBND TP đặt ra thời gian qua và đã cho hiệu quả rõ rệt.
Các cấp học tại Hà Nội được quan tâm đầu tư, xây mới, sửa chữa trường lớp giúp tạo hứng khởi, động lực và quyết tâm cho thầy trò khi năm học mới bắt đầu. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết: năm học 2023 - 2024, phòng đã tham mưu UBND huyện đầu tư xây mới các đơn nguyên ở 9 trường với 10 dự án với tổng kinh phí gần 280 tỉ đồng. Các dự án xây dựng mới bổ sung 93 phòng học và 31 phòng bộ môn, 4 nhà giáo dục thể chất và các phòng hành chính quản trị. Cùng với đó, phòng cũng tham mưu cải tạo, sửa chữa lớp học, phòng học chức năng, nhà giáo dục thể chất, sân trường, cổng trường, nhà vệ sinh ở 8 trường với tổng kinh phí gồm 21,5 tỉ đồng.
Tại quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của quận tham mưu với UBND đầu tư gần 422 tỷ đồng để xây mới và cải tạo 4 trường (Mầm non Hoa Hồng; THCS Lê Quý Đôn; tiểu học và THCS tại ô đất D27 khu đô thị mới Cầu Giấy); xây dựng hoàn thành và thành lập mới 2 trường (Mầm non Bình Minh, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân), đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn quận trong năm học tới.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 của toàn ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường lớp học đáp ứng với nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hoá, dịch chuyển dân số nhất là dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị TP tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý.
Để công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, qua tổng hợp ý kiến của các đơn vị trên địa bàn, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong giáo dục, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, như cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Sở đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện; đồng thời kiến nghị UBND TP và các quận, huyện, thị xã miễn học phí cho học sinh THCS, THPT công lập trên địa bàn TP; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập. Hiện nay mặc dù đã được quan tâm đầu tư, mua sắm, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, đặc biệt đối với những ngành nghề mới, đòi hỏi công nghệ cao theo nhu cầu của xã hội.
Nhằm thực hiện tốt chính sách phân luồng sau tốt nghiệp THCS, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, Bộ cần sớm có cơ chế, chính sách với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, như đầu tư, phát triển trung tâm này thành trung tâm đào tạo học tập suốt đời, chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô; định hướng phát triển giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp giống như hệ thống giáo dục của một số nước, có thể liên thông lên đại học; điều này giúp giảm tải cho hệ thống các trường THPT công lập vào mỗi mùa tuyển sinh lớp 10.
Tương tự ý kiến của các chuyên gia, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ cho phép các dự án đầu tư xây dựng trường học tư thục được phép bổ sung thêm cấp học để thành lập trường phổ thông có nhiều cấp học, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục; đồng thời cho phép các trường tư thục được thuê và sử dụng cơ sở vật chất công dôi dư sau khi điều chỉnh sắp xếp tài sản công theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 69/2008/NĐ-CP.
Chia sẻ với cách thức Hà Nội đã và đang làm, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Thời gian qua, Hà Nội đã rất tích cực giải quyết tình trạng thiếu trường lớp bằng việc cải tạo và xây mới trường học; đồng thời đồng tình với một số đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù của Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp.
Tuy nhiên, theo bà, tình trạng này không thể ứng phó hoặc giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần phải có chiến lược; đồng thời linh hoạt các mô hình khác nhau để bảo đảm giải pháp mang tính chất ngắn hạn và dài hạn. Trong các trường học ở khu đô thị lớn thì ngoài tuân thủ tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng quốc gia cũng cần có những tiêu chí đặc thù để giúp linh hoạt, đáp ứng yêu cầu riêng của địa phương.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới của ngành giáo dục Hà Nội là tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Trên tinh thần đó, các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cần tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp; ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập; đồng thời tích cực nghiên cứu, tham mưu việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ.
Thời điểm hiện tại, gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô đang hân hoan chuẩn bị năm học mới 2024 – 2025. Với 2.913 trường học, trong đó có hàng trăm ngôi trường được đầu tư xây mới, sửa chữa đi vào hoạt động đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành giáo dục Thủ đô. Bức tranh màu xám về tình trạng thiếu trường lớp, quá tải học sinh tại Hà Nội đang dần đổi màu tươi sáng hơn. Giải quyết bài toán thiếu trường lớp là một hành trình nhiều khó khăn, cần thời gian để từng bước thực hiện.
Song song với việc tăng tốc, xây trường, ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành thông qua Chương trình “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với sự hưởng ứng tích cực của 100% trường học trên địa bàn TP. Luôn xác định tầm quan trọng của GD&ĐT, với hướng đi đúng đắn cùng tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị TP, Nhân dân Thủ đô tin tưởng trong thời gian không xa, Hà Nội sẽ đủ trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của người dân; để học sinh có thêm nhiều ngôi trường hạnh phúc và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
17:14 01/09/2024