Khơi dậy tiềm năng sáng tạo từ các làng nghề truyền thống:

Bài cuối: Tìm giải pháp phát triển không gian sáng tạo

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vốn nổi tiếng là mảnh đất trăm nghề, với rất nhiều làng nghề truyền thống, mỗi làng nghề có một nét đặc trưng, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn mà lưu giữ nhiều giá trị văn hóa.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các làng nghề đang nỗ lực phát triển dựa trên sự cân bằng giữa sản xuất và bảo tồn giá trị truyền thống.

>>> Bài 1: Dòng chảy văn hóa Việt qua các làng nghề

>>> Bài 2: Làng nghề đang vơi cạn

Đánh thức năng lực tiềm ẩn của làng nghề

Trong số tất cả các làng nghề tại Hà Nội, nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)… Thời gian qua, Hà Nội xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống đang là thế mạnh, vì vậy, TP đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch…

Giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Ảnh: Hải Linh
Giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Tuy nhiên, theo trợ lý Dự án hợp tác giữa vùng Ile-de-France và TP Hà Nội Trương Quốc Toàn: Làng nghề Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng phần lớn vẫn chưa khai thác hết. Một số làng nghề bước đầu đã tạo dựng được thêm những mẫu mã mới, không gian văn hóa có tính đương đại như gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Là nghệ nhân khảm trai và có nhiều kinh nghiệm đón khách du lịch, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng (Phú Xuyên) chia sẻ: “Khi phát triển du lịch làng nghề, đôi khi chúng ta mới chú trọng đến yếu tố “nghề” mà xem nhẹ yếu tố “làng”. Chúng ta tập trung vào phát huy giá trị của các nghề thủ công truyền thống để thu hút khách du lịch, nhưng lại chưa quan tâm đến nhu cầu của du khách. Họ không chỉ muốn khám phá các tinh hoa nghề truyền thống, mà còn muốn có những giây phút thư giãn giữa không gian làng quê với những yếu tố đặc trưng như mái đình, cây đa, giếng làng, cảnh quan đồng ruộng”.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển đứng sau các không gian cộng đồng như bích họa Phùng Hưng, Phúc Tân và sắp tới là không gian giao lưu triển lãm ở 22 Hàng Buồm nhận định: “Để phát triển du lịch làng nghề, không gian sáng tạo cần phải có một khối óc tổ chức, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không làm được điều đó, làng nghề sẽ lôm nhôm như chợ quê”.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô, qua đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo trên trường quốc tế. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững là hết sức quan trọng.

Thời gian qua, nghề truyền thống được nhìn nhận là một di sản văn hóa bởi nó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của cộng đồng tại địa phương từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Tại Hà Nội, một số nghề truyền thống được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề làm cốm Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Thực tế, không chỉ các làng nghề có nghề truyền thống được ghi danh di sản văn hóa mới có ý thức bảo tồn mà các làng nghề truyền thống khác đều chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị.

Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chính quyền địa phương đã phát huy tối đa nguồn di sản của làng nghề, khuyến khích nghệ nhân liên kết với các tour du lịch để đưa khách về tham quan làng nghề. Đến nay, mô hình này đạt được thành công đáng kể, tiêu biểu như: Gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Sơn, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm và Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc. Làng nghề Vạn Phúc được đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng Liệt sĩ, đình làng, miếu thờ tổ nghề gắn với lịch sử hình thành của nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Theo Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ (Hà Đông): Đa Sỹ là một làng cổ, một làng khoa bảng, có nghề rèn truyền thống hình thành từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làng nghề rèn Đa Sỹ không ngừng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có một hệ thống di tích, lịch sử đặc sắc.

Du khách đến đây không chỉ tìm hiểu về nghề truyền thống, tham quan không gian làng xã mà còn trải nghiệm nơi sản xuất, trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì thế, trong giai đoạn 2020 - 2025, quận Hà Đông tạo điều kiện để làng nghề rèn Đa Sỹ phát triển sản xuất gắn liền với giữ gìn thương hiệu sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Phát huy không gian sáng tạo

Ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tại các làng nghề truyền thống tiêu biểu; phát huy không gian sáng tạo sản phẩm tại các làng nghề; hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề trong hoạt động thực hành, giới thiệu, truyền dạy tri thức và kỹ năng thực hành nghề… là những nội dung nêu trong Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/3/2022 của UBND TP Hà Nội về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Đáng chú ý, nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là TP sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống.

TS Phạm Hùng Cường - trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang "ôm" trong mình một di sản vô cùng quý giá, đó là hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng trăm làng cổ, với nhiều nét đặc trưng. Nếu có thể biến đổi những giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề thành những không gian sáng tạo, hỗ trợ nghệ nhân làng nghề thì nơi đây sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.

Thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động trong việc phát huy không gian sáng tạo trong các làng nghề như: “Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” nhằm khơi gợi ý tưởng mới, độc đáo trong đó có không gian các làng nghề truyền thống nhằm phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại. Hay, từ vài năm trước, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi ý tưởng Quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng để hướng tới xây dựng thành các điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Những năm qua, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm đầu tư chỉnh trang và lát gạch Bát Tràng khắp các tuyến đường trong khu làng cổ, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với hạ tầng phát triển du lịch. Các cơ sở sản ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết kế sáng tạo, đa dạng mẫu mã sản phẩm gốm sứ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, làng nghề Bát Tràng còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề truyền thống như lập cổng thông tin điện tử, website, ứng dụng du lịch, số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ quốc tế, trải nghiệm thực tế ảo… để thu hút du khách đến với Bát Tràng.

Khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, người dân kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thủ đô với vị thế ngày càng nâng cao, các lĩnh vực sáng tạo văn hóa được quảng bá rộng hơn, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp kết nối hiện tại và tương lai. Làng nghề truyền thống với nhiều ưu thế nổi bật, sẽ thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

 

"Giá trị sản phẩm không chỉ nằm trong chất lượng của sản phẩm, mà còn là những câu chuyện đi theo nó. Được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra sản phẩm, thấy được bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, sự kỳ công để tạo tác và đặc biệt là những câu chuyện truyền thống, dấu ấn lịch sử, phong tục tập quán sẽ giúp cho những sản phẩm trở nên hấp dẫn và có giá trị hơn trong con mắt của du khách." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn

"Mỗi làng nghề ngoài sản phẩm truyền thống cần phải có không gian văn hóa đính kèm, chính là cây đa, sân đình, đình thờ tổ nghề... tạo nên sức hút cho du khách."- Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần