Các nước này thực hiện khấu trừ thuế VAT đối với một số văn hóa phẩm; khuyến khích cá nhân đóng góp phần trăm thu nhập cho văn hóa.
Ưu đãi thuế
Trên thế giới, thực tế các DN ngành văn hóa nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Các nước châu Âu cũng thực hiện pháp luật về thành lập và hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận; quy định cho phép công dân quyên góp 1% (hoặc tỷ lệ khác) số thuế đã nộp năm trước cho tổ chức phi Chính phủ.
Các nước còn miễn giảm về các loại thuế trực tiếp khác, cụ thể là thuế chuyển nhượng, thuế thừa kế và thuế tài sản liên quan đến việc sở hữu hàng hóa văn hóa; miễn và giảm thuế gián tiếp (thuế giá trị gia tăng - VAT, thuế bán hàng) và các nghĩa vụ thuế liên quan đến việc buôn bán hàng hóa văn hóa cũng như cung cấp dịch vụ văn hóa.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), VAT được xem như một loại thuế có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng và sự phát triển của các hoạt động và các ngành văn hóa. Mức VAT thấp thể hiện một trong những biện pháp quan trọng nhất của việc đầu tư gián tiếp từ nguồn ngân sách công và do đó, khiến cho chính sách VAT trở thành một biện pháp quan trọng.
Tại Phần Lan, đạo luật thuế VAT đã được ban hành để phù hợp với các quy định về VAT của EU. Thuế suất VAT tiêu chuẩn ở Phần Lan là 22%. Mức thuế VAT giảm trừ là 8% đối với sách và vé các dịch vụ, buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và giải trí (ví dụ vé vào cửa bảo tàng, doanh thu phòng vé từ rạp chiếu phim, nhà hát, dàn nhạc, rạp xiếc, các buổi biểu diễn âm nhạc và khiêu vũ). Thuế suất VAT dành cho báo và tạp chí là 0%.
Việt Nam cần xây dựng các hỗ trợ pháp lý cụ thể cho gây quỹ cộng đồng, gồm có các vấn đề như: sử dụng bản quyền, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và quyền sở hữu kinh doanh, bảo vệ dữ liệu của người sử dụng, xác nhận tư cách pháp nhân của đơn vị/tổ chức gây quỹ cộng đồng (ví dụ ở Đức, các tổ chức gây quỹ cộng đồng được miễn thuế giá trị gia tăng khi đăng ký là các tổ chức phi lợi nhuận). Ngoài ra, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích (như cung cấp quỹ đối ứng) để thúc đẩy sự hỗ trợ của cộng đồng cho những dự án/chương trình có ý nghĩa và hiệu quả.
PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Tại Đức một số sản phẩm văn hóa (như sách) được hưởng mức thuế VAT giảm 7% thay vì mức tiêu chuẩn là 19%; trong một số điều kiện nhất định, các hoạt động văn hóa công cộng và các hoạt động phi lợi nhuận (ví dụ biểu diễn tại nhà hát) được miễn cả thuế VAT và thuế DN. Việc bán các ấn phẩm và tác phẩm của các nhà văn, nhà soạn nhạc hoặc nghệ sĩ thị giác được bảo vệ bởi quyền tác giả cũng được hưởng mức thuế giảm trừ.
Tạo khung tài chính
Nhìn chung, theo các nhà nghiên cứu, khu vực Nhà nước nên tìm cách tạo ra một khung tài chính hỗn hợp, ví dụ một số nước có quy định là khi các tổ chức nghệ thuật huy động được bao nhiêu tiền tài trợ từ các nguồn khác thì chính phủ cũng cấp cho tổ chức nghệ thuật số tiền đúng bằng như vậy.
Ngoài ra, để thúc đẩy tài trợ cho văn hóa, một số khoản thuế đặc biệt còn được áp dụng. Ví dụ, doanh thu từ xổ số ở một số nước đã tạo nên một tài sản đáng kể để hỗ trợ cho các dự án văn hóa. Các cơ quan tài trợ cho lĩnh vực phim ảnh tại Pháp, Đan Mạch, Itali, Đức, Áo và các nước khác xác lập cơ sở thu nhập chủ yếu dựa trên các khoản thuế đặc biệt bổ sung áp dụng với vé vào cửa, các khoản thuế đặc biệt đối với những nhà khai khác các tác phẩm điện ảnh.
Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu để đề xuất những cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, cụ thể là ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh... Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở trường hợp TP Hà Nội. Vụ Kế hoạch Tài chính cũng đang xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.
TS Mai Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Sau khi thu các khoản này, các đơn vị tài trợ khuyến khích sản xuất các bộ phim mới, việc phân phối chúng và đôi khi bao gồm cả các biện pháp bổ sung khác (như quảng cáo, tiếp thị xuất khẩu…).
Ngoài ra, các khoản thuế đặc biệt áp dụng với lĩnh vực truyền hình/phát thanh tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, đôi khi liên quan đến cái gọi là "hạn mức" để điều chỉnh nội dung các chương trình nước ngoài.
Những ví dụ thú vị của hình thức này có thể thấy ở Canada, Pháp (nơi tất cả các quy định về hạn mức đều có), Thụy Sĩ, nơi Pay-TV (truyền hình trả tiền) mới ra đời cũng phải đóng góp một phần lợi nhuận của mình vào việc sản xuất các bộ phim.
Cuối cùng, ở một vài nước, các nguồn tài trợ cho cả mục đích văn hóa và xã hội ít nhất có được một phần thu nhập của họ từ các khoản thuế đặc biệt được lấy từ tiền vé nhà hát, hòa nhạc, bảo tàng, triển lãm và việc bán các tác phẩm nghệ thuật ở cả cơ sở công lập và tư nhân, vé vào cửa các vũ trường và sàn nhảy hoặc những sự kiện tương tự.
Nguồn thu nhập này được dùng để bổ sung cho các quỹ văn hóa (chẳng hạn như ở Cộng hòa Dân chủ Đức hay Ba Lan...), hoặc được dùng cho các quỹ bổ sung tiền lương cho các nghệ sĩ trình diễn hoặc nghệ sĩ thị giác.
Quỹ cộng đồng
Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, việc gây quỹ cộng đồng qua mạng
internet đã bắt đầu manh nha phát triển. Ví dụ như trang web: http://longthantuong.com/ đã gây quỹ cộng đồng thành công cho dự án truyện tranh truyền thuyết “Long thần tướng”, hay dự án gây quỹ để xây lại nhà lang của Bảo tàng không gian văn hóa Mường, gây quỹ cộng đồng cho dự án “Những ca khúc Việt cổ” của Lê Cát Trọng Lý.
Có thể nói, Việt Nam đang ở trong một giai đoạn bản lề của sự chuyển đổi, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương rất rõ ràng để đầu tư cho công nghiệp văn hóa, nhưng việc chậm trễ trong triển khai và cụ thể hóa các định hướng, chính sách có thể sẽ làm mất đi cơ hội để phát triển và hòa nhập với thế giới.