70 năm giải phóng Thủ đô

Bài học chậm trễ cấp “sổ đỏ” tại quận Bình Tân: Cần triệt tiêu trì trệ gây ảnh hưởng đến người dân

Theo TẠP CHÍ MẶT TRẬN
Chia sẻ Zalo

Vụ việc chậm trễ cấp “sổ đỏ” cho người dân tại phường An Lạc, quận Bình Tân đã kéo dài gần nửa năm nay; tuy nhiên, các cấp chính quyền quận Bình Tân vẫn chưa giải quyết dứt điểm vấn đề này, bất chấp các yêu cầu giải quyết từ Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp công dân UBND TP. HCM. Phải chăng đây là trường hợp điển hình cho loại “virus trì trệ”, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Bài học chậm trễ cấp “sổ đỏ” tại quận Bình Tân: Cần triệt tiêu trì trệ gây ảnh hưởng đến người dân - Ảnh 1
 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp ngày 15/8/2019 của gia ông Lê Như Nguyên đang bị Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân giữ lại.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp ngày 15/8/2019 của gia ông Lê Như Nguyên đang bị Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân giữ lại.
Dù đã hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế nhưng từ nhiều tháng qua, gia đình ông/bà Lê Như Nguyên, Nguyễn Kiều Diễm Chi, trú tại Phường 4, Quận 10, TP.HCM - chủ sở hữu khu đất tại số thửa 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân vẫn chưa nhận được lại được Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho mảnh đất nêu trên.
Trước những diễn biến bất thường trong cách giải quyết vụ việc của các cấp, ngành quận Bình Tân và sự phản ánh của cơ quan báo chí, Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp công dân UBND TP.HCM đã ban hành văn bản đề nghị giải quyết nhưng UBND quận Bình Tân vẫn “chây ỳ” việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Theo đó, ngày 06/02/2020, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ) Trần Bích Ngọc đã ký ban hành văn bản số 833/VPCP-V.I ngày 06/02/2020 gửi UBND TP.HCM đề nghị xem xét, giải quyết phản ánh liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất số thửa 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân của ông/bà Lê Như Nguyên và Nguyễn Kiều Diễm Chi theo quy định.
Trước đó, ngày 23/12/2019, Ban Tiếp công dân TP.HCM cũng đã có văn bản chuyển Chủ tịch UBND quận Bình Tân đề nghị xem xét, giải quyết vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật.
Diễn biến vụ việc cụ thể như sau, gia đình ông Lê Như Nguyên và bà Nguyễn Kiều Diễm Chi, trú tại Phường 4, Quận 10, TP.HCM là chủ sở hữu khu đất tại số thửa 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân theo Giấy chứng nhận số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp ngày 15/8/2019.
Sau khi được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng và UBND quận Bình Tân, ông Nguyên, bà Chi đã hoàn thiện các quy định của pháp luật để chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất nêu trên.
Ngày 24/9/2019, ông Nguyên nộp vào ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - chi nhánh Tây Sài Gòn - Phòng Giao dịch Hậu Giang số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 9,328 tỷ đồng.
Cùng ngày, gia đình ông Nguyên tiến hành nộp hồ sơ, làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP. HCM - Chi nhánh Bình Tân và được cán bộ nhận hồ sơ hẹn thời gian trả kết quả vào ngày 09/10/2019.
Tuy nhiên, quá thời hạn được ghi trên Phiếu tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp giấy chứng nhận rất nhiều ngày, nhưng ông Lê Như Nguyên và bà Nguyễn Kiều Diễm Chi vẫn không nhận được Giấy chứng nhận của gia đình mình.
Mãi đến ngày 19/11/2019 (thời điểm quá hạn trả hồ sơ hơn 45 ngày), ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM - Chi nhánh Bình Tân mới có văn bản số 5643/CNBTA về việc liên quan đến sự chậm trễ cấp sổ đỏ cho thửa đất 402, tờ bản đồ 44, phường An Lạc.
Văn bản có nêu: “Ngày 27/9/2019, Chi nhánh Văn phòng đất đai quận Bình Tân có nhận được công văn số 4555/UBND của UBND phường An Lạc với nội dung “UBND phường nhận thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01551/An Lạc do UBND quận Bình Tân cấp ngày 16/7/2007 của ông Lê Như Nguyên có thế chấp thực hiện giao dịch dân sự với ông Nguyễn Phi Long. Do đó, để tránh trường hợp phát sinh hậu quả về phần tài sản thuộc thửa đất số 402, tờ bản đồ số 44 (TL-2005). UBND phường đề nghị Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận tạm giữ bản chính Giấy chứng nhận số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp ngày 15/8/2019 cho ông Lê Như Nguyên và bà Nguyễn Kiều Diễm Chi trong thời gian làm rõ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01551/An Lạc do UBND quận Bình Tân cấp ngày 16/7/2007”.
Ngày 28/10/2019, UBND quận Bình Tân có Thông báo số 1740/TB-UBND ngày 28/10/2019 với nội dung: … Giao Công an Quận tiếp nhận hồ sơ và tiến hành điều tra làm rõ hành vi sai phạm của đương sự có liên quan trong việc giả làm đơn cớ mất để xin cấp lại Giấy chứng nhận số CS13787 ngày 15/8/2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thay thế cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01551/An Lạc do UBND quận Bình Tân cấp ngày 16/7/2007”.
 Văn bản số 3143/CABT-CSKT ngày 22/10/2019 của Công an quận Bình Tân gửi Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Tân.
Mặc dù Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM - Chi nhánh BìnhTân luôn viện lý do vụ việc đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an để biện minh cho việc “om” sổ đỏ của người dân; tuy nhiên, ngày 22/10/2019, Công an quận Bình Tân đã có văn bản số 3143/CABT-CSKT gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân trả lời thông tin tranh chấp dân sự liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Nội dung văn bản nêu rõ ý kiến của cơ quan công an như sau: “Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tham nhũng. Ngày 23/9/2019, Công an quận Bình Tân có xác minh tại UBND phường An Lạc, quận Bình Tân liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân nhằm mục đích điều tra cơ bản, thực hiện yều nghiệp vụ.

Công an quận Bình Tân chưa có văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch đối với thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Do đó đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Dù đã có văn bản trả lời của cơ quan công an, nhưng thay vì trả lại sổ đỏ cho gia đình ông Nguyên và bà Chi thì các cấp chính quyền quận Bình Tân lại đang hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đối với việc xin cấp sổ đỏ của người dân? Phải chăng UBND quận Bình Tân đang cố “khép” những đòi hỏi chính đáng về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vào khung pháp luật hình sự khiến họ phải thường trực hoang mang, lo lắng mặc dù không phạm tội?

Rõ ràng, việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ kết án oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự, khiến người dân và doanh nhân thường trực hoang mang, làm kìm hãm, trở thành rào cản cho sự phát triển đi lên của đất nước và của từng địa phương.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (người yêu cầu ngăn chặn việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Nguyên, bà Chi) để tìm hiểu thông tin sự việc thì ông Bình thoái thác trả lời và “đá quả bóng” trách nhiệm sang cho Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân.

Tiếp đến, PV liên hệ với ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân theo số điện thoại (0903785xxx) thì vị này thường xuyên để máy tự đổ chuông hoặc tắt máy sau khi đổ chuông để “né” việc trả lời.

Chiều ngày 12/2/2020, tại phiên họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu, không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai biện pháp, không chịu tái cơ cấu ngành, do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. “Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nêu rõ.

Vụ việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân tại quận Bình Tân là một ví dụ điển hình cho loại “virus trì trệ”, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và hệ quả đến hôm nay gia đình ông Nguyên vẫn chưa nhận được “sổ đỏ”.

Từ vụ việc trên cho thấy, phải chăng các cấp chính quyền quận Bình Tân đang làm điều ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bất chấp sự ý kiến từ Văn phòng Chính phủ và của Ban Tiếp công dân Thành phố và cố tình “phớt lờ” văn bản trả lời điều tra cơ bản của Công an quận Bình Tân, đẩy người dân tới bờ vực của “vòng lao lý”?

Loại “virus” này vốn tồn tại từ lâu và xuất hiện ở không ít địa phương. Biểu hiện của vấn đề là tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở. “Virus trì trệ” đã và đang gây nhiều tác hại, là rào cản cho sự phát triển của xã hội, thậm chí có thể vô hiệu hóa mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu như không được chú ý quan tâm đúng mức, không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Do đó, để trị “căn bệnh” này có hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để chỉ ra đích danh, đúng địa chỉ, nhất là bộ phận “dưới lạnh”.

Do đó, để loại bỏ “con virus trì trệ”, giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với vụ việc nêu trên, đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công vụ để làm rõ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc nêu trên theo quy định, cũng như làm rõ động cơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc chây ỳ, gây khó khi cấp sổ đỏ cho người dân…