Đầu tư cho văn hóa, tạo nguồn lực hướng tới tương lai

Bài cuối: Tìm giải pháp biến ý tưởng thành hiện thực

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của TP Hà Nội, Thủ đô sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung

>>> Bài 1: Đầu tư cho văn hóa, tạo nguồn lực hướng tới tương lai
>> Bài 2: Tập trung vào mũi nhọn

Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Hà Nội là một trong các TP có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, có thương hiệu và là TP sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Biến văn hóa thành kinh tế mũi nhọn

Hà Nội của năm 2022 có 1.012 tuổi - một thủ đô hiếm hoi trên thế giới có bề dày văn hóa lịch sử hơn 1.000 năm. Trong suốt 11 thế kỷ, Hà Nội có nhiều khu phố mới được hình thành, những cao tốc, cầu đường, tòa nhà hiện đại... đan xen những đình làng, cổng làng kiến trúc cổ. Đó là hình ảnh trực quan cho sự phát triển hiện đại đan xen những giá trị truyền thống. Làng lên phố, và có phố ở trong làng tạo nét đặc sắc cho mảnh đất kinh kỳ.

Biểu diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Biểu diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến là một thách thức lớn. Hà Nội sẽ phải huy động một nguồn lực rất lớn. Do đó, theo các chuyên gia, Hà Nội dứt khoát không thể theo nếp nghĩ và cách làm cũ "Hà Nội không vội được đâu".

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TT2 ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội sẽ tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; có cơ chế chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Cụ thể, ở nhóm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86 - 88%; làng văn hóa 65%; tổ dân phố văn hóa 75%; thôn, làng có nhà văn hóa 100%. Tất cả các quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 70 - 73% cơ quan, đơn vị, DN được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ công nhận danh hiệu gia đình văn hóa là 89 - 90%; làng văn hóa 70%; tổ dân phố văn hóa 80%. Tất cả các trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, các nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định.

Ở nhóm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội phấn đấu trên 95% di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, khoảng 70% di tích xếp hạng quốc gia được tu bổ, tôn tạo; hoàn thành chỉ tiêu được phê duyệt tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, hàng năm, có khoảng 20% di tích cấp TP xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền) giai đoạn 2021 - 2025…

Giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển CNVH có tính chuyên nghiệp; sản phẩm CNVH có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu TP sáng tạo. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.

Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội trong Top các TP có ngành công nghiệp văn hóa phát triển và là TP sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt ưu tiên đầu tư cho di sản

Theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư cho văn hóa, các cấp các ngành của TP cần tiếp tục bám sát quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiềm năng lợi thế của Thủ đô để chủ động thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xác định rõ nội dung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình CNVH. Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.

Để thu hút và hỗ trợ đầu tư, TP đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của các đơn vị trong và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển CNVH gắn với du lịch; xây dựng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có bản sắc riêng, gắn kết truyền thống và hiện đại; tăng cường công tác quản lý Nhà nước bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt ưu tiên đối với các di tích quốc gia đặc biệt, các di tích thế giới, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu.

 

"Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh, tạo thành vùng thủ đô như khu vực sông Hồng.

Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng là sáng kiến quan trọng, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự." - Trưởng đại diện Chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France và TP Hà Nội Emanuel Cerise

Để Hà Nội đạt được thành công trong quá trình tạo ra các sản phẩm, dự án văn hóa lớn, UNESCO tin tưởng vào sự cần thiết của những quan hệ đối tác vững mạnh.

Trước hết, TP cần thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện cho các mối quan hệ đối tác giữa các thiết chế văn hóa đặc sắc trên địa bàn, chẳng hạn, giữa các điểm đến di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề với các đối tác công - tư trong lĩnh vực công nghiệp nội dung, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để hình thành các sản phẩm chất lượng, có dấu ấn tại các không gian văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

"Đồng thời, với vai trò là một TP -Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Bangkok, Hà Nội có lợi thế trong việc tổ chức và trở thành điểm đến cho các diễn đàn, sự kiện khu vực và quốc tế, thúc đẩy những sự hợp tác mang tầm quốc tế với các TP khác trên thế giới.

Thêm vào đó, Thủ đô cũng là nơi tập trung mật độ cao lực lượng thanh niên giàu năng lượng, trình độ và kỹ năng - họ cần được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển này. Bởi họ, với sức trẻ và sự sáng tạo của mình, sẽ là nòng cốt hiện thực hóa những ý tưởng và tầm nhìn của TP." - Trưởng ban Văn hóa - Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần