[Văn hóa du Xuân thích nghi tình huống mới]

Bài cuối: Trở về niềm vui ban đầu

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai năm không pháo hoa, không lễ hội, đến Xuân Nhâm Dần 2022 văn hóa du Xuân được khởi sắc nhờ chính sách vaccine và thích ứng an toàn với dịch.

Người dân đi du Xuân trong tâm trạng vui tươi hơn, phấn khởi sau hai năm trầm lắng. Du Xuân lại trở về đúng giá trị và niềm vui ban đầu.

Tour tâm linh vẫn đắt khách

Những hàng xe nối dài theo hướng lên khu du lịch Tam Đảo. Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, tình trạng tắc nghẽn giao thông lặp đi lặp lại mỗi ngày, có khi 2 - 3 tiếng du khách cũng chưa thể lên tới nơi. Thế nhưng tại trung tâm khu du lịch Tam Đảo, không khí nhộn nhịp đã bao trùm cả không gian.

Người dân du xuân tại Hội An. Ảnh: Phi Long
Người dân du xuân tại Hội An. Ảnh: Phi Long

Khá đông du khách đến đây từ trước đang chụp hình, vui chơi bất chấp thời tiết không thuận lợi, nhiều sương mù và mưa phùn. Chị Nguyễn Thị Hiệp - huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: “Mình không nghĩ du khách lên Tam Đảo những ngày đầu Xuân đông như vậy. Mình tham khảo khách sạn trên đây đa số còn phòng. Chính vì thế mình nghĩ lượng du khách không tới nỗi đông lắm, không bị quá tải”.

Theo anh Phùng Chí Trung - quản lý khách sạn Camellia, Tam Đảo: “Từ Tết đến nay lượng khách lên Tam Đảo rất đông, có những khách đã đặt phòng trước từ 2 - 3 tháng. Tất cả những khách lưu trú tại khách sạn đều yêu cầu ít nhất tiêm 2 mũi. Nếu không có xét nghiệm nhanh hoặc PCR thì sẽ phải test trước khi vào khách sạn và khách sạn hỗ trợ khách hàng 100%”.

Không chỉ du Xuân mà nhiều gia đình cũng lựa chọn du lịch tâm linh trong thời gian nghỉ lễ. Mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách đến tham quan khu di tích danh thắng Tây Thiên. Bởi vậy, yếu tố phòng dịch cũng được Ban Quản lý di tích chú trọng.

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương khởi động nhiều chính sách thu hút du khách du Xuân, đặc biệt ở những tour du lịch tâm linh. Trong nửa tháng kể từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (1 - 15/2), tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch tâm linh như Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu…

Không chỉ có Quảng Ninh hay Vĩnh Phúc mà trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán, tỉnh Nam Định cũng đón 1 vạn du khách về chiêm bái, lễ bái tại đền Trần, chùa Tháp. Tỉnh Tây Ninh đón 600.000 lượt khách đến di tích Bà Đen. Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương trên cả nước đón khoảng hơn 6,2 triệu lượt du khách du Xuân. Và trong đó điểm đến tâm linh vẫn thu hút đông người.

Với người Việt đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

“Kích hoạt” ý thức phòng dịch

Hình ảnh khác lạ khi đi lễ đầu năm tại các đền, chùa của Nhâm Dần 2022 là việc người dân đeo khẩu trang, khai báo y tế,… Và trong lời cầu lễ năm nay, người dân không chỉ cầu an, cầu sức khỏe, cầu tài lộc mà còn mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Tại một số cơ sở thờ tự, tín ngưỡng dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, công tác kiểm soát, phòng chống dịch đều được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương đã chủ động không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự. Ý thức tự giác của mỗi người dân, du khách được nâng lên nhiều.

Người dân đi lễ đơn giản hơn, đồ lễ rất nhẹ nhàng. Tại các di tích đều có biển hiệu nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, thực hiện 5K, đảm bảo an toàn cho du khách thập phương khi đi lễ chùa.

Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Trưởng phòng VH&TT huyện Đông Anh (Hà Nội) Đặng Giang Sơn cho biết: “Trên địa bàn huyện có 96 lễ hội, trong đó có hai lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Cổ Loa và Lễ hội đền Sái.

Huyện đã thông báo dừng toàn bộ hoạt động lễ hội, yêu cầu các địa phương tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân để tạo sự đồng thuận, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc phòng, chống dịch tại nơi có lễ hội. Trong ngày Tết và ngày chính lễ, các điểm di tích, thờ tự thực hiện việc thờ cúng trang trọng và đúng quy định về phòng dịch”.

Trước đó, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã “kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP với việc công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến hoạt động trên; tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội từ ngày 5/2.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, các đoàn kiểm tra tập trung giám sát việc tạm dừng lễ hội theo quy định; công tác tuyên truyền, vận động người dân không tập trung đông người, không lập bàn thờ tạm gần các di tích đình, đền, chùa…, cài tiền lẻ tại cổng để bái vọng, vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ về dịch.

Trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung các giải pháp để đảm bảo an toàn, thu hút du khách đến Quảng Ninh. Các cơ sở kinh doanh, du lịch, dịch vụ thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, đảm bảo an toàn như Quét mã QR, thực hiện quy định 5K; khuyến cáo khách du lịch đến các cơ sở lưu trú, dịch vụ, khu, điểm du lịch tại Quảng Ninh phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính trong thời gian tối đa 24 giờ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai dán nhãn đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thực hiện tuyên truyền, công khai rộng rãi để các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ.

Gìn giữ từng đặc trưng văn hóa vùng miền

Tại miền Bắc, hội Xuân rất phong phú, mỗi lễ hội có nét đẹp riêng và người đi hội gọi là “Trẩy hội”. Người già, trung niên đầu năm thường tham gia trẩy hội Chùa Hương, hội Làng Gióng... Cách thức ăn mặc không rườm rà, miễn sao có lòng thành để mang hương hoa, lễ vật đến cúng Phật, thánh, thần.

Ở miền Trung và miền Nam, nhìn chung phần hội ngày xuân thường mang tính đặc thù của vùng đất sinh sống. Nếu miền Nam, trong ngày hội thường chú trọng phần ăn uống “lai rai”, thì ở miền Trung lại chủ yếu phần “chơi”: Chơi Bài chòi, chơi lôtô, nghe hát Sắc bùa đầu năm...

Dù “ăn” hay “chơi”, mọi người đều chuộng cách ăn mặc đẹp, trang trọng, giao tiếp cởi mở để lấy “hên” đầu năm. Và do đó, sau mỗi cái Tết đi qua, mọi người gặp nhau thường hỏi chuyện: Đi được những đâu? Đã gặp may đầu năm chưa?…

Người Việt cũng tin rằng, đi du Xuân ở những chốn tâm linh trong tiết trời se se lạnh, lất phất giọt mưa Xuân, như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân. Du Xuân, lễ Phật không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè, mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết Xuân và là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử của bản thân. Niềm vui du Xuân ấy đang trở lại sau 2 năm ngủ yên

 

Ngày 16/2, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) ký ban hành Công văn số 79/VHCS-NSVH về nội dung tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022. Công văn cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động Nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần